|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lợi nhuận không chia (Undivided profit) là gì? Điều kiện giữ lại lợi nhuận

13:41 | 26/08/2019
Chia sẻ
Nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận không chia (tiếng Anh: Undivided profit) là bộ phận lợi nhuận được sử dụng tái đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy lợi nhuận không chia là gì?
d36bimatcua1

Hình minh họa (Nguồn: luatviet.co)

Lợi nhuận không chia

Lợi nhuận không chia trong tiếng Anh gọi là Undivided Profit.

Lợi nhuận không chia là một phần của lợi nhuận sau thuế được doanh nghiệp trích lại, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh, nếu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn vốn.

Nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận không chia là bộ phận lợi nhuận được sử dụng tái đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Tự tài trợ bằng lợi nhuận không chia – nguồn vốn nội bộ là một phương thức tạo nguồn tài chính quan trọng và khá hấp dẫn của các doanh nghiệp, vì doanh nghiệp giảm được chi phí, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp coi trọng chính sách tái đầu tư từ lợi nhuận giữ lại, họ đặt ra mục tiêu phải có một khối lượng lợi nhuận để lại đủ lớn nhằm tự đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng.

Điều kiện giữ lại lợi nhuận không chia

Nguồn vốn tái đầu tư từ lợi nhuận giữ lại chỉ có thể thực hiện được nếu như doanh nghiệp đã và đang hoạt động và có lợi nhuận, được phép tiếp tục đầu tư. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái đầu tư phụ thuộc không chỉ vào khả năng sinh lợi của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào chính sách khuyến khích tái đầu tư của nhà nước.

Tuy nhiên, đối với các công ty cổ phần thì việc để lại lợi nhuận liên quan đến một số yếu tố rất nhạy cảm. Khi công ty để lại một phần lợi nhuận trong năm cho tái đầu tư, tức là không dùng số lợi nhuận đó để chia cổ tức cho các cổ đông nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.

Như vậy, giá trị ghi sổ của các cổ phiếu sẽ tăng lên cùng với việc tự tài trợ bằng nguồn vốn nội bộ. Điều này một mặt, khuyến khích cổ đông giữ cổ phiếu lâu dài, nhưng mặt khác, dễ làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu trong thời kỳ trước mắt (ngắn hạn) do cổ đông chỉ nhận được một phần cổ tức nhỏ hơn. Nếu tỷ lệ chi trả cổ tức thấp, hoặc số lãi ròng không đủ hấp dẫn thì giá cổ phiếu có thể bị giảm sút.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính Doanh nghiệp – NXB Đại học Kinh tế Quốc dân 2017)

Đỗ Hải Yến