|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cá tra quá lứa khó giữ mức 22.000 đồng/kg, nông dân mất cả vốn lẫn lãi

17:05 | 24/09/2021
Chia sẻ
Doanh nghiệp giảm công suất, hàng chục nghìn tấn cá tra tồn đọng dưới ao khiến giá sản phẩm này khó giữ ở mức 22.000 đồng/kg. Điều quan trọng nhất lúc này cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và chế biến sâu, thả nuôi vụ mới để nguy cơ thiếu nguyên liệu cho năm 2022.

Cá càng to, nông dân càng lỗ

Hiện nay, hàng chục nghìn tấn cá tra quá lứa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... đang nằm chờ dưới ao, cá càng to, nông dân càng lỗ nặng.

Tại cuộc họp với tổ công tác 970 vào đầu tháng 9, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết 90% doanh nghiệp chế biến cá tra tại TP phải tạm dừng hoạt động bởi không đủ điều kiện, kinh phí thực hiện sản xuất 3 tại chỗ.

Trong khi TP cần tiêu thụ có 38.500 tấn cá tra trong tháng 9, trong đó có 3.000 tấn quá lứa thì lực lượng lao động trong ngành không được cấp giấy đi đường từ nhà đến nơi sản xuất cá.

Chia sẻ với VTC16, ông Trương Thanh Bình, người nuôi có tại TP Cần Thơ cho biết doanh nghiệp ký hợp đồng, hứa thu mua và trả tiền mặt nhưng đến ngày TP áp dụng 3 tại chỗ, công ty đó không đáp ứng 3 tại chỗ, phải đóng cửa. Cá đến lịch thu hoạch cũng không thể bắt.

Trước đây, mỗi ngày 300 tấn cá cần cho ăn 100 bao cám, tương đương 4 tấn/ngày nhưng giờ giảm xuống 30 bao/ngày cho cá ăn 100 bao, tốn chục triệu tiền mỗi ngày. 

"Người nuôi cho ăn cầm cự, cá đói sẽ ăn đất và bị chuyển màu, lúc đó không biết bán cho ai. Riêng tiền vốn cho 300 tấn cá rơi vào 6,6 tỷ đồng, nay không biết có thu về nổi vốn, chứ trước mắt thấy thiệt hại ở tiền thức ăn", ông Bình nói.

Hàng chục nghìn tấn cá tồn đọng dưới ao, giá cá tra khó giữ mức 22.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Thị trường cá tra nguyên liệu gần như ở trạng thái đóng băng do tần suất giao dịch giảm dần chỉ còn ở mức rất hạn chế.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 8, giá cá tra size 0,8-1kg dao động 21.000 – 22.000 đồng/kg.

Giá cá tra chững lại do vấn đề lưu thông giữa các tỉnh khó khăn, hoạt động bắt cá bị hạn chế, các doanh nghiệp 3 tại chỗ thì chủ yếu làm hàng kho và giữ ở mức công suất thấp do hạn chế về nhân lực và nguyên liệu.

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết: "Giá cá tra chuẩn size mới bán được giá 21.000 – 22.000 đồng/kg, giá cá quá lứa có thể giảm 1.000 – 2.000/kg, thậm chí giảm sâu hơn".

Đại diện VINAPA cho biết với mức giá 21.000 – 22.000 đồng, người nông dân chỉ hòa vốn nhưng hiện nay nhà máy không thu mua, cá nằm chờ dưới ao, người dân phải trả thêm chi phí thức ăn, lao động chăm sóc.

"Biết là lỗ nhưng nông dân cũng không còn cách nào bởi xuất khẩu cá tra và sản phẩm gia tăng chiếm 97% tổng sản lượng cá tra của cả nước. Trong đó, cá tra size chuẩn thường xuất đi thị trường EU, size lớn xuất cho Trung Quốc.

Song xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp nhiều rào cản nên không thể kỳ vọng ở thị trường này trong thời điểm hiện tại", ông Quốc nói.

Có nên cấp đông cá, chờ thị trường ấm lên?

Ngay từ khi một số tỉnh nới lỏng quy định 3 tại chỗ, các doanh nghiệp đã tăng cường thu mua, xoay xở mọi cách từ phile, chế biến khô cá tra nhưng sản lượng tồn đọng vẫn còn nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng có nên cấp đông cá, chờ dịch COVID-19 ổn định sẽ tiêu thụ ở nội địa hoặc chế biến sâu. Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng chuyện cá tra quá lứa tồn đọng đang lặp lại câu chuyện của 10 triệu con gà công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL.

"Trong ngành nông nghiệp, thủy sản là lĩnh vực có hệ thống kho lạnh lớn nhất. Tuy nhiên, một mặt dung lượng còn lại kho lạnh không đủ để lưu trữ hàng chục nghìn tấn cá tồn đọng.

Mặt khác, giá trị của cá quá lứa không đủ chi trả các chi phí điện, thuê kho và chưa rõ thời điểm sẽ tiêu thụ, chế biến hết. Do đó, cá nuôi dưới ao rủi ro cho nông dân, trữ đông rủi ro cho doanh nghiệp. Hiện chưa có phương án nào thực sự khả thi", ông Quốc nói.

Hàng chục nghìn tấn cá tồn đọng dưới ao, giá cá tra khó giữ mức 22.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Nhiều phương án được đưa ra nhằm xử lý hàng chục nghìn tấn cá tra tồn đọng. (Ảnh: VASEP)

Thị trường 100 triệu dân chỉ tiêu thụ 3% sản lượng cá tra

Hiện, cá tra quá lứa rất khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, phương án cấp đông cũng khó khả thi, do đó theo ông Quốc tiêu thụ cá tra quá lứa chỉ có thể trông chờ vào chế biến sâu và tiêu thụ nội địa.

"Dù có dịch hay không có dịch, thị trường nội địa cũng rất quan trọng với ngành cá cá tra. Dù có nhiều chương trình kết nối song cá tra vẫn chưa phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung do hệ thống phân phối yếu", ông Quốc nói.

Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng ở các vùng miền khác nhau, có nơi thích cá tra cắt khúc, nguyên con đông lạnh, có nơi ưa tiêu dùng tươi sống…

Do đó, nếu giải được bài toán phân phối như thế nào, ở đâu, kênh siêu thị hay chợ truyền thống thì thị trường 100 triệu dân có thể vực dậy ngành cá tra.

Hiện nay, doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường nội địa bởi cá tra chủ yếu sản xuất, chế biến ở ĐBSCL, việc xây dựng hệ thống phân phối rất tốn kém trong khi doanh nghiệp chưa đủ tài chính nên kém hiệu quả.

Vì vậy, đại diện VINAPA cho rằng Nhà nước cần quy hoạch lại hệ thống phân phối thủy sản, đặc biệt là cá tra. Trong đó, có thể lấy Hà Nội là đầu mối cho miền Bắc, Đà Nẵng là đầu mối miền Trung và dần dần mở rộng khu phân phối, thu hẹp khoảng cách địa lý.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần mở ra các chính sách về thuế, đất đai để thu hút doanh nghiệp xây dựng thị trường phân phối nội địa.

Một vấn đề khác là cá tra tồn đọng, người dân chưa thể thả giống dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu cho đơn hàng năm 2022.

VINAPA đề xuất các ngân hàng ngoài việc giãn nợ, giảm lãi suất, có thể hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn mới để thả nuôi cá tra, phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Hoàng Anh