Lãnh đạo KLF tiết lộ lí do đổi tên thành CFS, kêu gọi cổ đông vững niềm tin, không bán tháo cổ phiếu
Đại hội cổ đông thường niên của KLF sáng nay được tổ chức tại trụ sở của Tập đoàn FLC. Ảnh: Đức Quyền.
Sáng nay 14/6, CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (Mã: KLF) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 tại Tòa nhà FLC LandMark Tower, Hà Nội.
Đại hội đã bàn bạc và thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2019. Theo đó, năm 2019 công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.400 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 16 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 12,8 tỉ đồng, trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai phương án với tỉ lệ 3% vốn điều lệ.
So với số thực hiện năm 2018, mục tiêu doanh thu và LNST năm 2019 của KLF tăng trưởng lần lượt 2% và 13%. Theo ông Trần Thế Anh - Ủy viên HĐQT KLF, công ty dự định sẽ sử dụng cả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế để thực hiện phương án cổ tức này.
Công ty cũng có định hướng mở rộng hoạt động sang các mảng mới như nội thất (cho các công trình của Tập đoàn FLC), thuốc bảo vệ thực vật (nhờ hợp tác với CTCP Nông dược HAI), hàng tiêu dùng (trong đó có nước giải khát, hợp tác với CTCP Nước giải khát FLC với nhãn hàng Natuza).
Vì sao cần đổi tên thành CFS?
Đại hội cũng đã thông qua đề xuất thay đổi tên công ty từ CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (viết tắt: KLF Global) thành CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (viết tắt: CFS. Jsc)
Nói về nguyên nhân đổi tên, Ủy viên HĐQT Trần Thế Anh cho biết khi mới thành lập năm 2009, công ty xác định hoạt động kinh doanh theo hướng hợp tác với tổ chức quốc tế. Tuy nhiên theo thực tế hiện nay, công ty làm việc chủ yếu với các đối tác trong nước trong đó có các thành viên của Tập đoàn FLC như Bamboo Airways, FLC Stone, FLC Biscom, CTCP Nước giải khát FLC … vì vậy ban lãnh đạo đề xuất đổi tên công ty cho quen thuộc và thuần Việt hơn.
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Đức Công - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bà Trần Thị My Lan - Thành viên HĐQT, bà Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch HĐQT, ông Trần Thế Anh - Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Trung Kiên - Kế Toán trưởng. Ảnh: Đức Quyền.
Trả lời thắc mắc của cổ đông, lãnh đạo công ty cho biết ba chữ cái CFS trong tên gọi mới là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Connecting For Success", tạm dịch là "Kết nối để Thành công".
Giải thích rõ hơn về ý nghĩa về tên gọi mới này, ông Thế Anh thông tin thêm: Mới đây Tập đoàn FLC đề ra chủ trương các đơn vị thành viên và các công ty liên kết cần hoạt động theo hướng tập trung chuyên môn, tức là một công ty chỉ chuyên sản xuất, công ty khác chuyên làm thương mại để tiêu thụ sản phẩm.
"Chẳng hạn CTCP Nước Giải khát FLC chuyên sản xuất mặt hàng nước khoáng Natuza, KLF làm nhiệm vụ thương mại, giúp tiêu thụ sản phẩm này", ông Thế Anh lấy ví dụ; "Hay công ty FLC Stone sản xuất và thi công đá, còn KLF dự kiến sẽ hợp tác trong khâu xuất khẩu ra nước ngoài trong năm nay và năm sau".
Như vậy, chữ "connecting" (kết nối) ở đây, theo ông Thế Anh, mang nghĩa kết nối các công ty thành viên, công ty liên kết trong Tập đoàn FLC để cùng phát triển.
Tuy nhiên vị lãnh đạo này cũng lưu ý rằng KLF phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ vì "FLC Stone cũng không thể chỉ định cho KLF làm thương mại phân phối được".
Vì sao ông Trần Thế Anh từ nhiệm Ủy viên HĐQT KLF?
Theo tài liệu Đại hội, ông Trần Thế Anh có mong muốn từ nhiệm vị trí Ủy viên HĐQT tại KLF kể từ ngày hôm nay 14/6 vì "lí do cá nhân". Trước đông đảo cổ đông, ông Thế Anh đã "trải lòng" để cổ đông hiểu rõ hơn về quyết định này.
