|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội: Lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng

08:43 | 23/07/2021
Chia sẻ
Người lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố và bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết năm nay sẽ được nhận mức hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Quyết định số 3642 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn.

Mức hỗ trợ 1,5 triệu/người/lần

Theo đó, lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố và bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết năm nay. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Hà Nội: Lao động tự do được hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng - Ảnh 1.

Hà Nội hỗ trợ người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống).

Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642 có hiệu lực thi hành, các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND TP hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch COVID-19.

Cụ thể, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố.

Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Nhiều đối tượng khác được hỗ trợ

Ngoài ra, Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quy định của Trung ương, phù hợp với đặc thù địa phương.

Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Hà Nội: Lao động tự do được hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng - Ảnh 2.

Nhiều chính sách hỗ trợ khác cho người lao động, người sử dụng lao động cũng được ban hành. (Ảnh minh họa: báo Hà Nội mới).

Còn hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn của trung ương và gửi đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Bên cạnh đó, người lao động làm việc tại các cơ sở spa tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch cũng thuộc đối tượng được xem xét hỗ trợ.

Đối với hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thì người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận.

Ngoài ra, người sử dụng lao động gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân để thẩm định, phê duyệt. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.

Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.

Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7/7 đến hết ngày 30/6/2022).

Phương Trang