|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp tôm và cá tra bội thu trong quý III

16:15 | 28/10/2024
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản báo kết quả tích cực trong quý III nhờ doanh số bán hàng tăng trưởng tích cực, thị trường xuất khẩu đón nhiều tin vui.

Trong quý III, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là giai đoạn cao điểm của năm với các mặt hàng thủy sản chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng khá. Xuất khẩu cá tra tăng 14%, tôm tăng 18% so với cùng kỳ.

Thị trường xuất khẩu đón nhiều tín hiệu tích cực chính là động lực giúp nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đồng loạt báo lãi lớn trong quý này.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Doanh nghiệp thuỷ sản đồng loạt báo ‘tin vui’

Đối với nhóm cá tra, trong quý III, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) ghi nhận 3.278 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng 70% lên 341 tỷ đồng, đây cũng là mức lãi cao nhất trong vòng 5 quý của công ty.

Chứng khoán VNDirect cho biết, trong quý III, doanh số cá tra của công ty tăng 33% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng cao dù giá bán trung bình giảm. Doanh thu từ các sản phẩm gạo cũng tăng vọt 105% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, doanh thu từ Mỹ (thị trường chủ lực), châu Âu và các thị trường khác đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong khi doanh thu từ Trung Quốc giảm nhẹ.

Quý này, CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV), CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (Mã: CCA) cũng báo kết quả kinh doanh khả quan nhờ doanh số bán hàng được cải thiện đáng kể. 

Đối với nhóm tôm, công ty mẹ CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý III. Theo đó, công ty đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 198 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 lỗ 13 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính giúp công ty mẹ Thuỷ sản Minh Phú lãi lớn trong quý III nhờ nhận được khoản cổ tức lớn từ công ty con là CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang và Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú.

Còn CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 59% lên mức 2.845 tỷ đồng, đây là mức thu kỷ lục mà công ty từng đạt được trong một quý tài chính. 

Tuy nhiên, các chi phí hoạt động trong kỳ tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng trưởng 6%, đạt mức gần 95 tỷ đồng.

Sao Ta cho biết, giá nguyên vật liệu tăng đột biến ở cuối kỳ vừa qua làm cho việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong muốn. Chi phí bán hàng tăng vọt do cước vận chuyển đang giai đoạn tăng cao. Đồng thời công ty trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường này đang giai đoạn xem xét hồ sơ. 

Trái ngược với các công ty thuỷ sản trên, lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Mã: SEA) giảm 35% so với cùng kỳ xuống 41 tỷ đồng do doanh thu bán hàng hoá, thành phẩm và dịch vụ tại các công ty con giảm.

Trong quý III, CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (Mã: CAD) còn báo lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng. Kể từ quý IV/2015 đến nay, công ty này báo lỗ liên tục.

Theo Cadovimex, công ty hiện không có vốn thu mua sản xuất mà chỉ tự xoay sở bằng nguồn thu hạn hẹp từ cho thuê các dịch vụ xuất khẩu, nhận gia công thuê cho các đơn vị cùng ngành. Nguồn thu này không đủ bù đắp các khoản chi phí tại công ty dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Ngành thuỷ sản sáng cửa những tháng cuối năm

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD nhưng kết thúc 9 tháng, kim ngạch đã đạt 7,16 tỷ USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng, ngành thuỷ sản sẽ có những sự bứt phá trong những tháng cuối năm và hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Trong báo cáo mới đây, CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2024, giá trị xuất khẩu cá tra kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng. Giá bán dự kiến sẽ tăng trưởng nhờ mùa lễ hội, mức nền thấp 2023 và giá cá tra tăng dần theo các loại cá khác. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu toàn ngành khó tăng cao khi mức nền thấp sẽ không còn.

Tuy nhiên, đơn vị phân tích, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng mạnh sẽ giúp duy trì đà tăng của toàn ngành.

Theo VDSC, Vĩnh Hoàn được hưởng lợi nhiều hơn Navico nhờ giá bán tại thị trường Mỹ (thị trường chính của Vĩnh Hoàn) kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng trong khi giá bán tại thị trường Trung Quốc (thị trường chính của Navico) vẫn chưa hồi phục.

Đối với ngành tôm, VDSC cho rằng, động lực tăng trưởng chính của ngành tôm trong những tháng cuối năm vẫn đến từ tăng trưởng sản lượng trong khi giá bán sẽ có sự hồi phục nhẹ nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất và mùa lễ hội. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng cao do mức độ cạnh tranh giữa các cường quốc Ecuador, Indonesia vẫn còn cao.

Tại thị trường Mỹ, mặc dù Việt Nam chiếm được thị phần nhờ Ecuador và Indonesia bị giảm thị phần. Nguyên nhân do Ecuador phải đặt cọc 10,58% tiền mặt và Indonesia bị áp biên độ chống bán phá giá là 6,3% khi xuất khẩu vào nước này (Việt Nam thì có 31 doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá). Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải duy trì mức giá bán thấp để cạnh tranh với các cường quốc này khi biên độ chống bán giá và khoản đặt cọc không tạo ra khoảng cách quá lớn về giá.

Tại thị trường Nhật, mặc dù tỷ giá JPY/VND đã tăng trở lại gần đây nhờ Ngân hàng Nhật tăng lãi suất. Tuy nhiên, thị trường Nhật cần có thời gian thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong ngắn hạn khả năng thỏa hiệp về tăng giá bán sẽ gặp khó khăn nhưng giá tôm quy đổi theo JPY tại Nhật giảm sẽ là cú hích cho thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cũng như duy trì đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu.

Tại thị trường Anh, giá trị xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng cao khi giá bán đã thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương Anh giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tháng 8 cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm. 

Lâm Anh

Thủ tướng: Xử lý dứt điểm vướng mắc cho các dự án điện tái tạo trước ngày 31/1/2025
Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết một cách công khai, minh bạch các khó khăn, vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo theo giải pháp Chính phủ đã đưa ra; cố gắng dứt điểm trước ngày 31/1/2025.