LienVietPostBank muốn đổi tên viết tắt thành LPBank, bầu HĐQT nhiệm kỳ mới
LienVietPostBank sẽ đổi thành LPBank?
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức vào ngày 23/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) dự kiến sẽ trình tới các cổ đông nhiều vấn đề quan trọng về tăng vốn điều lệ, bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới,...
Cùng với đó, ngân hàng dự kiên sẽ trình đại hội đồng cổ đông xem xét việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.
Ngân hàng cho biết tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể.
Khác với kế hoạch tổ chức tại Hà Nội như trước đó đã đề ra, đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng năm nay được lựa chọn tổ chức tại Khách sạn Ninh Bình Legend, TP Ninh Bình.
Đại hội được diễn ra trong bối cảnh cổ đông chiến lược Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) muốn thoái toàn bộ vốn khỏi LienVietPostBank.
Cụ thể, VNPost sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phần LPB với giá khởi điểm 22.908 đồng/cp. Ước tính với giá trị này, VNPost sẽ thu về tối thiểu 3.218,5 tỷ đồng nếu phiên đấu giá diễn ra thành công.
Thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 21/4/2023, ngay trước thềm đại hội. Đối tượng tham dự đấu giá là các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4, thị giá cổ phiếu LPB dừng ở mức 14.400 đồng/cp, thấp hơn 38% so với mức giá khởi điểm được VNPost đề ra.
Trong lần thoái vốn gần nhất trước đó vào đầu năm 2022, VNPost từng chào bán đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu sở hữu (tương đương 10,15% vốn điều lệ LienVietPostBank) với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cp tuy nhiên không thành.
Chỉ có 7 nhà đầu tư đăng ký mua 800 cổ phần trong tổng số gần 122,2 triệu cổ phiếu được VNPost đưa ra đấu giá. Không có nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước nào tham gia đợt đấu giá này.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn đã lý giải việc thoái vốn bất thành do trùng thời điểm giá cổ phiếu xuống. Số cổ phiếu VNPost sở hữu đã được định giá và không được bán thấp hơn mức định giá.
Thay đổi nhân sự cấp cao
Ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục có biến động về nhân sự cấp cao khi trong kỳ đại hội đồng cổ đông lần này sẽ thực hiện bầuHội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023 - 2028. Hiện thông tin chi tiết về vấn đề này chưa được công bố cụ thể.
Vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thuỵ (tức bầu Thuỵ) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Huỳnh Ngọc Huy theo nguyện vọng cá nhân.
Gần đây nhất vào tháng 3, HĐQT ngân hàng đã chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân. HĐQT thống nhất giao ông Hồ Nam Tiến – Phó Tổng Giám đốc Thường trực là người đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 17/3/2023.
Danh sách HĐQT và BKS tính đến cuối năm 2022 của LienVietPostBank
Trong một diễn biến có liên quan,LienVietPostBank công bố thông tin về việc ký hợp đồng lao động với hai nhân sự mới đối với ông Đoàn Nguyên Ngọc (em rể bầu Thuỵ). Ông Ngọc (sinh năm 1975) từng làm Phó Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) từ năm 2012, sau đó là Tổng giám đốc XTI từ năm 2018 đến năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1981) là Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) từ cuối năm 2015. Đến năm 2021 được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại XTI.
Ngoài ra, ngân hàng còn lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, trình đại hội sửa đổi bổ sung các văn bản về điều lệ, quy chế nội bộ, quy chế tổ chức của ngân hàng,.