|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lo thuế tăng, doanh nghiệp Mỹ mua tích trữ hàng Trung Quốc

22:15 | 22/12/2018
Chia sẻ
Lo ngại nguy cơ Mỹ sẽ tăng thuế lên hàng trăm tỉ đô hàng hóa Trung Quốc nếu hai nước không thể đạt được một thỏa thuận thương mại vào thời hạn cuối, các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ đang lên cơn sốt mua tích trữ hàng hóa của Trung Quốc.

Chạy đua mua tích trữ hàng

lo thue tang doanh nghiep my mua tich tru hang trung quoc
Hàng hóa chất gần chạm nóc ở nhà kho của công ty bán lẻ đồ gia dụng, điện tử và nội thất Abt Electronics có trụ sở ở Glenview, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trong gần 40 năm của sự nghiệp kinh doanh của mình, Amy Magnus, Chủ tịch Hiệp Hội các đại lý vận tải và môi giới hải quan Mỹ (NCBFAA), chưa bao giờ thấy các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ tích trữ hàng hóa nhiều đến như vậy.

Magnus cho biết các nhà kho khắp trên nước Mỹ đang vận hành với công suất cao kỷ lục, chất đầy ắp hầu như đủ loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ lò vi sóng, bộ lọc máy hút bụi cho đến đồ bơi. NCBFAA có các hội viên đang làm việc với hơn 250.000 công ty xuất khẩu và nhập khẩu.

Các chuỗi siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn của Mỹ như Walmart, Target, TJX và Macy’s đã chạy đua mua hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 9, thời điểm mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ nâng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1-1-2019.

Thời hạn này đã được lùi lại đến ngày 2-3-2019 sau khi hai nước nhất trí đình chiến thương mại để mở ra tiến trình đàm phán trong vòng 90 ngày.

Hàng chục đại lý môi giới hải quan, doanh nhiệp bán lẻ, nhà phân tích và các chuyên gia chuỗi cung ứng xác nhận rằng các doanh nghiệp Mỹ đang gấp rút tích trữ hàng hóa Trung Quốc để tránh mức thuế nhập khẩu cao 25% có thể được chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng vào đầu tháng 3-2019 nếu như Washington và Bắc Kinh không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Cuộc chạy mua hàng tích trữ cũng được phản ánh rõ qua dữ liệu của Liên hiệp bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) và công ty tư vấn quản lý Hackett Associates. Dữ liệu này cho thấy hàng hóa bán lẻ nhập khẩu ở các cảng container lớn ở Mỹ tăng vọt lên mức 13,6% lên mức kỷ lục 2,04 triệu container trong tháng 10, đẩy mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục.

Dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí đình chiến thương mại để tham gia đàm phán, các công ty chuỗi cung ứng và các nhà cung cấp khác nói rằng điều này vẫn không làm giảm cơn sốt mua hàng tích trữ của các doanh nghiệp Mỹ vì viễn cảnh Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn có thể xảy ra.

Neil Saunders, Giám đốc công ty tư vấn GlobalData Retail, cho biết các không gian chứa hàng của các nhà kho chứa hàng đã “đầy tràn đến mức sắp nổ tung” vì nhu cầu tích trữ hàng hóa để bán trong dịp mua sắm Giáng sinh cũng như cho năm 2019.

“Nhà kho của chúng tôi chất đầy nhóc hàng hóa”, Mike Abt, đồng chủ tịch công ty bán lẻ đồ gia dụng, điện tử và nội thật Abt Electronics có trụ sở ở TP. Chicago, bang Illinois, nói.

Joe Shamie, Giám đốc điều hàng công ty bán lẻ nội thất Delta Children, cũng đang gặp vấn đề tương tự. Ông đã phải thuê thêm hai nhà kho và phải trả phí cao hơn để vận chuyển cũi, gường ngủ và bàn ghế trẻ em từ Trung Quốc.

Ông cho biết việc thuê thêm kho chứa hàng là điều cần thiết vì công ty ông phải mua thêm 20-25% hàng tích trữ từ Trung Quốc kể từ tháng 9 để đáp ứng các đơn hàng của các khách hàng trong nước như Walmart, Kohls, Wayfair và Pottery Barn.

Ryan Fry, chuyên gia môi giới các thương vụ giữa Walmart và các nhà cung cấp đồ chơi trẻ em trong nước và quốc tế, cho biết kể từ tháng 9, thông qua ông, Walmart đã tăng mua đồ chơi trẻ em thêm 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Fry nói tất cả nhà cung cấp mà ông đang hợp tác đều tích trữ đồ chơi từ Trung Quốc để né nguy cơ tăng thuế.

“Các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực giảm tác động của thuế. Doanh nghiệp nào cũng lo tích trữ hàng”, Brett Rose, Giám đốc điều hành của công ty United National Consumer Suppliers, chuyên phân phối hàng hóa giá sỉ, nói.

Ông cho biết các chuỗi cửa hàng như Macy’s, TJX, Ross Stores, Bed Bath & Beyond là những khách hàng đặt mua nhiều sản phẩm của Trung Quốc trong những tháng gần đây. Ông nói: “Các khách hàng đang mua sản phẩm với số lượng cao hơn 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Chi phí kho chứa hàng và vận chuyển tăng

Chiến lược mua hàng hóa tích trữ có thể khiến doanh nghiệp bán lẻ Mỹ phải bán giảm giá mạnh vào năm sau nếu như hàng bị ế. Chiến lược này đang đẩy tăng mức chi phí vận chuyển và tích trữ hàng hóa, gây áp lực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ.

Vấn đề là liệu các chuỗi siêu thị và cửa hàng chấp nhận gánh các chi phí tăng thêm hay chuyển chúng này sang người tiêu dùng bằng cách nâng giá bán.

Jonathan Gold, Giám đốc bộ phận chính sách hải quan và chuỗi cung ứng của NRF, cho biết các nhà bán lẻ thường tự gánh chi phí tăng thêm. Ông nói chắc chắn chi phí kho bãi và logistics của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục tăng lên trong quí 1-2019 khi họ chạy đua nhập hàng hóa Trung Quốc trước thời hạn ngày 2-3-2019.

Neil Saunders, Giám đốc côg ty tư vấn GlobalData Retail nói: “Rất nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh không gian chứa hàng, vậy nên sẽ có một số doanh nghiệp bị tổn thương... Rất hiếm khi các doanh nghiệp bán lẻ cam kết mua nhiều hàng tích trữ trước như vậy. Nếu họ không bán hết chúng trong mùa nghỉ lễ Giáng sinh này, chúng ta sẽ chứng kiến lượng hàng dư thừa và sẽ phải bán giảm giá trong năm mới”.

Ông cho biết các doanh nghiệp bán lẻ đang phải trả phí cao hơn để thuê nhà kho do nguồn cung không gian chứa hàng đang thiếu hụt trên khắp cả nước.

Các công ty chuỗi cung ứng cũng xác nhận nhiều cửa hàng và nhà bán lẻ phải trả chi phí cao hơn để thuê không gian chứa hàng. Công ty Port Logistics Group vận hàng diện tích kho 600.000 m2 ở 14 trung tâm phân phối trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, vì hết không gian cho thuê, công ty này đã phải từ chối một nhà cung cấp đồ chơi trẻ em cho Walmart đang muốn thuê mặt bằng 7.400m2 để chứa 100 containter hàng hóa.

Scott Weiss, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Port Logistics Group nói: “Tôi chắc rằng có hàng trăm nhà cung cấp lâm vào tình cảnh giống như thế”.

Xem thêm

Chánh Tài