|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi miền Nam diễn biến ra sao khi nhiều cơ sở giết mổ lớn đóng cửa?

11:34 | 29/07/2021
Chia sẻ
Việc nhiều cơ sở giết mổ phải đóng cửa, giảm công suất là cú sốc khiến giá heo hơi miền Nam biến động trong nhiều ngày qua. Giá heo hơi miền Nam chạm đáy ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg, có nơi bị ép giá xuống mức 50.000 – 51.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) số lượng đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tại các tỉnh phía Nam đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của cả khu vực, thậm chí xuất khẩu.

Tuy nhiên, số lượng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, nhà máy chế biến thủy sản ngưng hoạt động hoặc giảm công suất ngày càng nhiều.

Mới đây, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), doanh nghiệp này cung ứng 28% lượng thịt tươi sống và sản phẩm chế biến cho TP HCM, ghi nhận 43 công nhân nhiễm COVID-19.

Việc nhiều cơ sở giết mổ phải đóng cửa, giảm công suất là cú sốc khiến giá heo hơi miền Nam biến động trong nhiều ngày qua.

Cụ thể, giá heo hơi ngày 28/7 dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 – 6.000 đồng so với tuần trước và chạm đáy trong vòng một năm qua.

Một số hệ thống giết mổ tại các tỉnh phía Nam phải đóng cửa do COVID-19 khiến người dân phải bán heo cho các lò mổ khác và xuất hiện tình trạng ép giá còn 50.000 – 51.000 đồng/kg.

Giá heo hơi miền Nam diễn biến ra sao khi nhiều cơ sở giết mổ lớn đóng cửa? - Ảnh 1.

Diễn biến giá heo hơi miền Nam 7 tháng đầu năm (Đơn vị: đồng/kg, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Chia sẻ trong họp báo của tổ công tác 970, ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết việc các cơ sở giết mổ phải tạm ngừng hoạt động có nhiều nguyên nhân như khu vực ghi nhận ca nhiễm COVID-19 hoặc phong toả, không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ".

"Giá heo hơi tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu giảm sâu xuống mức 52.000 đồng/kg do 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ tại các khu công nghiệp, khu chế biến, nhà hàng và cửa hàng thực phẩm ăn nhanh giảm mạnh", ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển lưu thông gia súc gia cầm qua các địa phương vẫn khó khăn do siết chặt quy định kiểm dịch gây mất cân bằng cung – cầu, nơi thiếu nơi thừa.

Tổ công tác đang theo dõi tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm COVID-19 và tập huấn cho doanh nghiệp tự test nhanh. 

"Về lâu dài, Bộ sẽ đề xuất địa phương tiêm vắc xin cho công nhân sớm nhất có thể, duy trì duy trì hoạt động giết mổ bởi đây là khâu quan trọng trước khi đưa thịt heo, thịt gia cầm đến tay người tiêu dùng", ông Thắng nói.

Về vấn đề tiêu thụ, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị TP HCM và các địa phương cho mở chợ đầu mối, chợ truyền thống, điểm tập kết hàng nhằm cung cấp thực phẩm cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, cập nhật cung - cầu để điều tiết thị trường.

Trước việc nhiều cơ sở giết mổ phải đóng cửa, tổ công tác kết nối với các công ty lớn như CP, Masan chuẩn bị phương án tăng công suất giết mổ gia súc, gia cầm, kích cầu tiêu dùng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hoàng Anh