|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ BIDV: Dự kiến tăng vốn thêm 21,7% lên trên 61.500 tỷ đồng, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10 - 15%

11:11 | 28/04/2023
Chia sẻ
Trong năm 2023, ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 61.557 tỷ đồng qua phương thức phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 12,69%) và phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ theo kế hoạch đã thông qua ở năm trước.

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên BIDV sáng 28/4. (Ảnh: Diệp Bình).

Sáng 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10 - 15%, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân hàng không đưa ra con số kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2023, tuy nhiên cho biết con số này đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng cho NHNN giao. Tốc độ tăng trưởng huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì duy trì không vượt quá mức 1,4%.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ BIDV.

 Nguồn: PV tổng hợp.

Tính đến hết quý I, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; Huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 61.557 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm trước. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu) theo phương án đã được ĐHĐCĐ BIDV năm 2022 thông qua.

Tỷ lệ chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 201 là 12,69%, dự kiến thực hiện trong năm 2023, thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định.

Số vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh phủ hợp theo tiến độ tăng vốn điều lệ và tình hình thị trường.

Hệ số CAR riêng lẻ của BIDV tại 31/12/2022 đạt ở mức 8,92%, trên ngưỡng quy định của NHNN. Tuy nhiên để phấn đấu đạt hệ số CAR theo định hướng của Chính phủ và ngành ngân hàng, BIDV cho rằng cần tiếp tục gia tăng vốn tự có. 

Đại hội cũng trình đại hội thông qua việc bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, thay thế cho bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên HĐQT (đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV) đã nghỉ hưu từ ngày 1/11/2022.

Ứng viên được đề cử là ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc NHNN. Ông Tuyên sinh năm 1973 có nhiều năm công tác tại ngân hàng trung ương. 

Từ tháng 4/1996 – 8/2000, ông Tuyên từng đảm nhiệm các vị trí Chuyên viên, Thanh tra viên Thanh tra Ngân hàng Trung ương; từ tháng 8/2000 – 3/2016: lần lượt là Chuyên viên, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng thuộc Vụ Tổ chức cán bộ NHNN; từ tháng 3/2016 – 02/2020: là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ tháng 2/2020 — nay, ông Tuyên được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phần Thảo luận:

- Thông tư 02 về cơ cấu nợ có tác động như thế nào tới nền kinh tế và BIDV đã triển khai gì để thực hiện Thông tư này?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Việc áp dụng Thông tư 02 có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp, giúp giảm áp lực trả nợ, tiếp tục tiếp cận được khoản tín dụng duy trì và mở rộng SXKD. Với ngân hàng, cơ cấu nợ giúp ngân hàng giảm áp lực về nợ xấu, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro.

 Thông tư 02 tiếp nối nhiều Thông tư 01, 03 và 04 về hỗ trợ DN vượt qua đại dịch COVID. BIDV xem đây là môt hình thức tạm hoãn thời hạn trả nợ để cơ cấu lại nợ cho các DN.

Trước mắt chúng tôi sẽ phân loại nợ và xem xét đánh giá kỹ lưỡng về tưng trường hợp. Việc thực hiện quy trình cơ cấu lại nợ cũng sẽ tương tự như việc cấp tín dụng. Quỹ dự phòng của BIDV hiện nay là tương đối lớn khoảng 38.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 226%. Do đó, việc giảm thời gian trích lập sẽ được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông, Nhà nước.

 - Tỷ lệ CIR của BIDV trong thời gian qua như thế nào? Kế hoạch chi phí hoạt động của BIDV trong năm 2023?

Trong năm 2021 CIR ở mức 30,3% và năm 2022 ở mức 31,4%, luôn ở mức hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, tương đồng với 4 ngân hàng lớn. Trong năm 2023 dự kiến mức chi phí tăng gần 14% so với năm trước, CIR nhỏ hơn 36% thấp hơn nhiều so với thông lệ (35% - 40%).

- Kế hoạch phát triển trong vòng 5 năm tới của BIDV là gì? BIDV dự kiến sẽ khai thác nhóm khách hàng FDI, khách hàng giàu có thì cụ thể chiến lược của ngân hàng ra sao? Quy mô dư nợ của nhóm FDI hiện nay của toàn ngành là bao nhiêu và BDIV chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Mục tiêu của việc ký kết với các đối tác chiến lược ngoại trong thời gian qua là gì?

Tổng Giám đốc BIDV: Tiềm năng của nhóm khách hàng FDI là rất lớn, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng gia tăng thị phần. Việc ký kết chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc, BIDV sẽ thông qua cổ đông chiến lược để khai thác khách hàng tiềm năng của Hàn.

Chúng tôi có hợp tác với một số đối tác ngoại như Dragon Capita và Edmond De Rothschild, để thông qua các đối tác này phát triển các sản phẩm đặc thù là Private Banking. Đây là sản phẩm đặc thù dành cho nhóm khách hàng giàu có. Trên thị trường Việt Nam hiện nay các sản phẩm dành cho phân khúc này là không nhiều.

- BIDV đánh giá như thế nào về rủi ro tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới, BIDV dự kiến trích lập dự phòng bao nhiêu?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại. Nền kinh tế Việt Nam đang dần ổn định nhưng cũng gặp một số vấn đề: DN thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp cả nội địa và quốc tế,... tỷ lệ đòn bẩy của các DN lớn, áp lực dòng tiền lớn lên,;..

