|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Facebook phải làm gì để xoa dịu các doanh nghiệp quay lưng, ngừng chi tiền quảng cáo?

15:00 | 29/06/2020
Chia sẻ
Các nhà vận động chiến dịch tẩy chay Facebook tuyên bố sẽ không nhượng bộ mạng xã hội này, mặc dù Facebook đã đưa ra một loạt các chính sách mới khi nhiều doanh nghiệp quay lưng, ngừng chi tiền quảng cáo.
Chính sách phát triển nhà ở trong vòng 10 năm tới của TP HCM sẽ thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Logo Facebook. Ảnh: Reuters.

Jim Steyer, Giám đốc điều hành của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào hôm thứ Bảy, rằng chiến dịch “Stop Hate for Profit” sẽ bắt đầu kêu gọi các công ty lớn ở châu Âu gia nhập vào cuộc tẩy chay.

Kể từ khi chiến dịch này bắt đầu từ đầu tháng này, đã có hơn 160 công ty, bao gồm Verizon Communications và Unilever Plc, kí xác nhận ngừng mua gói quảng cáo trên nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới trong tháng 7.

Free Press và Common Sense, cùng với các nhóm dân quyền ở Mỹ như Color of Change và Liên đoàn chống phỉ báng, đã phát động chiến dịch này sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen không trang bị vũ khí, bị giết bởi cảnh sát thành phố Minneapolis.

"Ngưỡng tiếp theo sẽ là áp lực toàn cầu", Steyer nói. Ông hi vọng rằng chiến dịch này sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lí ở châu Âu để có lập trường cứng rắn hơn trên Facebook. 

Trước đó, Ủy ban châu Âu vào tháng 6 đã công bố các hướng dẫn mới cho các công ty công nghệ như Facebook, gửi báo cáo hàng tháng về cách họ xử lí thông tin sai lệch về dịch COVID-19.

Sự phẫn nộ từ phía công chúng về cái chết của Floyd ở Mỹ đã dẫn đến một phản ứng chưa từng có của các tập đoàn trên toàn thế giới. Tác động của nó lớn đến nỗi đã vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Chẳng hạn, Unilever đã thay đổi tên của một sản phẩm làm sáng da phổ biến ở Ấn Độ có tên là Fair and Lovely.

Chiến dịch toàn cầu sẽ được tiến hành khi các nhà tổ chức tiếp tục thúc giục nhiều công ty Mỹ tham gia. Jessica Gonzalez, đồng Giám đốc điều hành của Free Press, cho biết cô đã liên hệ với các công ty viễn thông và truyền thông lớn của Mỹ, để yêu cầu họ tham gia chiến dịch này.

Phản ứng lại trước sự quay lưng của các thương hiệu lớn, Facebook hôm Chủ nhật đã thừa nhận họ còn nhiều việc phải làm, và đang hợp tác với các nhóm dân quyền, chuyên gia để phát triển nhiều công cụ hơn, chống lại những phát ngôn gây thù địch.

Facebook cho biết các khoản đầu tư của họ vào trí tuệ nhân tạo đã giúp tìm kiếm tới 90% những phát ngôn tiêu cực trước khi người dùng báo cáo.

Việc mở rộng chiến dịch ra ngoài biên giới nước Mỹ sẽ làm giảm doanh thu quảng cáo trên Facebook, nhưng sẽ không tác động lớn đến tài chính.

Chẳng hạn, Unilever vào hôm thứ Sáu đã cam kết tạm dừng chi tiền quảng cáo trên nền tảng Facebook tại Mỹ cho đến hết năm, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 250 triệu USD ước tính của Unilever dành cho quảng cáo trên Facebook hàng năm, theo Richard Greenfield của LightShed Partners, công ty nghiên cứu truyền thông và công nghệ, cho biết.

Steyer cho biết họ sẽ hối thúc các đơn vị quảng cáo toàn cầu, như Unilever hay Honda, gỡ quảng cáo của họ trên Facebook không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nơi khác trên thế giới.

Hàng năm, Facebook thu 70 tỉ USD doanh thu quảng cáo, khoảng một phần tư trong số đó là từ các công ty lớn như Unilever, với phần lớn doanh thu có được từ các doanh nghiệp nhỏ.

Nhưng sự thờ ơ đối với các chính sách ngôn luận gây thù hận của Facebook đã khiến cho công ty này hứng chịu nhiều hậu quả. Vào hôm thứ Sáu, giá cổ phiếu của Facebook đã giảm 8,3%, và 56 tỉ USD vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khỏi thị trường.

Sự thất vọng của các tổ chức công bằng xã hội và các bên liên quan về sự thiếu hành xử trong vấn đề sai lệch thông tin và xử lí ngôn từ gây thù địch của Facebook đã khiến cho họ phải hành động, thúc giục nhiều công ty ngoài Mỹ tham gia vào chiến dịch tẩy chay, Steyer nói.

Ông và Gonzalez tuyên bố rằng các nỗ lực của Facebook về việc áp dụng các biện pháp mới, như cấm quảng cáo hay gắn mác phát ngôn thù hận của các chính trị gia, để xoa dịu các công ty tẩy chay, là không đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch.

"Nếu họ nghĩ chỉ bằng những lời đã nói mà mọi việc sẽ suôn sẻ thì họ đã nhầm", ông Gonzalez nói. "Chúng tôi không cần một chính sách tức thời ở đây mà là một chính sách toàn diện".

Tường Vy