Dịch COVID-19: Giá lợn hơi và gà tại Vĩnh Phúc giảm mạnh
Ông Vũ Hoàng Lân, Trưởng phòng Khuyến nông và Chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho biết, hiện tại, giá lợn hơi xuất chuồng và giá gà thịt đủ thời gian nuôi và trọng lượng cung ứng ra thị trường ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm tương đối mạnh.
Giá lợn hơi các hộ chăn nuôi bán tại cửa chuồng, trại hiện nay từ 50.000 đồng đến 54.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 7/2021.
Với giá bán này, người chăn nuôi lợn thịt khi tự sản xuất được con giống vẫn có lời từ 300.000- 600.000 đồng/con, phổ biến lợn thịt khi xuất chuồng có trọng lượng trên dưới 100 kg.
Tuy vậy, cũng giá bán trên với người phải đi mua con giống thì lại lỗ nặng, mức thu lỗ khoảng 600.000 đồng đến 900.000 đồng/con khi bán cho các tiểu thương đến thu mua tại chuồng.
Anh Nguyễn Văn Lương ở thôn Cầu dưới, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch chia sẻ, trang trại chăn nuôi của anh có 400 con lợn thịt nhưng giá bán chỉ có 51.000 đồng/kg; trong khi đó từ ngày 20/7/2021 trở về trước anh Lương bán giá lợn thịt tại cửa chuồng là 56.000 đồng/kg.
Giá gà trên địa bàn tỉnh cũng đang giảm giá mạnh. Đơn cử như giá gà lông màu nuôi 90 đến 100 ngày giá phổ biến tại chuồng, tại các trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dao động từ 45.000- 47.000 đồng/kg, từ giảm từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 7/2021.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, giá thành sản xuất mỗi một kg gà lông màu từ 43.000 đồng- 44.000 đồng/kg và với giá bán hiện nay mỗi con gà lông màu khoảng 2,5 đến 3 kg khi xuất bán, người nuôi thua lỗ 7.000 đến 10.000 đồng/con.
Đáng quan tâm là giá gà thịt lông trắng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm khá sâu và người chăn nuôi thu lỗ nặng. Giá gà lông tắng tại các gia trại, trang trại tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo có giá 17.000- 18.000 đồng/kg.
Trong khi đó giá thành sản xuất hiện nay tới 28.000- 29.000 đồng/kg. Với giá bán tại chuồng, trại hiện nay mỗi con gà lông trắng đủ trọng lượng xuất chuồng khoảng 3kg, người chăn nuôi sẽ lỗ khoảng 30.000 đồng/con gà thịt lông màu trắng.
Theo ông Vũ Hoàng Lân, việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khó khăn.
Trong đó, có các sản phẩm chăn nuôi như gia súc, gia cầm. Nguyên nhân do một số nhà máy, các trường học, bếp ăn tập thể ở trong và ngoài tỉnh vì dịch COVID-19 mà tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, lưu thông hàng hóa nông sản ra các tỉnh, thành, nhất là thủ đô Hà Nội- nơi được coi là có nhu cầu lớn tiêu dụng các mặt hàng thiết yếu gần đây vận chuyển khó khăn do các chốt, các địa phương yêu cầu các điều kiện đi lại để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, an toàn…
Hiện nay, việc lưu thông hàng hóa với các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải có những thuận lợi nhất định do các giấy phép, điều kiện hoạt động.
Thế nhưng, người dân làm dịch vụ kinh doanh vận tải hàng hóa là đội ngũ năng động, chiếm số khá đông vì không có giấy phép kinh doanh, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động dịch vụ vận tải vẫn khó qua lại các chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Có thể thấy, việc sản xuất các sản phẩm cây trồng, vật nuôi ở Vĩnh Phúc hiện nay vẫn thiếu tính tập trung, do đó khi đi thu mua vẫn phải gom ở các điểm nhỏ lẻ, phân tán. Hoạt động vận chuyển hàng hóa đi nơi khác bán do các tiểu thương, người dân có phương tiện vận tải chủ động thu mua, phân phối, cung ứng ra thị trường.
Vì thế, các ngành chức năng của tỉnh, cũng như các tỉnh, thành khác muốn hàng hóa nông sản lưu thông dễ dàng vẫn cần tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hữu hiệu để các tiểu thương, chủ thể và cá nhân làm dịch vụ vận tải hàng hóa thiết yếu, mang sản phẩm đi các tỉnh, thành tiêu thụ dễ dàng hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất…
Đặc biệt, Vĩnh Phúc cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền vận động để không xảy ra tình trạng thông tin sai lệch về giá cả, thị trường, các thủ đoạn ép giá các mặt hàng nông sản để trục lợi của một số tiểu thương, đẩy nông dân vào khó khăn…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay toàn tỉnh có 11,7 triệu con gia cầm; trong đó, riêng đàn gà chiếm tới 90% và chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu ở các huyện như Tam Dương, Tam Đảo…Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc hiện có đàn lợn 407.000 con chưa tính đàn lợn con, lợn sữa.