Do đó, NHNN bắt buộc có Thông tư 02 để cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng.

Xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái. BIDV cũng lường trước kế hoạch này, kế hoạch năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (vào cuối năm trước là 0,98%), số trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng.

Mức trích lập thấp hơn năm ngoài vì năm 2022 ngân hàng đã trích và xử lý xong cơ bản các khoản nợ  có vấn đề và đã trích thêm, trích trước cho các khoản nợ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID 2 năm. 

 - Trong Năm ngoái và năm nay nền kinh tế có nhiều biến động, ban lãnh đạo đánh giá ra sao về triển vọng ngành ngân hàng trong 5 năm tới?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu dần đi vào xu thế ổn định. Quy định pháp luật và của NHNN ngày càng chặt hơn, yêu cầu các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nhiều hơn. Các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng vốn điều lệ để đảm bảo xu hướng chung.

Xu hướng NIM của các ngân hàng chắc chắn sẽ thu hẹp dần, đây là xu hướng chung dưới áp lực cạnh tranh của nhiều tổ chức fintech,...

Năm ngoái, với một số ngân hàng gặp khó khăn Chính phủ và NHNN đã hoạch định lộ trình, các phương án xử lý khá ổn. Những việc mà các cơ quan quản lý đang làm nhằm khôi phục niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Hiện nay xu thế chung là giảm mặt bằng lãi suất và các ngân hàng thương mại cũng đang triệt để thực hiện định hướng này. 

Chúng tôi đang trình NNN phương án tái cơ cấu từ nay - 2025 trong đó BIDV được định vị là NHTM cổ phần nhà nước có tỷ lệ sở hữu nhà nước không quá 65%, có tổng tài sản dẫn đầu, hoạt động hiệu quả, bền vững.

- Tại sao ngân hàng có quy mô dư nợ cao nhưng lợi nhuận lại thấp?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Đối với BIDV nhiều năm trước có đặc thù trích lập dự phòng rủi ro lớn. Trong năm vừa rồi mức trích lập dự phòng rủi ro thấp xuống nên lợi nhuận năm ngoái là 23.000 tỷ. So với quy mô tổng tài sảnlà 2 triệu tỷ thì tương đương 1.000 đồng tài sản thì thu về 1 đồng lợi nhuận, tỷ lệ này là rất thấp.

NIM các ngân hàng hiện nay đang thấp đi và của BIDV cũng vậy. Nếu như việc tái cơ cấu thành công thì mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng nhanh hơn như mức đạt trong năm ngoái chúng tôi đạt mức tăng 70%. Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu 10 -15% theo chỉ đạo và yêu cầu của Chính phủ.

Các NHTM Nhà nước hiện đang cố gắng đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn nên tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn so với các ngân hàng cổ phần.

Về đánh giá ngân hàng lãi cao trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, ông Tú cho biết nếu trong trường hợp lãi ngân hàng thấp xuống thì có nhiều vấn đề phát sinh như định giá quốc tế. Khi đó lãi suất mình vay sẽ tăng hơn và ảnh hưởng tới các khoản nợ hiện tại.

- Kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đã được đề ra rất lâu, đến hiện tại BIDV đã tiến hành tới đâu và ban lãnh đạo có thể chia sẻ về các đối tác chiến lược đã làm việc?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Trong năm 2022, đại hội đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9%. Chúng tôi đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các NĐT đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số NĐT tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023.

- Kết quả lợi nhuận quý I của BIDV, tăng trưởng tín dụng BIDV được nhà nước cấp là bao nhiêu?

Tính đến hết quý I, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; Huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

- Xin ban chủ toạ chia sẻ đánh giá về triển vọng thị trường tiền tệ thị trường bất động trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024? 

Chủ tịch Phan Đức Tú: Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, có hơn 70 ngành kéo theo từ BĐS, do đó mức độ ảnh hưởng của BĐS là rất lớn. Người Việt Nam coi BĐS là một tài sản tích luỹ. Vừa qua Chính Phủ đã có nhiều cuộc họp cho thấy vướng mắc chính là ở vấn đề pháp lý.

Đầu năm nay chúng tôi gặp 15 DN BĐS hàng đầu, xác nhận hơn 70% là khó khăn về pháp lý, các điều kiện để mở bán, còn lại khoảng 30% là vấn đề vốn. Ngay cả vướng mắc về vốn tại ngân hàng thì cũng ảnh hưởng từ vấn đề pháp lý.

Ngành BĐS là ngành quan trọng của nền kinh tế, nhóm KH ở mảng này cũng là những khách hàng tốt. Chúng tôi không bỏ rơi mà sẽ cùng đồng hành với BĐS.

Về dư nợ BDS BIDV, mảng kinh doanh BĐS chiếm khoảng hơn 2% tổng dư nợ, cho vay ngưới mua nhà đạt 240.000 tỷ, chiếm 15% tổng dư nợ. Vơi BIDV từ đầu năm không thắt chặt mà tiếp tục bơm vốn cho các dự án BĐS tốt, trong quý I đã bơm ra khoảng 13.463 tỷ đồng.

Chúng tôi lựa chọn theo phân khúc,DN BĐS có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng trở thành hàng hoá để thanh khoản trên thị trường, đây là điều kiện tiên quyết để cấp vốn. Đồng thời, tiếp tục cho vay người mua nhà. BIDV cũng đang triển khai gói 120.000 tỷ của NHNN. 

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.

 

Diệp Bình