Thủ phủ công nghiệp Bình Dương vượt mốc 32.000 ca COVID-19, số ca mới 14 ngày qua tăng hơn 200%
Bình Dương được biết đến là một trong những "thủ phủ" công nghiệp của cả nước, và thuộc nhóm có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao nhất. Về thu hút vốn FDI, tỉnh đứng thứ 2 (chỉ sau TP HCM) với 3.982 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 36,8 tỷ USD
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người ở Bình Dương đứng đầu với 7,02 triệu đồng/ tháng. Con số này cao hơn TP HCM (7,4%) và Hà Nội (17,3%).
Hiện, Bình Dương là ổ dịch nghiêm trọng thứ hai, sau TP HCM. Tính riêng trong đợt dịch lần thứ 4 đến sáng 11/8, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 32.700 ca mắc COVID-19, chiếm hơn 14% tổng số ca nhiễm COVID-19 của toàn quốc.
Số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày gần đây tại Bình Dương ở mức trên 1.800 trường hợp mỗi ngày, cao điểm vào ngày 8/8 với 3.210 trường hợp được ghi nhận.
Số ca nhiễm 14 ngày gần đây tăng hơn 200% so với 14 ngày trước
Bình Dương ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch này hôm 31/5. Hơn 70 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh có thêm hơn 450 bệnh nhân.
Từ giữa tháng 7, số ca mới hàng ngày của tỉnh có xu hướng dần tăng nhanh, từ 100 ca mỗi ngày lên 300 - 500 - 700 ca chỉ trong thời gian ngắn.
Trong vòng 10 ngày từ ngày 1/8 đến ngày 10/8, số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương đã tăng gần 15.000 trường hợp.
Theo tính toán, số ca mới trong 14 ngày qua tăng hơn 200% so với 14 ngày trước đó.
Đáng chú ý, số ca mắc ngoài cộng đồng tại Bình Dương ở mức khá cao. Qua quá trình sàng lọc cộng đồng, tại các địa phương đã lấy mẫu cho 237.519 trường hợp, kết quả có 7.707 trường hợp dương tính. Trong đó, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên là nơi có số ca nghi mắc cao.
Chia sẻ với báo Tiền phong hôm 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận định: “Tỉnh đang đối mặt tình trạng quá tải. Trên thực tế bệnh nhân có diễn biến nặng đến nguy kịch ngày càng tăng. Tỉnh rất cần tiếp tục có sự chi viện của Bộ Y tế về bác sĩ và trang thiết bị”.
Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với số giường đáp ứng điều trị cho 17.240 người. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã huy động 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có khu điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài.
Bình Dương cũng đang triển khai nâng cách ly tập trung lên 50.000 chỗ và sẽ mở rộng lên 100.000 chỗ; khẩn trương xây dựng phương án mở rộng và bổ sung số giường điều trị từ 17.240 giường lên 30.000 giường để kịp thời điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" xuất hiện ca dương tính
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, để vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch hiệu quả, ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện “3 tại chỗ” - cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất.
Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.700 doanh nghiệp cùng hơn 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian triển khai mô hình này, tại nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" đã xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 là công nhân trong nhà máy.
Theo báo cáo trong buổi tọa đàm do Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức hôm 29/7, qua khảo sát sơ bộ với 100 doanh nghiệp hội viên ngành gỗ, có 71 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ và 29 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Trong số đó, có 8 doanh nghiệp đã xuất hiện ca F0 trong nhà máy.
Điển hình là Công ty gỗ kỹ nghệ Long Việt đã tiến hành bố trí cho 300/800 công nhân sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" từ ngày 10/7. Những công nhân thực hiện "3 tại chỗ" đều được xét nghiệm cho kết quả âm tính COVID-19.
Tuy nhiên, đến ngày 20/7, qua xét nghiệm định kỳ, công ty đã phát hiện ca F0 đầu tiên và chỉ trong vòng 5 ngày sau, số ca F0 đã lên tới 248 trường hợp. Trong công văn khẩn gửi đến UBND tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này kêu cứu "chúng tôi đã kiệt sức không thể tự quản lý, kiểm soát công tác phòng chống dịch được nữa”.
Tương tự, Công ty TNHH nội thất New Fortune (KCN Nam Tân Uyên mở rộng) thực hiện phương án "3 tại chỗ" đã phát hiện 37 ca dương tính. Công ty TNHH Timberland (Phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên) có hơn 1.300 người ở lại công ty sản xuất "3 tại chỗ" nhưng tới ngày 27/7 đã phát hiện 233 ca dương tính...
Mới đây, Viglacera cũng vừa thông báo tạm dừng hoạt động một công ty tại Bình Dương để triển khai các biện pháp phòng dịch.
Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn nhiều gam màu sáng
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, 7 tháng đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20.322 triệu USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ 7 tháng/2020 tăng 0,6%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 15.852 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ 7 tháng/2020 tăng 4%).
Tuy nhiên, một số chỉ số không mấy khả quan, đáng chú ý, 7 tháng đầu năm, số dự án FDI được cấp mới giảm hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 37 dự án với tổng số vốn đăng ký là 443,7 triệu USD. Trong 7 tháng qua, số dự án điều chỉnh vốn giảm hơn 70%, tương đương với 19 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 792,2 triệu USD.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 7 của tỉnh chậm lại và giảm so với tháng trước. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 giảm 2,8% so với tháng trước
Dịch kéo dài cũng khiến cho lao động của một số ngành giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số lao động chung của toàn ngành công nghiệp 7 tháng đầu năm giảm 3,5% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, bức tranh kinh tế Bình Dương 7 tháng đầu năm vẫn nhiều gam màu sáng dù dịch trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, số ca mắc mới hàng ngày đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt từ cuối tháng 7 đầu tháng 8. Nếu không giảm được đà lây nhiễm, hoạt động kinh doanh sản xuất của Bình Dương cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong Nghị quyết 86 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ đưa mục tiêu TP HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước 1/9; còn các tỉnh, thành khác phấn đấu đến mốc 25/8 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Để sớm khống chế dịch bệnh, Bình Dương tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng đợt 2 tại các địa phương và các khu công nghiệp nhằm "bóc" hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu thu hẹp "vùng đỏ," mở rộng và bảo vệ "vùng xanh", hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong để sớm đưa Bình Dương trở về trạng thái "bình thường mới".