Sau trích lập dự phòng, Vietcombank, VietinBank, MB và Techcombank có khoảng 62.000 tỷ đồng nợ ngoại bảng
Theo báo cáo mới đây về ngành ngân hàng, CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết sau quá trình trích lập dự phòng và xoá nợ xấu trong giai đoạn từ 2015 - 2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn.
ACBS ước tính vào cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của Vietcombank ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 19.000 tỷ đồng, MB khoảng 13.000 tỷ đồng và Techcombank khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đây là những khoản nợ xấu đã được xử lý bằng trích lập dự phòng và không còn nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có đầy đủ quyền thu hồi nợ và xử lý các tài sản bảo đảm có liên quan.
Theo các chuyên gia phân tích của ACBS, mặc dù quá trình thu hồi các khoản nợ ngoại bảng này có thể kéo dài nhưng sẽ là nguồn thu nhập tiềm năng trong những năm tới.
Đánh giá về nợ xấu các ngân hàng trong năm 2021, báo cáo nhận định chất lượng tài sản các ngân hàng đang được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có tăng nhẹ so với quý IV/2020 do yếu tố mùa vụ nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2020 và 2019.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện, giảm áp lực trích lập trong năm 2021. Các khoản nợ tồn đọng và trái phiếu VAMC đã được trích lập đáng kể trong giai đoạng 2018 - 2020.
Các khoản vay trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn,... chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1%) trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng. Đồng thời quy trình cho vay mới chặt chẽ hơn giúp ngân hàng hạn chế được nợ xấu mới.
Chuyên gia của ACBS cho rằng nợ tái cơ cấu của các ngân hàng hiện chưa đáng lo ngại do số dư nợ này đã giảm đáng kể từ quý II/2020 khi tình hình tài chính nhiều khách hàng phục hồi. Đối với các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu giảm dần và chỉ còn chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ.
"Đa số ngân hàng khá lạc quan về khả năng thu hồi các khoản nợ tái cơ cấu (với tỷ lệ thu hồi trên 90%)", báo cáo viết.
Theo đánh giá của ACBS, mặc dù đợt dịch COVID-19 thứ tư có thể khiến nền kinh tế tạm thời bị gián đoạn ở một số khu vực nhưng với việc kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Chính phủ và quá trình tiêm chủng vắc xin đã bắt đầu được thực hiện, công ty kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại hoạt động bình thường.