|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quỹ đầu tư vừa rót vốn vào PNJ: Từ công ty suýt đóng cửa ngay khi ra mắt đến gã khổng lồ có thể khuynh đảo nền kinh tế Mỹ

10:41 | 29/06/2023
Chia sẻ
Chiến lược đầu tư thụ động theo quỹ chỉ số mà Vanguard khởi xướng đã làm thay đổi vĩnh viễn ngành đầu tư. Tổng tài sản mà Vanguard đang quản lý tương đương gần 24% vốn hóa của toàn bộ công ty thuộc chỉ số S&P 500, đem đến cho tập đoàn sức ảnh hưởng cực lớn tới doanh nghiệp Mỹ.

Nhà sáng lập John Bogle trong văn phòng của ông tại Vanguard. (Ảnh: Matt Furman). 

Cuộc cách mạng bị dè bỉu

Ngày 22/6, công ty Sprucegrove Investment Management đã hoàn tất giao dịch mua 650.300 cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,86% lên 5,06%.

Công ty Canada này là một trong những nhà quản lý chịu trách nhiệm giám sát quỹ đầu tư quốc tế Vanguard International Value Fund. Và trong số 4 tài khoản giao dịch của Sprucegrove có sở hữu PNJ, cái tên Vanguard International Value Fund cũng xuất hiện.

Vanguard International Value Fund xuất hiện trong danh sách tài khoản giao dịch có sở hữu PNJ của Sprucegrove. (Nguồn: Sprucegrove).

Theo thông tin trên wesite chính thức, Vanguard International Value Fund có tổng tài sản ròng 13,1 tỷ USD, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tại các thị trường phát triển và đang phát triển trên thế giới.

Con số 13,1 tỷ USD có vẻ lớn, nhưng thực chất, Vanguard International Value Fund chỉ là một trong 430 quỹ thuộc sở hữu của tập đoàn Vanguard.

Theo số liệu do Viện Quỹ Đầu tư Quốc gia (SWFI) cung cấp vào ngày 28/6, Vanguard là công ty quản lý quỹ lớn thứ hai trên thế giới với tài sản đang quản lý lên đến 8.100 tỷ USD, chỉ sau BlackRock.

Ngày nay Vanguard là một gã khổng lồ thực thụ, nhưng khởi đầu của họ không mấy suôn sẻ. Khi John Bogle thành lập Vanguard vào năm 1975, ông vấp phải không ít sự hoài nghi và chế giễu.

Công ty của Bogle theo đuổi một chiến lược rất lạ lùng đối với Phố Wall lúc bấy giờ: đầu tư thụ động, bám sát tỷ lệ lợi nhuận của các chỉ số lớn trên thị trường.

Phố Wall gọi phương thức hoạt động của Vangurad là “trò ngu xuẩn của Bogle”, bởi các nhà đầu tư sẽ đưa tiền cho các nhà quản lý quỹ để đánh bại thị trường.

Ông Edward Johnson, cựu Chủ tịch tập đoàn Fidelity Investments danh tiếng, nói thẳng rằng ông “không tin phần lớn các nhà đầu tư sẽ hài lòng khi chỉ nhận được khoản lợi nhuận tầm thường [nếu đồng hành cùng Vanguard]”.

Và Phố Wall đã đúng trong giai đoạn đầu. Màn ra mắt của First Index Investment Trust (sau đổi tên thành Vanguard 500 Index Fund) là sự thất vọng lớn.

Bogle hy vọng sẽ huy động được 150 triệu USD, nhưng ông chỉ thu được 11 triệu USD. Các ngân hàng từng giúp Bogle khuyên ông đóng quỹ, nhưng ông từ chối và kiên trì theo đuổi chiến lược của mình. Và ông đã đúng.

Đến cuối tháng 2/2022, Vanguard 500 Index Fund có hơn 800 tỷ USD tài sản đang quản lý (AUM). Trong bối cảnh hàng loạt các nhà quản lý quỹ chủ động bị thị trường đánh bại, Vanguard đã thu hút được dòng tiền lớn khi các nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ chỉ số sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Ý tưởng của Bogle đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành quản lý quỹ đầu tư khi cung cấp cho những người bình thường công cụ đầu tư ít rủi ro và chi phí thấp. 

 

Người hùng của các nhà đầu tư

Bogle được nhiều người ca ngợi là người tiên phong trong việc thúc đẩy lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và quan tâm đến ích lợi của xã hội trong lâu dài.

Tỷ phú Waren Buffett từng nói: “Tôi không biết bất cứ người nào giúp đỡ cho các nhà đầu tư Mỹ nhiều hơn John Bogle”. Ông thán phục Bogle vì đã bỏ “hàng chục tỷ USD” vào túi các nhà đầu tư.

Larry Fink, CEO BlackRock, đối thủ chính của Vanguard, cũng khen ngợi rằng Bogle đã biến đổi ngành đầu tư “thông qua tầm nhìn sáng tỏ và sự hỗ trợ không ngừng cho các nhà đầu tư cá nhân”.

Bogle giúp các nhà đầu tư tiết kiệm hàng chục tỷ USD mỗi năm bằng cách cung cấp mức phí cực kỳ thấp. Ví dụ, tỷ lệ chi phí (expense ratio) trung bình của ngành quỹ đầu tư (không kể Vanguard) là 0,49% trong năm 2021.

