|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhóm lao động giảm sâu thu nhập, mất việc gần như không tiếp cận được gói 62.000 tỷ

06:08 | 24/07/2021
Chia sẻ
Đây là nội dung nằm trong báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 với các đợt bùng phát dịch trên diện rộng đã tác động vô cùng nặng nề đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của mỗi người dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được ban hành và triển khai thực hiện từ những tháng đầu năm 2020 đến nay. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 với tổng mức hỗ trợ lên tới 61.580 tỷ đồng.

Chỉ 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm người lao động mất việc, thiếu việc

Theo đó, gói hỗ trợ này áp dụng cho người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên.

Ngoài ra, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cũng nằm trong diện hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng.

Chỉ 3,6% gói hỗ trợ tiền mặt tới tay người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Quy mô gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng gồm 3 hợp phần chính. (Biểu đồ: Phương Trang).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 còn tồn tại nhiều hạn chế. Việc thực hiện chính sách không đạt được như kỳ vọng khi ban hành chính sách, số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời.

Trong gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với quy mô khoảng 35.880 tỷ đồng, hiện đã thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng, bằng 36,5% quy mô gói hỗ trợ.

Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này.

Chỉ 3,6% gói hỗ trợ tiền mặt tới tay người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ. (Biểu đồ: Phương Trang).

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ thông qua các chính sách gián tiếp với quy mô 16.200 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với ước tính quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đến nay đã nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

Nhiều thủ tục cứng nhắc khiến tiến độ giải ngân chậm

Một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.

Chẳng hạn như quy định về điều kiện người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ sát thực tế, gây khó khăn cho người lao động khi quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ của người lao động lại phụ thuộc vào tài chính của doanh nghiệp.

Chỉ 3,6% gói hỗ trợ 62.000 tỷ tới tay người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nhiều thủ tục, quy định khó hiểu khiến tốc độ giải ngân của gói 62.000 tỷ còn chậm. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Hay tại điểm c, khoản 1 Điều 7 còn gây khó hiểu, cứng nhắc, hạn chế sự linh hoạt, chủ động của địa phương trong quá trình thực hiện. Có tình trạng người lao động khu vực phi chính thức phải mất thời gian chứng minh mình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp (xác nhận gia đinh không có ruộng, đất nông nghiệp).

Đồng thời, việc quy định cụ thể các ngành nghề, nhóm công việc chưa phù hợp, do điều kiện ngành nghề của các địa phương có sự khác biệt, dễ bỏ sót đối tượng, việc xác định thu nhập, công việc của người lao động đi làm việc ở ngoài địa phương rất khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông về chính sách thiếu thận trọng khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có ý kiến chính thức đã gây ra những cách hiểu chưa chính xác, chưa đầy đủ, tạo sự kỳ vọng quá lớn trong Nhân dân, người lao động và doanh nghiệp so với việc thực hiện trên thực tế.

Chỉ 3,6% gói hỗ trợ tiền mặt tới tay người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm... do dịch COVID-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Cụ thể như, để được tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương cho người lao động của Ngân hàng CSXH thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhiều điều kiện, mỗi điều kiện lại phải thông qua các cấp, nhiều người phê duyệt dẫn đến kéo dài thời gian và không thực thi được.

Để được vay các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện: doanh nghiệp phải trả 50% lương ngừng việc cho người lao động; không có nợ xấu ở các ngân hàng; phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương và phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên.

Mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng.

Phương Trang