|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CNN: Doanh nghiệp Mỹ đang đốt tiền để nâng giá cổ phiếu thay vì trả nợ

11:43 | 30/06/2023
Chia sẻ
Trong khi các điều kiện kinh tế và tài chính đang thắt chặt hơn, doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục đốt tiền để mua lại cổ phiếu và chia cổ tức cho nhà đầu tư thay vì trả nợ.

CNN trích dẫn một báo cáo từ Moody’s cho thấy lượng tiền mặt của các doanh nghiệp phi tài chính tại Mỹ đã giảm 12% vào năm ngoái, xuống chỉ còn 2.000 tỷ USD.

Ông Emile El Nems, Phó Giám đốc của Moody’s Investors Service, cho biết doanh nghiệp đang dùng tiền mặt để thưởng cho các nhà đầu tư. Hoạt động mua lại cổ phiếu đã tăng 31% và chi trả cổ tức tăng 10% vào năm ngoái. Ngoài ra, chi tiêu vốn - hoạt đầu đầu tư dài hạn vào tăng trưởng của doanh nghiệp - cũng tăng 18%. 

Tuy vậy, nợ không thay đổi nhiều. Những số liệu này cho thấy các công ty không sử dụng tiền dự trữ để trả nợ. Lĩnh vực công nghệ hiện đang nắm giữ 34% tổng tiền mặt của các doanh nghiệp Mỹ, nhưng cũng có tỷ lệ nợ tồn đọng cao nhất, lên tới 12%, theo Moody’s.

 

Áp lực lợi nhuận đối với các doanh nghiệp phải đi vay vốn đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, bởi chi phí kinh doanh vẫn lên cao nhưng nhu cầu của người tiêu dùng lại đang giảm sút trong bối cảnh suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Chi phí đi vay tăng lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và triển vọng kinh tế không chắc chắn, khiến tín dụng trở nên ngày càng đắt đỏ và khó tìm kiếm hơn. Những bất ổn gần đây tại các ngân hàng khu vực cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt tín dụng. 

Ông Ben Lofthouse, người đứng đầu bộ phận chứng khoán toàn cầu tại Janus Henderson, cho biết: “Chi phí vốn trên toàn cầu hiện đang cao hơn đáng kể so với vài năm trước”.

“Khi có thể tiếp cận với nguồn tài chính với chi phí gần như bằng không, các doanh nghiệp sẽ có động lực rất lớn để vay nợ và mua lại cổ phiếu, bởi động thái này làm tăng thêm nhiều giá trị cho doanh nghiệp”, ông nhận định.

Theo ông Lofthouse, giờ đây, khi việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, các doanh nghiệp ở Mỹ nên xem xét số tiền mà họ chi ra để mua lại cổ phiếu. 

“Trong một môi trường lãi suất cao, việc giữ tiền mặt trên bảng cân đối kế toán sẽ có lợi…bởi vì bạn có thể tạo ra một khoản lợi nhuận kha khá từ số tiền của mình, thay vì đốt tiền và lại đi vay thêm với lãi suất cao hơn”. 

Thị trường chứng khoán đã trải qua một năm 2022 tồi tệ khi S&P 500 giảm gần 20%. Ông El Nems cho biết nếu giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thực, các công ty sẽ ưu tiên mua lại cổ phiếu của chính mình với giá chiết khấu.

Theo các nhà phân tích của Bank of America, các thông báo mua lại đã đạt kỷ lục 1.220 tỷ USD vào năm ngoái và năm 2023 đang trên đà đánh bại mức đỉnh trên. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 14% tính từ đầu năm đến nay. 

 

Đà tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động mua lại cổ phiếu cũng không phải là hiện tượng chỉ xảy ra trong năm ngoái. Theo dữ liệu từ Janus Henderson, hoạt động mua lại đã tăng gần gấp ba lần về giá trị kể từ năm 2012 (tăng thêm 182%).

Theo các nhà phê bình, mua lại cổ phiếu là công cụ cho phép các CEO giàu có thao túng thị trường và chuyển lợi nhuận của công ty vào túi riêng, thay vì nền kinh tế. Những nhà phê bình này lập luận rằng việc ngăn cản các công ty mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ giúp giải phóng tiền mặt để đầu tư vào tăng trưởng hoặc nâng lương cho người lao động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã kêu gọi tăng gấp 4 lần thuế đối với hoạt động mua lại cổ phiếu. 

Các tập đoàn lại phản bác, cho rằng việc mua lại cổ phiếu là cách để phân phối nguồn vốn dư thừa một cách hiệu quả. Những người ủng hộ cho rằng việc hạn chế hoạt động này có thể làm giảm tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán và tác động tới giá cổ phiếu. 

Những chủ doanh nghiệp thường sử dụng chiến lược mua lại để giảm số lượng cổ phiếu sẵn có để mua, từ đó giúp tăng cầu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu. 

Minh Quang