Profile ông lớn Mỹ muốn đến Việt Nam sản xuất: Giữ văn hóa kinh doanh độc nhất trong nhiều thập kỷ, là nhà cung cấp linh kiện cho Apple, Tesla,...
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.
Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo Amphenol Corporation, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla… cho biết mình đang muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Ông cho biết thêm đã từng đi du lịch Việt Nam từ năm 20 tuổi, rất yêu thích đất nước và ẩm thực Việt Nam.
Nếu đúng như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón thêm một ông lớn trong lĩnh vực sản xuất vào nước ta, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các ngành công nghiệp khác, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty đang chuyển dịch dây chuyền sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh lâu đời
Theo trang chủ doanh nghiệp, Amphenol là một trong những nhà cung cấp giải pháp ăng ten, cảm biến và kết nối công nghệ cao lớn nhất thế giới. Theo mô tả, các sản phẩm của Amphenol đã kích hoạt cuộc “Cách mạng Điện tử” trên hầu hết lĩnh vực quan trọng bao gồm ô tô, viễn thông, hàng không vũ trụ thương mại, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông dữ liệu, quân sự, thiết bị di động và mạng di động.
Tiền thân của Amphenol Corporation là công ty American Phenolic được thành lập vào năm 1932 bởi doanh nhân Arthur J. Schmitt tại Chicago, Illinois. Phát minh đầu tiên của công ty là một ổ cắm vô tuyến đúc sử dụng các thiết bị kết nối làm từ vật liệu phenolic thay vì vật liệu gốm giòn hơn được sử dụng vào thời điểm đó. Với đơn đặt hàng ban đầu từ RCA, công ty đã phát triển nhanh chóng nhờ khám phá và đầu tư vào các công nghệ mới.
Vào cuối những năm 1950, doanh nghiệp cần thêm vốn. Năm 1957, Arthur Schmitt niêm yết Công ty Điện tử Amphenol mới được đặt tên trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York với mã "APL".
Một năm sau đó, Amphenol hợp nhất với G.W. Borg Corporation và đổi tên thành Amphenol Borg. Năm 1964, Arthur Schmitt nghỉ hưu, và đến giữa năm 1960, Amphenol Borg bắt đầu mở rộng ra quốc tế, với các liên doanh ở Nhật Bản và Ấn Độ và việc mua lại công ty kết nối Tuchel-Kontact Heilbronn của Châu Âu. Công ty cũng mua lại Endicott, Cadre Industries có trụ sở tại New York, một nhà cung cấp chính cho IBM, giúp doanh nghiệp tiếp xúc với ngành công nghiệp máy tính đang phát triển.
Năm 1967, Amphenol Borg hợp nhất với Bunker-Ramo Corporation. Như là một bộ phận của Bunker-Ramo, một số doanh nghiệp Borg không có lãi đã được bán, nhưng công ty vẫn gặp khó khăn và Bunker-Ramo sau đó được bán cho Allied Chemical vào năm 1981.
Vào đầu những năm 1980, Allied Chemical đã sáp nhập một số doanh nghiệp thành bộ phận Amphenol, bao gồm Spectra Strip Cable và Bendix Corporation có trụ sở chính tại Sidney, New York. Đến năm 1986, công ty, hiện có tên là Allied-Signal, quyết định rời khỏi lĩnh vực kinh doanh linh kiện.
Năm 1987, bộ phận Amphenol của Allied-Signal được mua lại bởi LPL Investment Group, một tập đoàn đầu tư gia đình do Larry DeGeorge thành lập và có trụ sở tại Wallingford, Connecticut. DeGeorge đã thực hiện cắt giảm chi phí, loại bỏ trụ sở chính và nhân viên của công ty ở Lisle, Illinois và chuyển đến một trụ sở khiêm tốn hơn ở Wallingford.
Liên quan đến việc tổ chức lại công ty, DeGeorge đã loại bỏ hầu hết các chức năng tập trung của công ty và tách từng đơn vị kinh doanh thành các trung tâm riêng lẻ, trao quyền cho mỗi tổng giám đốc kiểm soát hoạt động kinh doanh bộ phận của mình và có trách nhiệm giải trình trực tiếp đối với hoạt động tài chính của từng đơn vị kinh doanh. Văn hóa kinh doanh này vẫn được tiếp tục cho đến hiện tại.
Những năm 1990 là một thời kỳ thú vị đối với Amphenol. Năm 1991, công ty đã hoàn thành đợt IPO và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York với mã "APH". Năm 1997, công ty cổ phần tư nhân Kohlberg Kravis Roberts (KKR) mua lại phần lớn quyền sở hữ trong Amphenol và Martin Loeffler được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, thay thế DeGeorge đã nghỉ hưu.
Với sự hậu thuẫn của KKR, Amphenol bắt đầu thực hiện chiến lược mua lại, góp phần vào sự phát triển đáng kể của công ty. Vào đầu những năm 2000, KKR đã dần dần giảm bớt quyền sở hữu của mình đối với Amphenol, cuối cùng thoái vốn hoàn toàn vào năm 2004.
Một số thương vụ mua lại quan trọng đã hoàn thành trong những năm gần đây bao gồm mua Teradyne Connection Systems vào năm 2005, mua lại GE’s Advanced Sensors Group vào năm 2013, mua lại FCI vào năm 2016 và mua lại mảng kinh doanh cảm biến của MTS vào năm 2021.
Nhà cung cấp cho Apple, Tesla, Boeing,...
Giám đốc điều hành hiện tại của Amphenol là ông Richard Adam Norwitt, người lên nắm giữ chức vụ từ năm 2009. Dưới sự dẫn dắt của ông, Amphenol đã đạt được một số thành công nhất định.
Hiện công ty đang sử dụng khoảng 90.000 lao động (bao gồm cả nhân viên của những công ty con). Theo dữ liệu từ Yahoo Finance, giá trị vốn hóa thị trường hiện rơi vào khoảng hơn 41 tỷ USD. Bên cạnh đó, Amphenol đang có sự hiện diện trên khoảng 40 quốc gia trên toàn cầu.
Quý đầu năm nay, Amphenol đạt doanh thu gần 3 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với quý đầu năm trước. Biên lợi nhuận hoạt động là 20%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) và dòng tiền tự do (FCF) lần lượt là 351 triệu USD và 274 triệu USD. Công ty cũng đã trả hơn 320 triệu USD cho các cổ đông thông qua hình thức trả cổ tức và mua lại.
Theo ban lãnh đạo công ty, môi trường kinh doanh hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn, với các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, lạm phát, lãi suất, đại dịch COVID-19 hay xung đột Nga – Ukraine. Dù vậy, công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu quý II năm nay rơi vào khoảng 2,89 – 2,95 tỷ USD, tăng trưởng từ 9% đến 11% so với cùng kỳ năm trước.
Danh mục sản phẩm của công ty cũng tương đối đa dạng, đặc biệt Amphenol cũng là nhà sản xuất cho nhiều công ty lớn như Boeing, Apple, Tesla,… Trong buổi tạo đàm, lãnh đọa Amphenol đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong muốn biết thêm về các biện pháp của Chính phủ để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 dựa trên 3 trụ cột chính là xóa bỏ quan liêu, bao cấp; thực hiện đa sở hữu; và hội nhập. Ngoài Amphenol, một số quỹ đầu tư lớn khác của Mỹ như Warburg Pincus, KKR,… cũng bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.