Trong khi đó tại Vanguard, chi phí trung bình cho mọi quỹ của tập đoàn chỉ là 0,09%, tức thấp hơn tới 82% so với mặt bằng chung. Điều này có nghĩa là một người đầu tư 10.000 USD vào Vanguard chỉ tốn 9 USD mỗi năm để thu được lợi nhuận giống với thị trường mà không cần để ý đến bảng giá mỗi ngày. Đây rõ ràng là thỏa thuận hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Làm thế nào mà Vanguard có thể duy trì chi phí thấp như vậy? Tỷ lệ chi phí của quỹ đầu tư bao gồm mọi chi phí hoạt động như lương thưởng cho các cố vấn và nhà quản lý, thuế, phí giao dịch và phí kế toán.

Do các nhà quản lý quỹ chỉ số chỉ cần mô phỏng biến động của chỉ số chứng khoán, họ không cần đến dịch vụ của các nhà phân tích nghiên cứu và những người hỗ trợ trong quá trình chọn lựa cổ phiếu.

Các quỹ chỉ số giao dịch ít thường xuyên hơn và do đó tiêu tốn ít phí giao dịch và hoa hồng hơn quỹ đầu tư chủ động. Ngược lại, quỹ chủ động cần nhiều nhân viên hơn và tiến hành nhiều giao dịch, làm tăng chi phí quản lý quỹ.

 

Sức hấp dẫn chính của các quỹ chỉ số đến từ mức phí thấp. Nhưng rõ ràng Vanguard có thể định ra mức phí cao hơn nữa và công chúng vẫn sẽ vui lòng bỏ tiền ra để tránh được rắc rối của việc phải tự bỏ công sức đầu tư.

Tuy nhiên, chính Bogle là người kiên quyết đẩy phí xuống thấp hơn khi các quỹ chỉ số của Vanguard ngày càng lớn mạnh. Và do đó, các quỹ chỉ số khác cũng hành động tương tự để thu hút khách hàng.

Ban đầu, chi phí hàng năm để một nhà đầu tư tham gia vào First Index Investment Trust - quỹ chỉ số đầu tiên của Vanguard – là 0,2%. Còn hiện tại, tỷ lệ chi phí của quỹ này chỉ còn 0,04%.

Mối nguy của nền kinh tế

Việc các quỹ chỉ số ngày càng trở nên phổ biến đã làm dấy lên sự lo lắng. Ngay cả John Bogle – người được mệnh danh là “cha đẻ của quỹ chỉ số” – cũng thừa nhận việc này.

Trong bài viết trên tờ Wall Street Journal vào tháng 11/2018, chỉ vài tháng trước khi Bogle qua đời, ông chỉ ra rằng quản lý tài sản là ngành kinh doanh dựa trên quy mô.

Vanguard, BlackRock và State Street càng quản lý nhiều tiền thì họ càng có thể giảm phí cho nhà đầu tư. Điều này gây khó khăn cho những công ty mới tham gia ngành quỹ chỉ số, đồng nghĩa với việc “Bộ Ba” nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Bogle nhấn mạnh: “Tôi không tin rằng sự tập trung này sẽ phục vụ cho lợi ích của quốc gia”.

Vanguard, BlackRock và State Street hiện kiểm soát lượng chứng khoán khổng lồ. BlackRock quản lý hơn 9.000 tỷ USD tài sản của khách hàng. Vanguard nắm trong tay 8.100 tỷ USD, còn State Street có gần 3.500 tỷ USD.

Tổng tài sản đang quản lý của ba công ty này vào khoảng 20.600 tỷ USD, lớn hơn một nửa tổng giá trị thị trường của 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ.

Quyền lực của những gã khổng lồ này được dự đoán là sẽ càng lớn mạnh. Bài phân tích được công bố trong ấn phẩm Boston University Law Review năm 2019 ước tính rằng trong hai thập kỷ tới, “Bộ Ba” có thể kiểm soát 40% quyền bỏ phiếu trong các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500.

 

Các nhà nghiên cứu cho biết việc lượng lớn chứng khoán tập trung trong tay một nhóm nhỏ công ty đầu tư sẽ làm giảm động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Nhận định trên có vẻ rất hợp lý. Vanguard là cổ đông lớn nhất trong cả Ford và General Motors, và do đó sự cạnh tranh giữa hai nhà sản xuất xe hơi này nhiều khả năng sẽ không đem lại lợi ích cho Vanguard.

Nói rộng hơn, nếu mỗi công ty đều thuộc sở hữu của một nhóm nhỏ các ông chủ, thì họ đâu cần phải cạnh tranh quyết liệt về giá cả, đầu tư và sự sáng tạo?

Tờ New York Times cho biết đã có một số bằng chứng cho thấy khi quyền sở hữu chứng khoán tập trung trong tay một vài quỹ chỉ số lớn, mức lương và việc làm của người lao động đã đi xuống. Thậm chí hiện tượng này còn dẫn tới sự gia tăng của giá cả trong một số ngành, bao gồm hàng không, dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Giáo sư John Coates của Đại học Luật Harvard chỉ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hành động thận trọng để kiểm soát mối nguy của thực trạng sở hữu tập trung mà không hạn chế lợi ích các nhà đầu tư được hưởng từ các quỹ chỉ số chi phí thấp.

Ông viết: “Để có thể đạt được sự cân bằng phù hợp, các nhà quản lý sẽ cần có khả năng phán đoán và dám thử nghiệm”.

Giang