|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

10 triệu con gia cầm con gà tắc đầu ra, cần làm gì để giải thoát?

15:57 | 10/09/2021
Chia sẻ
Giá gà lông trắng giảm còn 7.000 - 10.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% khiến lượng gà quá lứa tồn đọng khoảng 10 triệu. Gà nuôi thêm ngày nào, nông dân thêm lỗ ngày đó nhưng mọi giải pháp lúc này đều không khả thi.

Gà ăn đất

Theo Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp trắng dẫn đến tồn đọng khoảng 10 triệu con gà đã đến tuổi xuất chuồng.

Điều này khiến giá gia cầm tại các tỉnh ĐBSCL rớt thê thảm, đặc biệt giá gà trắng chỉ còn 7.000 – 10.000 đồng/kg, giảm khoảng 60% so với bình quân năm trước. Với giá gà như thời điểm này, người nuôi đang lỗ 20.000 – 40.000 đồng/kg.

Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, nông dân nuôi gà chưa kịp hồi sức sau cú sốc phát triển nóng năm 2019 lại bị COVID-19 giáng thêm đòn đau khiến người chăn nuôi lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Trao đổi với người viết, chị Đặng Thị Huệ, người chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết trước đây nhà chị có hai trại gà lớn với quy mô khoảng 60.000 con.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây nuôi gà không có lãi, chị phải bán một trại cho người ta để có tiền tái đầu tư, mong gỡ lại cả vốn lẫn lời.

Theo đó, trước khi các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội, gia đình chị Huệ ký hợp đồng 30.000 con gà con với cơ sở sản xuất giống. Song gần ngày giao, tỉnh Đồng Nai bùng phát dịch, giá gà giảm mạnh, chị Huệ liên hệ với công ty xin giãn lịch nhận gà nhưng không kịp.

Trước sự lựa chọn tiêu hủy hoặc tái đàn, chị quyết định liều một phen với hy vọng "đón gió" sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chị thế chấp mảnh đất 1,5 ha với ngân hàng để vay 5 tỷ đồng trong đó 2 tỷ cho trang trại gà, 3 tỷ đầu tư lĩnh vực khác.

Theo chị Huệ, trung bình mỗi ngày trang trại tốn 3 tấn cám, tương đương khoảng 40 triệu đồng. Giá gà vẫn "dậm chân tại chỗ", giá cám tăng tiếp tục tăng, giờ nuôi huề vốn đã thấy khó trong khi tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con.

"Trung bình, một con gà tiêu chuẩn 1,65 kg tiêu thụ hết 3,7 kg cám. Tuy nhiên, giá gà trắng giảm còn 7.000 – 10.000 đồng/kg, không đủ để mua 1 kg cám với giá 12.000 đồng.

Tính đến nay, đàn gà đã được 40 ngày tuổi, chỉ 20 ngày nữa, đàn gà đến tuổi xuất chuồng. Gà càng lớn, nhà tôi càng lo".

Sau vài lần thua lỗ, người 20 năm gắn bó với chăn nuôi như chị Huệ cũng có ngày "nhìn thấy gà là sợ" và có ý định chuyển nghề sau đợt dịch COVID-19.

Không riêng gia đình chị Huệ, nhiều hộ chăn nuôi khác cũng đang rao bán đất đai để lấy tiền mua thức ăn cho đàn gà và duy trì các khâu sản xuất tại trang trại.

"Gà ăn hết đất, hết tài sản của nông dân", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ.

Dưới ảnh hưởng của COVID-19, ngành gia cầm Việt Nam đang phải đương đầu với khủng hoảng, doanh nghiệp càng lớn, thiệt hại càng nhiều.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà tại TP HCM, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50%. Trong khi hợp đồng liên kết với trang trại là 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng giá gà bán ra hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Hiện nay chi phí cho một con gà là 60.000 đồng, bao gồm giá vốn là 50.000 đồng, chi phí giết mổ 10.000 đồng.

Giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, doanh nghiệp phải bán ra thị trường với giá bình ổn khoảng 40.000 đồng/con.

"Mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà, chúng tôi đang bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày. Đây là nỗi đau của doanh nghiệp, không biết có thể chịu đựng đến bao giờ", bà Hà cho biết.

Mọi giải pháp đều rơi vào bế tắc

Năm 2019, khi mà dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Việt Nam khiến cho ngành chăn nuôi heo thiệt hại nặng nề, gia cầm từng được coi là cứu cánh của ngành chăn nuôi. Từ nông hộ nhỏ lẻ, trang trại đến cả doanh nghiệp lớn cũng bước vào "cuộc đua" tăng đàn gia cầm.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ đỉnh cao chưa được bao lâu, ngành gia cầm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép từ thị trường và dịch COVID-19 hiện nay có thể khiến nhiều người chăn nuôi phải bỏ cuộc chơi.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết: "Trong các mắt xích sản xuất – lưu thông – tiêu thụ, đứt gãy khâu tiêu thụ được coi là nguồn cơn của hiệu ứng domino ngược, kéo theo sự đứt gãy của khâu phân phối, sản xuất.

Khi mọi thứ sụp đổ, ngành gia cầm phải xếp lại từ đầu cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đầu ra sản phẩm có tốt thì các khâu khác mới trở lại bình thường".

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết những đầu mối tiêu thụ gà trắng như chuỗi cửa hàng KFC, quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể đều đóng cửa… đều phải đóng cửa phòng dịch COVID-19, gây tồn đọng lượng lớn gà trắng.

Theo ông Trọng, nhiều người cũng đặt ra vấn đề giết mổ, cấp đông và tiêu thụ về sau. Tuy nhiên, phương án này không khả thi bởi thiếu kho lạnh và chi phí cấp đông quá lớn so với giá của sản phẩm.

Theo thống kê, cả nước hiện chỉ có 48 kho lạnh bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu thuê kho lạnh tăng mạnh và chủ yếu ở các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu có giá trị cao.

"Ở thời điểm này, gà công nghiệp có giá trị thấp nên người dân chưa mặn mà với phương pháp này. Cho dù thị trường mở cửa trở lại, giá gà tăng cũng không thể chi trả hết cho khoản tiền ấy, người nuôi lỗ vẫn hoàn lỗ.

Bên cạnh đó, thị hiếu người tiêu dùng Việt thích sử dụng thịt nóng, không ưa gà đông lạnh nên rất khó", ông Trọng nói.

Thậm chí, giải pháp xuất khẩu gà giá rẻ cũng từng được đề cập đến. Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng đặc thù gà xuất khẩu được nuôi trong khu công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp như Bel gà, Dehues, Hùng Nhơn… còn gà ở các trang trại, HTX, doanh nghiệp nhỏ không thể xuất khẩu vì khó đáp ứng điều kiện của đối tác.

Do đó, dù trọng lượng của 10 triệu con gà quá lứa lên tới 4 kg nhưng các hộ chăn nuôi vẫn phải tiếp tục nuôi cầm cự, tiêu thụ dần dần chứ không còn cách nào.

Ông Trọng nhận định: "Cho đến khi đầu ra gà công nghiệp trắng mở cửa trở lại, không sợ thiếu gà bởi đặc thù gà công nghiệp tái đàn rất nhanh, chỉ cần nuôi 2 tháng có thể xuất chuồng.

Do đó, giải pháp trước mắt là tạm thời chưa xuống đàn, bán trứng giống thành trứng thương phẩm, theo dõi thị trường và diễn biến dịch COVID-19 để tính toán thời điểm vào đàn hợp lý".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.