|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi nhuận khổng lồ của giới doanh nghiệp đang giúp Mỹ đẩy lùi suy thoái

09:18 | 03/09/2022
Chia sẻ
Chuyên gia nhận xét nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều người tưởng, và dù Fed muốn thì cũng không dễ gây ra một cuộc suy thoái.

 

(Hình minh họa: Shutterstock.com). 

Bằng chứng đáng tin  

Đối với nhiều người, “quyền định giá” là một thuật ngữ khó nghe. Một bộ phận người tiêu dùng sẽ lập tức liên tưởng đến hình ảnh những doanh nghiệp tham lam lợi dụng sự thống trị trên thị trường để tính giá đắt hơn. Các nhà kinh thì lo sợ nguy cơ lạm phát dai dẳng nếu doanh nghiệp tăng giá để bù đắp chi phí leo thang.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, quyền định giá không phải điều xấu xa: quyền lực này cho phép doanh nghiệp chống chọi với áp lực lạm phát khủng khiếp mà họ đang trải qua. Qua đó, quyền định giá đóng vai trò như bộ giảm xóc của nền kinh tế, ngăn chặn nguy cơ suy thoái.

 

Trong vài tuần qua, quyền định giá đã trở thành tâm điểm chú ý tại Mỹ. Theo dữ liệu công bố ngày 25/8, lợi nhuận sau thuế quý II của doanh nghiệp Mỹ vào khoảng 3.011 tỷ USD, tương đương với 12,1% GDP, mức cao nhất kể từ thập niên 1949. Khi công bố kết quả kinh doanh quý II, hàng chục doanh nghiệp nhấn mạnh khả năng tăng giá để phản ứng với việc chi phí đầu vào và lương gia tăng.

Chuỗi hàng ăn nhanh Chipotle chỉ ra rằng công ty đã bán được nhiều suất ăn đắt tiền hơn cho nhóm khách hàng tương đối khá giả.

Chuỗi khách sạn Hilton mạnh tay tăng giá phòng khi chứng kiến nhu cầu khủng, CEO Chris Nassetta khoe khang rằng công ty của ông sắp có mùa hè làm ăn phát đạt nhất trong lịch sử hàng trăm năm kể từ khi thành lập.

Tác động tổng hợp từ quyết định của các doanh nghiệp riêng lẻ là rất đáng chú ý. Có tới gần 3/4 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 báo lãi vượt kỳ vọng trong quý II.

Nhìn chung, biên lợi nhuận của họ vào khoảng 12%, thấp hơn chút ít so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn trung bình 5 năm là 11%. Đây là một trong những lý do thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan trong nửa đầu tháng 6. Kết quả này cũng là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh khỏe và không ở trong suy thoái.

Theo tờ The Economist, nếu biên lợi nhuận bị thu hẹp thì đó sẽ là dấu hiệu chắc chắn cho thấy chu kỳ kinh doanh đang đi xuống. Khi lợi nhuận suy giảm, doanh nghiệp buộc phải tìm biện pháp để giảm chi phí – thường bao gồm cách sa thải nhân viên.

Khi số công ty làm vậy đủ lớn thì xu hướng này sẽ tạo thành lực cản cho phần còn lại của nền kinh tế. Ngược lại, biên lợi nhuận lớn báo hiệu doanh nghiệp không chịu áp lực cắt giảm chi phí lớn đến vậy. Do đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ trong vài tháng qua đã thể hiện sức bền của nền kinh tế.

Fed không dễ gây suy thoái

Theo FactSet, doanh thu quý II của các công ty thuộc S&P 500 tăng gần 14% so với một năm trước, được dẫn dắt bởi nhóm năng lượng. Nhưng dẫu có loại trừ các công ty năng lượng thì doanh thu vẫn tăng 9%.

Vì sao doanh nghiệp lại làm ăn tốt đến vậy? Một phần nguyên nhân là các công ty Mỹ có nhiều sức mạnh thị trường hơn vài thập kỷ trước, giúp lợi nhuận trở nên ổn định hơn. Sức mạnh này đến từ việc cơ quan quản lý nới lỏng thi hành các quy định chống độc quyền.

Nhưng sự ổn định của lợi nhuận doanh nghiệp trong năm qua đến từ yếu tố cơ bản hơn nhiều: tình hình tài chính người tiêu dùng và doanh nghiệp đang khá vững mạnh. Theo giá trị danh nghĩa, nhu cầu cuối cùng hiện nay cao hơn hẳn xu hướng trước đại dịch, được thúc đẩy bởi tiền kích thích của chính phủ.

Câu hỏi đặt ra là khoảng thời gian tốt đẹp này sẽ kéo dài bao lâu. Sự bi quan đang tích tụ lại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kìm kẹp lạm phát. Khảo sát tháng 7 của ngân hàng UBS phát hiện rằng các giám đốc tài chính không còn lạc quan về quyền định giá trong vòng 12 tới 24 tháng tới như trong tháng 1. Một số công ty đang cắt giảm kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định, có thể khiến hoạt động tuyển dụng bị ảnh hưởng.

Bà Aneta Markowska, nhà kinh tế tại ngân hàng Jefferies nói rằng Fed có thể buộc phải gây ra một cuộc suy thoái để khống chế lạm phát. Tuy nhiên, Fed cũng không dễ mà làm vậy, một phần bởi biên lợi nhuận của doanh nghiệp có sức bền lớn.

Bà nói: “Có thể ví nền kinh tế Mỹ như tay đấm bốc Mike Tyson. Kinh tế Mỹ mạnh hơn suy nghĩ của bạn rất nhiều và Fed sẽ tốn rất nhiều công sức để hạ gục nó”.

Giang