Lí do khiến nhà sáng lập Walmart say sưa nói về doanh số khi sắp lìa đời, và P&G cổ phần hóa từ năm 1880
INC nhận định tư tưởng cốt lõi của một doanh nghiệp hàng đầu có liên hệ chặt chẽ với một sự quyết tâm, thôi thúc, khao khát tiến bộ, thúc đẩy các thay đổi và chuyển dịch về phía trước trong mọi bộ phận không mang tính “cốt lõi”.
Ham muốn này mang tính chất rất “người” - ham muốn khám phá, sáng tạo, chiếm lĩnh, thay đổi và tiến bộ. Lòng khát khao tiến bộ không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu, mà phải là một khao khát sâu thẳm từ bên trong tổ chức.
Khát khao tiến bộ khiến Sam Walton trong những ngày cuối đời vẫn tiếp tục bàn bạc về doanh số bán hàng với một nhân viên quản lý cửa hàng đến thăm ông trong bệnh viện.
Đó cũng là những thôi thúc đối với J. Willard Marriott, người luôn sống theo phương châm “luôn luôn làm việc và cống hiến, đến tận khi lìa đời, làm sao cho mỗi ngày đều có ý nghĩa.
Niềm khát khao tiến bộ cũng thôi thúc Citicorp đặt mục tiêu trở thành một tổ chức tài chính hàng đầu thế giới ngay từ những ngày đầu, khi họ còn rất nhỏ, đến mức chỉ một mục tiêu táo bạo cũng có thể được xem là ngớ ngẩn, thậm chí ngu ngốc.
Lí do tương tự cũng đã thôi thúc Walt Disney đặt cược danh tiếng của công ty vào Disneyland - một sản phẩm hoàn toàn không có số liệu nào về nhu cầu thị trường trước đó.
Ford cũng vậy. Với những thôi thúc tương tự, họ hướng tới tương lai với mục tiêu đầy tham vọng “dân chủ hóa xe hơi”, từ đó đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trên thế giới.
Đó cũng là lý do Motorola theo đuổi phương châm “luôn chuyển động vì lợi ích của chính sự chuyển động”. Họ liên tục đưa ra hàng loạt sản phẩm, theo đuổi tiêu chuẩn chất lượng tối ưu “sáu sigma” (3-4 phế phẩm trên 1.000.000 sản phẩm).
Robert Galvin đã dùng từ “đổi mới, làm mới” để nói về niềm khát khao tiến bộ của Motorola như sau: "Đổi mới là lực đẩy bên trong của công ty. Ngay từ ngày đầu thành lập công ty, với sản phẩm đầu tiên năm 1928, cha tôi đã bắt đầu nghiên cứu một sản phẩm thay thế vì sản phẩm hiện tại được dự đoán sẽ lỗi thời vào năm 1930. Ông không bao giờ ngừng đổi mới, và chúng tôi cũng vậy".
Chỉ những ai trăn trở với những ý tưởng mới, dù mờ nhạt và khó nắm bắt, chỉ những ai sẵn sàng, chấp nhận cả rủi ro và hứa hẹn của những ý tưởng đó, mới có thể thành công, theo Robert Galvin.
Niềm khao khát tiến bộ đã thôi thúc 3M liên tục thử nghiệm và giải quyết các vấn đề ngay cả những việc mà các công ty khác chưa coi là “vấn đề”. Kết quả là 3M đã thành công với những cải tiến rộng khắp, những sản phẩm như giấy nhám không thấm nước, băng Scotch, hay miếng ghi chép Post-it.
Nó cũng thôi thúc P&G chấp nhận nguyên tắc phân chia lợi nhuận và cổ phần hóa từ những năm 1880, nghĩa là rất lâu trước khi những xu hướng này trở nên thịnh hành, phổ biến; thôi thúc Sony tung ra các sản phẩm bán dẫn đầu những năm 1950, khi mà không công ty nào dám thực hiện giải pháp tương tự.
Do những thôi thúc ấy mà Boeing đã lao vào những canh bạc mạo hiểm nhất trong lịch sử kinh doanh, như quyết định sản xuất Boeing 747, dù chưa chắc chắn về nhu cầu thị trường, những thôi thúc được William E. Boeing xác định rõ ngay từ những ngày đầu thành lập Boeing:
"Không ai nên nói về một ý tưởng rằng điều đó không thể thực hiện được. Công việc của chúng tôi là liên tục nghiên cứu, thử nghiệm và đưa các kết quả từ phòng thí nghiệm vào sản xuất chừng nào có thể, với quyết tâm không để vuột mất bất cứ tiến bộ nào trong ngành hàng không”.
Với lòng khát khao tiến bộ, người ta sẽ không bao giờ bằng lòng với hiện tại, dù hiện tại đó tốt đẹp thế nào. Giống như một cái gì đó âm ỉ, nhức nhối, cháy bỏng, niềm khao khát này không bao giờ được thỏa mãn hay chấm dứt, ngay cả khi đã đạt được những thành công to lớn, với quan niệm: “Luôn có thể làm tốt hơn, đi xa hơn, tìm ra những khả năng mới hơn”. Như Henry Ford đã nói, “Bạn phải luôn làm việc và tiến về phía trước”.