Từng có nguy cơ bùng dịch như TP HCM, trung tâm FDI biến loạt vùng đỏ thành xanh trong thời gian ngắn, sẵn sàng 'bình thường mới'
Số ca nhiễm lao dốc, trường hợp tử vong thấp
Tính đến ngày 17/9, Bình Dương đã ghi nhận tổng cộng 173.086 ca COVID-19, trong đó có 134.405 người được chữa khỏi, xuất viện và 1.577 ca tử vong, tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở Bình Dương được đánh giá là tương đối thấp so với các tỉnh, thành khác.
“Hiện nay tình hình dịch COVID-19 trong tỉnh đã qua đỉnh dịch và đang đi xuống. Hiện nay Bình Dương vẫn đang thực hiện xét nghiệm PCR tầm soát trên diện rộng hằng tuần đối với người dân ở vùng xanh để giữ sạch vùng xanh", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh chia sẻ với Thanh niên sáng ngày 15/9.
Trong 7 ngày gần đây, tính từ ngày 10/9 đến 17/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận trung bình 3.318 ca mắc COVID-19/ngày. Trong khi đó, tuần ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là 24/8 đến 31/8 với trung bình 5.390 ca/ngày. Như vậy số ca nhiễm trung bình tại thời điểm hiện tại so với mức vào lúc cao điểm đã giảm hơn 2.000 trường hợp/ngày.
Dù mỗi ngày vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới nhưng phần lớn ca phát hiện chủ yếu tập trung ở vùng "khóa chặt". Đáng chú ý, trong tuần qua, số ca nhập viện của tỉnh thường cao hơn số ca nhập viện. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Bình Dương, tỉnh đứng thứ hai cả nước về số ca nhiễm, tương đối thấp so với TP HCM - tâm dịch của cả nước.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã ghi nhận tín hiệu đáng mừng khi các tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 đã trống nhiều giường bệnh. "Các bệnh viện dã chiến tầng 2 và tầng 3 ở Bình Dương hiện đang tương đối trống, chỉ sử dụng khoảng 50 - 60% công suất", Thanh niên dẫn lời ông Võ Văn Minh.
Về công tác xét nghiệm diện rộng từ ngày 2/8, bằng test nhanh và PCR cho hơn 5.3 triệu lượt người. Kết quả có 123.121 trường hợp dương tính, chiếm tỷ lệ 2,28%. Trong khi đó, lấy mẫu PCR cho 134.631 công nhân tại 166 công ty trong các khu công nghiệp, có 389 trường hợp dương tính.
Nhiều vùng "đỏ đậm đặc" hóa xanh
Những khu vực "đỏ đậm đặc" như thị xã Tân Uyên hay TP Thuận An từng là điểm nóng của dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương, phải áp dụng biện pháp "đông cứng, khóa chặt" nhưng đến nay số ca nhiễm giảm mạnh, nhiều vùng đã dần được "xanh hóa".
Đơn cử như tại thị xã Tân Uyên, tính đến chiều 15/9, thị xã đã tổ chức công bố thiết lập được 6 phường, xã "vùng xanh" và hiện còn một vùng vàng, ba vùng cam và hai vùng đỏ.
Sau ba tháng "căng mình" chống dịch, đến nay, Bình Dương đã có 6/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh công bố "vùng xanh" và thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại các "vùng xanh" gồm: huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát. Ngoài ra, tỉnh còn ghi nhận các khu vực “vùng xanh” tại thị xã Tân Uyên, TP Dĩ An và TP Thuận An.
Hiện các "vùng đỏ," "điểm đỏ" tiếp tục được khóa chặt, tiến hành xét nghiệm tách F0, làm sạch COVID-19 trong cộng đồng để sớm chuyển hóa thành "vùng xanh."
"Trung tâm FDI" trên đà phục hồi kinh tế
Dịch bệnh bùng phát đã khiến người dân cũng như doanh nghiệp tại Bình Dương phải trải qua thời gian khó khăn tột đỉnh. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công ty rơi vào khủng hoảng, người lao động cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng kể từ đầu năm đến tháng 8, Bình Dương thu hút hơn 1,493 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 42 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 476,6 triệu USD và 21 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng 792,9 triệu USD, số dự án góp vốn, mua cổ phần là 78 với tổng vốn 223,9 triệu USD.
Riêng tháng 8, dịch bệnh hoành hành, nhưng Bình Dương vẫn thu hút được gần 34 triệu USD vốn FDI.
Hay mới đây nhất, theo Báo Chính phủ đưa tin ngày 16/9, Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro của doanh nghiệp Thụy Điển này tại tỉnh Bình Dương.
Điều này đã tái khẳng định niềm tin vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 cũng như cam kết không ngừng hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống.
Với những điểm sáng trong công tác phòng chống dịch, Bình Dương - một trong những trung tâm FDI của khu vực, đang dần trở lại đà phục hồi kinh tế - xã hội.
Bắt đầu từ ngày 15/9, tỉnh Bình Dương đã được công bố trở về trạng thái bình thường mới có điều kiện; mục tiêu thực hiện gồm ba giai đoạn. Trong đó ưu tiên kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm 2021.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ 15/9 đến 31/10, ưu tiên triển khai phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa bàn “vùng xanh” tại TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát Cát, huyện Phú Giáo, Dầu tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và một số phường, xã của ba địa phương còn “vùng đỏ” gồm TP Thuân An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên.
Từ sau 31/10, thực hiện giai đoạn 2 gồm kiểm soát được dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng, trong điều kiện vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ và đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì sẽ mở cửa lại các hoạt động kinh tế-xã hội một cách có chọn lọc.
Giai đoạn 3 từ sau 31/12, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng, sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch bệnh sẽ phải có tiêu chí về điều kiện hoạt động.