|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chức Fed khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng vẫn mập mờ về quy mô

08:47 | 31/08/2022
Chia sẻ
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đánh bại lạm phát nhưng không đưa ra gợi ý về mức tăng lãi suất chính sách vào tháng tới.

 

Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York. (Ảnh: Reuters). 

Không vội giảm lãi suất

Hôm 30/8, ba chủ tịch chi nhánh của Fed đã nhắc lại rằng việc khống chế lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ. Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York còn nói rõ rằng lãi suất có lẽ cần phải tăng lên trên 3,5% để đạt được mục tiêu này. 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông Williams đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm sau.

Ông nói: “Fed phải kéo lãi suất lên 3,5% hoặc cao hơn chút đỉnh. Đó là vì chúng tôi không chỉ cố đạt lãi suất trung tính mà còn đang nỗ lực đưa cầu về mức phù hợp với cung. Tôi dự kiến sẽ phải mất một khoảng thời gian trước khi Fed điều chỉnh lãi suất theo hướng đi xuống”.

Theo tờ Bloomberg, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp đang nhấn mạnh với nhà đầu tư về quyết tâm tăng lãi suất cho đến khi giá cả hạ nhiệt.

Tại hội nghị chuyên đề hàng năm ở Jackson Hole, ông Powell tuyên bố việc đưa lạm phát quay về mục tiêu 2% là “trọng tâm hàng đầu” của Fed và các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngã lòng dẫu quá trình này có thể gây ra đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ.

Ông Williams, thành viên chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo của Fed, nói rằng các dữ liệu lạm phát gần đây rất khả quan nhưng giá cả vẫn tăng quá nhanh trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Kết quả là Fed cần phải tăng lãi suất lên mức “kìm hãm” nền kinh tế.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ cần áp dụng chính sách kìm hãm tăng trưởng trong một khoảng thời gian, chứ không phải duy trì trong một khoảng thời gian ngắn rồi đổi đổi hướng đi.

Tôi nhận thấy Fed cần giữ vững lập trường chính sách để khống chế lạm phát. Đưa cầu và cung về mức phù hợp với nhau tốn nhiều thời gian hơn mọi người tưởng và quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới”.  

Lãi suất mục tiêu của Fed hiện đang nằm trong khoảng 2,25-2,5%. Sau hai lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp, Chủ tịch Powell đã cảnh báo rằng các quan chức có thể sẽ cân nhắc về mức tăng lãi suất lớn tương tự trong cuộc họp 20-21/9.

Giới chức Fed cho biết quyết định của họ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, bao gồm báo cáo việc làm công bố ngày 2/9 và một bản cập nhật khác về giá tiêu dùng trong vài tuần tới.

 

“Bằng mọi giá”

Tại sự kiện riêng biệt ở West Virginia, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond là ông Thomas Barkin cũng có giọng điệu kiên quyết như đồng nghiệp của mình về việc chấn chỉnh lạm phát. Ông cũng không đưa ra gợi ý nào về quy mô tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tiếp theo.

Ông phát biểu: “Chúng tôi quyết tâm đưa lạm phát quay trở lại mức 2% và sẽ đạt được mục tiêu này bằng mọi giá. Tôi dự đoán lạm phát sẽ lên xuống thất thường trên hành trình về 2% thay vì đi xuống theo đường thẳng”.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ (PCEPI) – thước đo ưa thích của Fed – tăng 6,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, gần mức cao nhất trong vòng 40 năm và gấp ba lần mục tiêu của Fed. Ông Barkin chỉ ra rằng chính sách tiền tệ có độ trễ và do đó “lạm phát sẽ không đi xuống ngay lập tức”.

Cũng trong ngày 30/8, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta đã đăng một bài luận lên trang web ngân hàng của ông. Trong đó, ông gọi nhiệm vụ khống chế lạm phát là “không thể lay chuyển" nhưng cũng cho biết sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất nếu giá cả hạ nhiệt.

Ông viết: “Nếu dữ liệu sắp tới cho thấy rõ ràng rằng lạm phát đã bắt đầu chậm lại, thì chúng ta có thể có lý do để tung ra các đợt tăng lãi suất thấp hơn 75 điểm cơ bản. Fed sẽ tiếp tục hành động nhanh chóng nhưng cẩn trọng để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.