Lối sống 5 ngày ở thành phố, 2 ngày ở nông thôn mới của giới trẻ Hàn Quốc để giảm áp lực công việc
Mong ước tìm nơi giải tỏa sau tuần làm việc bận rộn, cô Park So-yeon, 28 tuổi, một huấn luyện viên yoga ở Seoul (Hàn Quốc), rời thành phố đến một ngôi nhà nằm gần núi Gyeryong ở tỉnh Chungcheong Nam, cách Seoul khoảng 140 km về phía Tây Nam.
Ngôi nhà này thuộc sở hữu của bố mẹ bạn thân cô, ngoài việc thư giãn tập yoga, cô chỉ cần làm công việc nhà cần thiết. Tại đây, cô cũng có một công việc tại trang trại gần nhà để làm vào hai ngày cuối tuần, đồng thời có thể khám phá cuộc sống nông thôn hoàn toàn khác với những ngày trong tuần làm việc ở thành phố.
"Là một huấn luyện viên yoga, tôi cần phải di chuyển nhiều và đi tàu điện ngầm để gặp gỡ các học viên. Tôi dễ bị căng thẳng và có thể kiệt sức ngay trên tàu điện ngầm đông đúc bởi không có không gian riêng ở đó", cô Park So-yeon trả lời tờ The Korea Times.
Cô đã tìm đến sự cân bằng và thay đổi lối sống của mình, dành 4 đến 5 ngày để làm việc ở thành phố và 2 ngày ở nông thôn. "Việc này khiến tôi cảm thấy có sức sống. Tôi đang dự tính sau này sẽ tiếp tục sống như vậy", Park nói.
Tuy cuộc sống ở thành phố gây căng thẳng và áp lực, Park So-yeon vẫn cảm thấy biết ơn vì có thể dễ dàng mua đồ ăn, gặp gỡ bạn bè và là một phần của mạng lưới yoga tập trung ở Seoul. Trái lại, ở nông thôn tuy không có cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhưng đem lại niềm khuây khỏa về tinh thần mỗi khi được khám phá Mẹ thiên nhiên.
Đi du lịch chỉ là lối thoát tạm thời
Trước khi bắt đầu cuộc sống lai giữa thành thị và nông thôn vào năm ngoái, cô Park đã đi du lịch khắp nơi để tìm lối thoát cho cuộc sống đô thị nhộn nhịp khiến bản thân luôn căng thẳng và mệt mỏi. Việc tìm kiếm chỗ ở hợp lý cho mỗi chuyến đi cũng đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về thời gian và sức lực của cô.
Nhận ra việc đi du lịch chỉ là lối thoát tạm thời, cô quyết định tìm kiếm một nơi duy nhất để dành cho những ngày cuối tuần. Địa điểm lý tưởng không nên xa Seoul để có thể dễ dàng di chuyển giữa hai nơi ở và phải gần gũi với thiên nhiên.
Không chỉ có cô Park So-yeon lựa chọn lối sống này, một nhà sản xuất 32 tuổi của đài MBC (Hàn Quốc) tên Choi Byeol cũng chấp nhận cuộc sống gần giống như vậy ở miền quê.
Vào tháng 6/2020, cô Choi Byeol đã tự tạo và điều hành kênh vlog của MBC tên "Onulun" trên YouTube kể về hành trình cô mua căn nhà 115 tuổi ở thành phố phía Tây Nam Gimje, tỉnh Bắc Jeolla, cách Seoul khoảng 200 km và "bắt đầu" cuộc sống của mình từ con số không.
Tại đây, Choi làm việc ở một thành phố nhỏ của tỉnh và kết nối từ xa với các đồng nghiệp ở Seoul. Video đầu tiên trong loạt phim này đã có gần 2,5 triệu lượt xem tính đến ngày 24/9. Kênh đã phát triển kể từ đó và hiện có gần 300.000 người đăng ký.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Korea Times, cô Choi chia sẻ: "Một trong những lý do khiến tôi muốn chuyển đến đây và dành thời gian nghỉ ngơi đó là để loại bỏ những phiền nhiễu, tập trung vào bản thân và viết lên câu chuyện về chính mình. Tôi cảm thấy mình đã làm đúng những gì mình cần và mô tả lại để đưa vào vlog".
Dành 5 ngày trong tuần ở thành phố, 2 ngày cuối tuần ở miền quê
Lối sống như cô Park So-yeon và cô Choi Byeol đang lựa chọn thường được gọi là "5-do 2-chon" ở Hàn Quốc, có nghĩa dành 5 ngày ở thành phố, 2 ngày ở nông thôn. "Do" là từ rút gọn của "dosi" có nghĩa là "thành phố" trong tiếng Hàn, và "chon" để chỉ vùng làng mạc, nông thôn.
Trước kia, cụm từ này được sử dụng bởi những người từ 50 đến 60 tuổi sống ở thành phố nhưng quan tâm đến việc chuyển sang sống ở vùng nông thôn và làm nông khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang dần ưa thích lựa chọn sống ở thành phố vào các ngày trong tuần và nghỉ ngơi ở nông thôn vào những ngày cuối tuần.
Theo các chuyên gia, xu hướng lựa chọn lối sống mới này phản ánh rằng giới trẻ ngày càng tìm cách tách biệt cuộc sống ra khỏi công việc nhằm đạt được sự cân bằng hơn.
Ông Jeon Young-soo, Giáo sư nghiên cứu Kinh tế Xã hội toàn cầu tại Đại học Hanyang, cho biết sau sự xuất hiện của đại dịch, nhiều công ty đã áp dụng hình thức làm việc từ xa hoặc làm việc tại nhà, các công việc mới kết nối với một phần của nền kinh tế cũng đã xuất hiện.
Thông qua việc thay đổi công nghệ, mọi người giờ đây làm việc mà không cần gặp mặt trực tiếp. Cùng với sự chuyển đổi xã hội chung này, mọi người đã bắt đầu suy nghĩ theo những cách mới, chẳng hạn như sống và làm việc ở những nơi khác nhau.
Giáo sư Jeon Young-soo giải thích, cuộc sống ở thành phố theo quan điểm của người Hàn Quốc có thể đem lại cho họ cơ hội việc làm, nền giáo dục tốt và nhiều tiện nghi. Tuy nhiên, nhìn chung ngày nay các giá trị này đối với con người đã thay đổi, đan xen với áp lực tăng trưởng kinh tế thấp, người ta càng nhận thức được rằng một cuộc sống khó khăn ở thành phố không phải là câu trả lời tốt.
"Hiện tượng "5-do 2-chon" phổ biến ở một nhóm nhỏ thế hệ trẻ phản ánh sự thay đổi trong cách suy nghĩ của mọi người và là một lựa chọn quan trọng để họ có nhiều nơi sống và làm việc.
Hiện có ít người mong muốn chuyển về ở hẳn nông thôn sau khi nghỉ việc ở thành phố. Thay vào đó, có thực tế là nhiều người chấp nhận di chuyển giữa thành phố và nông thôn hơn. Sự thay đổi này đã từng xảy trước đó, chỉ là đại dịch đã làm nó phổ biến hơn", ông Jeon giải thích.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/