|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KLF công bố lợi nhuận đột biến, cổ phiếu giảm sàn xuống đáy lịch sử

18:10 | 22/07/2019
Chia sẻ
Tuy lợi nhuận gộp giảm sâu nhưng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng lên nên lợi nhuận ròng của KLF quí II/2019 vẫn tăng đột biến và vượt mục tiêu cả năm. Cùng ngày công ty thông báo kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu KLF giảm kịch sàn.

Lợi nhuận quí II vượt kế hoạch cả năm, cổ phiếu vẫn "nằm sàn"

CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF) vừa công cố báo cáo tài chính quí II cho thấy doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 527 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp 3,73 tỉ đồng, giảm 54% và tương ứng với biên lãi gộp chỉ 0,71%.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng tới 46% lên gần 26 tỉ đồng. Chi phí bán hàng giảm quá nửa còn gần 1,5 tỉ đồng. Nhờ vậy mà lãi sau thuế của KLF đạt xấp xỉ 16,7 tỉ đồng, tăng 40% so với quí II/2018.

Lũy kế nửa đầu năm 2019, KLF đạt doanh thu thuần gần 732 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp giảm 43% còn 6,7 tỉ đồng. 

Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng 30% và nhờ vậy lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng 36%, đạt 20,3 tỉ đồng.

Theo nghị quyết đại hội cổ đông tổ chức ngày 14/6 vừa qua, năm 2019 KLF đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.400 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 12,8 tỉ đồng.

Sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện 52,3% kế hoạch doanh thu và 159% kế hoạch LNST.

Tổng nguồn vốn của công ty tại ngày 30/6 đạt 1.963 tỉ đồng, tăng 100 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Vốn chủ sở hữu đóng góp tới 89% (tương đương 1.746 tỉ đồng).

Mặc dù công bố kết quả kinh doanh rất tích cực, cổ phiếu KLF hôm nay 22/7 lại giảm kịch sàn xuống mức 1.300 đồng/cp sau nhiều ngày đi ngang. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này.

klf

Biến động giá cổ phiếu KLF từ đầu năm đến nay. Nguồn: VNDirect.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 tổ chức mới đây, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về việc công ty làm ăn có lãi nhưng giá cổ phiếu vẫn liên tục lao dốc.

Ông Trần Thế Anh - Ủy viên HĐQT công ty khi đó cho biết: "Giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường, theo các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước hay thậm chí cả thế giới. Vừa rồi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng phần nào ảnh hưởng tới thị trường của Việt Nam"

Ông Trần Thế Anh nói thêm: "Việc giá cổ phiếu xuống thấp hay lên cao, ban điều hành chúng tôi không thể nào kiểm soát được, mong cổ đông thông cảm".

Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, ban lãnh đạo của KLF cam kết tập trung vào các mảng kinh doanh có tiềm năng như nước giải khát, xuất khẩu đá sang Trung Quốc, … Ngoài ra công ty cũng cố gắng làm tốt việc công bố thông tin, minh bạch với nhà đầu tư.

Cho vay gần 700 tỉ đồng

Đáng chú ý, khoản mục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của KLF là phải thu ngắn hạn với giá trị gần 985 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản. Trong số này, riêng dư nợ KLF cho vay ba doanh nghiệp đã lên tới gần 678 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đều ít nhiều có liên quan đến CTCP Tập đoàn FLC.

CFS KLF

Các khoản phải thu về cho vay của KLF tại ngày 30/6 đã giảm đáng kể so với ngày đầu năm. Nguồn: KLF

Cụ thể, Công ty TNHH Newland Holdings Việt Nam (dư nợ 124 tỉ đồng với KLF) có trụ sở chính tại tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội – trùng với tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn FLC trước đây.

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Thúy Nga – em gái ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) là cổ đông góp 10 tỉ đồng vào Newland Holdings, một cá nhân khác góp 490 tỉ đồng còn lại.

Công ty TNHH Hải Châu (dư nợ 264 tỉ đồng với KLF) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, có trụ sở tại Vĩnh Phúc. Đây là công ty liên kết của KLF. 

Theo báo cáo tài chính quí II vừa công bố, KLF đầu tư hơn 156 tỉ đồng vào Công ty TNHH Hải Châu, có tỉ lệ lợi ích 26% và tỉ lệ biểu quyết 49%.

Theo giấy đăng kí kinh doanh cấp đổi ngày 24/4/2018, KLF góp 141 tỉ đồng tương ứng 23,48% vốn điều lệ của Hải Châu. Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Thúy Nga - em gái ông Trịnh Văn Quyết cũng góp gần 217 tỉ đồng vào Hải Châu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 36,1%.

Ngoài ra, Hải Châu còn có người đại diện theo pháp luật là Giám đốc Trần Thị My Lan – người đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và thành viên HĐQT của KLF. 

Bà Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch HĐQT của KLF là hiện cũng là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.

Công ty TNHH Máy nông nghiệp và bao bì tự phân hủy SIP (dư nợ 289 tỉ đồng với KLF) có người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch hội đồng thành viên là một cá nhân họ Trịnh sinh năm 1991 là ông Trịnh Văn Nam. Ông Nam sở hữu 80 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty, tương ứng tỉ lệ 80%.

Ngoài SIP, ông Trịnh Văn Nam còn là lãnh đạo của 4 doanh nghiệp khác là: CTCP Thương mại và Dịch vụ Trà Cổ (do Tập đoàn FLC góp 7% vốn), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu Damexco, Công ty TNHH Tổng hợp Nam Thành Phát, CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Sơn.

Đại hội cổ đông thường tiên của KLF ngày 14/6 năm nay đã thông qua đề xuất thay đổi tên công ty từ CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (viết tắt: KLF Global) thành CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (viết tắt: CFS. Jsc).

Nói về nguyên nhân đổi tên, lãnh đạo công ty cho biết khi mới thành lập năm 2009, công ty xác định hoạt động kinh doanh theo hướng hợp tác với tổ chức quốc tế. 

Tuy nhiên theo thực tế hiện nay, công ty làm việc chủ yếu với các đối tác trong nước trong đó có các thành viên của Tập đoàn FLC như Bamboo Airways, FLC Stone, FLC Biscom, CTCP Nước giải khát FLC … vì vậy ban lãnh đạo đề xuất đổi tên công ty cho quen thuộc và thuần Việt hơn.

Cũng theo lãnh đạo công ty, ba chữ cái CFS trong tên gọi mới là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Connecting For Success", tạm dịch là "Kết nối để Thành công".

Y Vân