"Tôi là Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng đấu thầu xây lắp và mua sắm vật tư của Tập đoàn FLC", ông nói, "Trước đây KLF hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lữ hành, du lịch và thương mại thì không có vấn đề gì, nhưng gần đây KLF lại chuyển hướng sang làm nội thất và thi công công trình. Khi KLF tham gia đấu thầu làm công trình của Tập đoàn FLC, tôi rất khó xử vì vừa là người chọn thầu cho FLC lại vừa là lãnh đạo của KLF. Nếu để KLF trúng thầu thì mọi người cũng không nghĩ rằng trúng thầu nhờ thực lực".
Ông Thế Anh khẳng định với cổ đông: "KLF vừa rồi trúng thầu nhiều công trình trong đó có hạng mục làm cửa gỗ cho tòa chung cư ở Đại Mỗ (Dự án FLC Garden City – PV) hoàn toàn là bằng năng lực của mình". Tuy nhiên để tránh dư luận không tốt, "tôi vẫn xin rút khỏi ban lãnh đạo KLF", ông Thế Anh chia sẻ.
Ông Trần Thế Anh. Ảnh: FLC, đồ họa: Chu Toàn.
Sau khi ông Trần Thế Anh từ nhiệm, Tập đoàn FLC vẫn còn hai Phó Tổng Giám đốc khác giữ chức vụ lãnh đạo tại KLF là bà Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch HĐQT và bà Trần Thị My Lan - Ủy viên HĐQT.
Ngoài ra, hai thành viên Ban Kiểm soát mới được Đại hội cổ đông của KLF ngày 14/6 bầu là ông Trịnh Quốc Huy và bà Đặng Thị Hải Quyên đều đang công tác tại Tập đoàn FLC.
Cụ thể, ông Huy, sinh năm 1984, là Kế toán trưởng còn bà Quyên, sinh năm 1992, là Chuyên viên nguồn vốn nước ngoài của FLC.
"Công ty làm ăn có lãi, tại sao giá cổ phiếu lại xuống thấp?"
Đây là băn khoăn chung của nhiều cổ đông có mặt tại đại hội sáng nay. Ông Trần Thế Anh cho biết khi công ty niêm yết cổ phiếu lên thị trường chứng khoán, mọi hoạt động can thiệp để giá cổ phiếu biến động theo ý mình là phạm pháp. "Giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường, theo các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước hay thậm chí cả thế giới. Vừa rồi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng phần nào ảnh hưởng tới thị trường của Việt Nam", ông Thế Anh nói thêm. "Việc giá cổ phiếu xuống thấp hay lên cao, ban điều hành chúng tôi không thể nào kiểm soát được, mong cổ đông thông cảm".
Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, ban lãnh đạo của KLF cam kết tập trung vào các mảng kinh doanh có tiềm năng như nước giải khát, xuất khẩu đá sang Trung Quốc, … Ngoài ra công ty cũng cố gắng làm tốt việc công bố thông tin, minh bạch với nhà đầu tư. "KLF chưa từng bị sở giao dịch chứng khoán xử phạt hay nhắc nhở vì vi phạm công bố thông tin", ông Thế Anh khẳng định.
Từ đầu năm 2019 đến hết phiên 13/6, giá cổ phiếu KLF giảm 15,79% trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,8%, VN-Index tăng 6,54%. Nguồn: VNDirect.
Tại đại hội, Ban Lãnh đạo KLF mong muốn được cổ đông ủng hộ, tin tưởng vào hoạt động của công ty, kiên trì nắm giữ cổ phiếu trước bất cứ tin đồn nào. "Chúng tôi vẫn nói trên thị trường có những đối tượng gọi là "kền kền", họ sẵn sàng bằng cách này hay cách khác làm cho thị giá cổ phiếu xuống thấp để họ gom vào rồi chờ bán ra. Nếu cổ đông không vững tin mà chạy theo thị trường như thế thì tức là đang dẫm đạp lên nhau, giá cổ phiếu càng xuống. Vì vậy, chúng tôi mong cổ đông tin tưởng vào công ty, nắm giữ cổ phiếu và không bán bằng mọi giá để công ty có điều kiện phát triển hơn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/