|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gà rẻ hơn rau, doanh nghiệp lỗ 1 tỷ đồng/ngày

16:39 | 02/08/2021
Chia sẻ
Ở phía các tỉnh phía Nam, giá gà lông trắng giảm mạnh chỉ còn 7.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp gánh lỗ gần 1 tỷ đồng/ngày. Đại diện VIPA kiến nghị huy động các cơ sở giết mổ đủ điều kiện tăng công suất giết mổ và bảo quản kho lạnh.

Giá gà rẻ hơn rau

Tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm chăn nuôi và thủy sản", ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện nay tỉnh còn 1 triệu con gà chưa có đầu ra, tương đương khoảng 2,5 triệu tấn thịt.

Trong đó, giá gà trắng giảm mạnh nhất, chỉ còn 7.000 đồng/kg. Một con gà 3 kg chỉ bán được gà chỉ bán được 20.000 đồng, chưa bằng 1 kg rau.

Với mức giá này người chăn nuôi đang lỗ 20.000 đồng mỗi kg gà. Nếu nhân với 2,5 triệu tấn gà thì doanh nghiệp, người chăn nuôi đang lỗ số tiền rất lớn.

"Trong mấy ngày qua, hơn 1 triệu con gà giống đã bị đốt bỏ do không có chuồng nuôi, không thể vận chuyển con giống, thức ăn chăn nuôi…", ông Xuân nói.

Theo ông Xuân, đấu tranh với COVID-19 là cuộc chiến trường kỳ. Bên cạnh việc giải quyết đầu ra cho người dân với giá ổn định còn phải tính đến chuyện tái đàn, duy trì sản xuất.

"Hôm nay có 1 triệu con gà giống bị đốt bỏ đồng nghĩa với việc trong tương lai sẽ thiếu 1 triệu còn gà, nguồn cung cho các khu đô thị, khu công nghiệp sẽ thiếu hụt trầm trọng khi hết dịch COVID-19", ông Xuân nói.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà tại TP HCM, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50%. Trong khi hợp đồng liên kết với trang trại là 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng giá gà bán ra hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Hiện nay chi phí cho một con gà là 60.000 đồng, bao gồm giá vốn là 50.000 đồng, chi phí giết mổ 10.000 đồng. Giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, doanh nghiệp phải bán ra thị trường với giá khoảng 40.000 đồng/con.

"Mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà, chúng tôi đang bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày. Đây là nỗi đau của doanh nghiệp, không biết có thể chịu đựng đến bao giờ", bà Hà cho biết.

Nút thắt ở các cơ sở giết mổ

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết các tỉnh phía Nam có khoảng 70 - 80 triệu con gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng tắc đầu ra.

"Ngoài yếu tố cung – cầu, nguyên nhân chính khiến giá gà giảm mạnh là ách tắc ở khâu vận chuyển và giết mổ. Các khu giết mổ lớn hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động vì dịch Covid-19, trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ không được hoạt động", ông Sơn cho biết.

Giá gà rẻ hơn rau, doanh nghiệp 'ngậm đắng nuốt cay' lỗ 1 tỷ đồng/ngày - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính khiến giá gà trắng giảm mạnh do hàng loạt cơ sở giết mổ phải đóng cửa vì có người nhiễm COVID-19 (Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Để giải quyết lượng gà đang tồn đọng rất lớn trong chuồng, ông Sơn kiến nghị rà soát, huy động các cơ sở giết mổ đủ điều kiện tăng công suất giết mổ và bảo quản kho lạnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể xem xét kích hoạt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có sự giám sát của lực lượng thú y.

"Về lâu dài các tỉnh cần có chương trình tiêm vắc xin cho cơ sở chăn nuôi, giết mổ và chế biến gia súc gia cầm.

Bởi chỉ cần một người nhiễm COVID-19, cả cơ sở sẽ phải đi cách ly, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và nguồn cung thực phẩm sau này", ông Sơn nói.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết: "Cần coi nghề giết mổ là nghề đặc biệt để có chương trình tiêm vắc xin sớm. Nếu hậu phương không vững chắc thì ai sẽ là người hỗ trợ, cung ứng thực phẩm cho tuyến đầu".

Bên cạnh đó, ông Quyết kiến nghị ngành y tế có giải pháp cho những nhà máy giết mổ gia cầm bị phong tỏa sớm hoạt động trở lại để giải quyết lượng gà tồn đọng và đưa vào kho lạnh bảo quản.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương có phương chuẩn bị nếu cơ sở giết mổ này tạm ngừng hoạt động thì phải có cơ sở giết mổ khác thay thế. Đồng thời có chính sách hỗ trợ xét nghiệm cho công nhân tại các cơ sở giết mổ.

"Theo dự báo giá gà có thểm giảm xuống nữa. Do đó, Bộ NN&PTNTđề nghị Chính phủ hỗ trợ kích cầu, hỗ trợ giá điện doanh nghiệp để giết mổ và lưu kho", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Ngoài nút thắt ở các cơ sở giết mổ, đại diện VIPA còn chỉ ra nghịch lý giá con giống thấp hơn giá trứng. Cụ thể, chi phi sản xuất ra một con gà lông màu một ngày tuổi khoảng 8.000 – 9.000 đồng. 

Tuy nhiên, giá gà giống bán được 3.000 - 5.000 đồng/con tùy theo từng loại trong khi giá trứng leo cao lên mức 5.000 – 6.000 đồng/quả.

Nguyên nhân là do nhu cầu mua gà giống ở các tỉnh phía Nam rất thấp do giá gà giảm sâu, người dân không mặn mà tái đàn và khâu vận chuyển con giống ách tắc tại chốt kiểm dịch.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trang trại sản xuất gà giống đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, nguồn cung thịt gia cầm trong 3 – 4 tháng tới sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Hoàng Anh