|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lật ngược tình thế thiếu hụt cá tra bằng thẻ xanh cho công đoàn thu hoạch, thả giống

20:13 | 25/09/2021
Chia sẻ
Cá tra quá lứa không thể thu hoạch, cá tra giống không thể thả nuôi đang đe dọa nguồn cung cá tra năm 2022. Trong đó, nguyên nhân cá tra "tắc" do hoạt động của công đoàn thu hoạch, thả nuôi cá giống bị đình trệ.

Diện tích thả nuôi cá tra giảm, nguồn cung năm 2022 thiếu hụt

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ngành hàng cá tra có bắt đầu hồi phục trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, ngành hàng đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lần thứ 4.

Giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Tại hội nghị "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội", ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết cả nước hiện có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó 96 cơ sở đang hoạt động.

Tính đến ngày 15/9, tổng lượng giống sản xuất được ước đạt 2,3 tỷ con giống, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm. Giống cá tra được sản xuất, ương dưỡng quanh năm nhưng sản lượng giống đạt cao nhất là tháng 3, 4, khoảng 0,8 tỷ con giống.

"Giá cá giống loại 30 con/kg hiện dao động trong khoảng 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn thời điểm tháng 7, 8 khoảng 1.000-1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng giống sản xuất trong giai đoạn giãn cách đã giảm mạnh", ông Luân nói.

Do đó, tính đến ngày 15/9, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.516 ha, chỉ bằng 74 % so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội tháng 7, 8 đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Lật ngược tình thế thiếu hụt cá tra bằng thẻ xanh cho công đoàn thu hoạch, thả giống - Ảnh 1.

Diện tích thả nuôi cá tra giảm mạnh so với thời điểm trước giãn cách xã hội (Nguồn: Tổng cục Thủy sản)

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng diện tích nuôi giảm mạnh do việc thực hiện giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy.

"Công đoàn thu hoạch không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Cá nguyên liệu vì không thu hoạch kịp dẫn đến quá cỡ, ứ đọng dưới ao, cá chết nhiều và giảm chất lượng", bà Lan nói.

Giá cá quá size giảm trong khi các chi phí đầu vào đều tăng đột biến khiến giá thành tăng cao, người dân nuôi cầm cự. Cá chờ người dân, người dân chờ nhà máy, nhà máy chờ địa phương… mọi thứ đang trong vòng luẩn quẩn.

Đại diện VASEP cho biết các hộ giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay, vì vậy sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.

Thẻ xanh cho công đoàn cá

Theo VASEP, trong tháng 8 giá trị xuất khẩu cá tra giảm 30% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Điều đáng lo rằng sự sụt giảm giá trị xuất khẩu cá tra nguyên nhân chính không bởi thị trường nhập khẩu mà do công suất của tất cả các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã giảm tối đa.

Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến cá tra "tắc" đường lên nhà máy do hoạt động của công đoàn thu hoạch, thả nuôi cá giống bị đình trệ, khiến nhà máy thiếu nguyên liệu, nông dân phải "đổ tiền" xuống ao mỗi ngày mà chưa biết khi nào mới có thể thu lại. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn cho biết việc các địa phương ĐBSCL không đồng ý cho công đoàn đi về hàng ngày và yêu cầu cách ly khiến hoạt động thu hoạch và thả giống đang rất bế tắc.

Đại diện Vĩnh Hoàn đề xuất các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 cho bà con nuôi giống, thả giống để đảm bảo chuỗi cung ứng giống sang năm 2022 mới không bị gián đoạn.

Cụ thể, các tỉnh nuôi và chế biến các tra cần cấp "thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá liên tỉnh" và công nhận kết quả lịch sử kiểm soát COVID-19, không phải cách ly khi vào thu hoạch cá ở ngoài tỉnh.

"Đối với địa phương không thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương cần tạo điều kiện cho công đoàn thu hoạch cá giống và nhân viên thu mua giống được phép đi lại, thu hoạch theo nguyên tắc 1 cung đường 2 điểm đến và được về nhà hàng ngày mà không bị cách ly.

Tất nhiên, người lao động đều đáp ứng điều kiện đã tiêm 1 mũi vắc xin và test COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần", bà Khanh nói.

Lật ngược tình thế thiếu hụt cá tra bằng thẻ xanh cho công đoàn thu hoạch, thả giống - Ảnh 2.

Việc cấp thẻ xanh cho công đoàn thu hoạch, thả cá sẽ giúp giải tỏa điểm nghẽn (Ảnh: Nông nghiệp)

Đối với tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, công đoàn sẽ làm việc khi thực hiện test nhanh sàng lọc trước khi đến vùng nuôi và khi đến vùng nuôi test khẳng định lại PCR, khi có kết quả âm tính là có thể thực hiện thu hoạch.

Đồng thời, công đoàn sẽ được test PCR trước khi về nhà để đảm bảo không bị cách ly 14 ngày.

Về lâu dài, bà Khanh kiến nghị cần tổ chức tiêm ngừa vắc xin cho các lao động trong chuỗi cung ứng giống và nuôi cá thịt kể cả công đoạn thu hoạch và đội ngũ vận chuyển thức ăn và vận chuyển cá.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh đã phối hợp với các tập đoàn như Vĩnh Hoàn, Việt Úc xây dựng kế hoạch về con giống chuẩn bị đàn cá hậu bị để khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ chủ động được sản xuất.

Tỉnh An Giang có 1.235 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 87% diện tích thuộc các hộ có liên kết với doanh nghiệp. Do đó, tỉnh khuyến khích các hộ này thả nuôi cá tra, điều chỉnh mật độ nuôi diện tích còn lại tỉnh khuyến cáo người dân chuyển sang vật nuôi khác.

"Trước đây, người dân nuôi 400 tấn cá/ha mặt nước tuy nhiên ở thời điểm này chỉ nên giảm xuống còn 200 tấn cá/ha để giảm chi phí bỏ và theo dõi tình hình thị trường bởi hiện chỉ có 6/19 doanh nghiệp thủy sản của tỉnh An Giang còn hoạt động", ông Thư nói.

Đại diện tỉnh An Giang cũng cho biết tỉnh đang xây dựng các phương án cho doanh nghiệp hoạt động trở lại với tiêu chí "3 xanh", doanh nghiệp trong vùng xanh - công nhân trong vùng xanh - công nhân đã tiêm vắc xin COVID-19 hoặc xét nghiệm định kỳ thì được phép hoạt động.

Hoàng Anh