|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sao Ta có doanh số kỷ lục, đã trích trước chi phí CBPG vào Mỹ

08:11 | 23/10/2024
Chia sẻ
Chi phí bán hàng của công ty tăng đột biến do cước vận chuyển đang giai đoạn tăng cao cũng như do trích trước chi phí thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp trên doanh thu bán hàng sang Mỹ.

Theo báo cáo tài chính quý III, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã: FMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 59% lên mức 2.845 tỷ đồng, đây là mức thu kỷ lục mà doanh nghiệp từng đạt được trong một quý tài chính. 

Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện lên mức 10,8%; tương ứng với lợi nhuận gộp đạt 308 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, công ty cũng chứng kiến các chi phí tăng vọt trong kỳ tương ứng với sự mở rộng về doanh số. Trong đó chi phí bán hàng tăng mạnh nhất 150% lên gần 169 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 16% đạt 21 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng 13% lên gần 36 tỷ. 

Điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế khi chỉ còn tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, đạt mức gần 95 tỷ đồng. Đây vẫn là mức lợi nhuận tốt thứ ba trong lịch sử hoạt động. 

Ban lãnh đạo cho biết giá nguyên vật liệu tăng đột biến ở cuối kỳ vừa qua làm cho việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong muốn. Chi phí bán hàng tăng vọt do cước vận chuyển đang giai đoạn tăng cao; đồng thời công ty trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường này đang giai đoạn xem xét hồ sơ. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

 Fimex có quý lãi tốt thứ ba trong lịch sử. Nguồn: HL tổng hợp. 

Tính chung từ đầu năm, công ty xuất khẩu tôm này đạt mức doanh thu 5.549 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế thu về 232 tỷ đồng, cao hơn 7% so với kết quả 9 tháng đầu năm ngoái. 

Theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, lãnh đạo Sao Ta kỳ vọng doanh thu năm nay có thể đứng ở mức 5.187 tỷ và có lãi trước thuế 320 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã sớm vượt mục tiêu doanh thu và thực hiện gần 73% chỉ tiêu về lợi nhuận.  

Tăng trưởng trong kinh doanh cũng giúp mở rộng bảng cân đối kế toán công ty khi tổng tài sản tăng thêm 10% lên hơn 3.700 tỷ đồng; trong đó bao gồm lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đến 687 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 810 tỷ đồng trên vốn điều lệ 654 tỷ. 

Liên quan đến vụ việc CVD và AD, công ty cho biết đang chờ một số thông báo từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Theo Sao Ta, thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng từ năm 2020 đến nay, công ty đã có sách lược thị trường phù hợp để giảm thiểu rủi ro.    

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt".

Mức CVD của Mỹ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt. 

Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.

Trong cơ cấu xuất khẩu  năm 2023, Sao Ta bán khoảng 45% vào thị trường Nhật Bản và 30% vào thị trường Mỹ, tiếp đến là EU khoảng 7%, Australia 7%, Hàn Quốc 6% và các thị trường khác 5%.  

Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã trích trước 49,4 tỷ đồng chi phí thuế chống bán phá giá và 23,2 tỷ đồng chi phí thuế chống trợ cấp.  

 

Huy Lê