|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiêu thụ tôm Sao Ta cao nhất từ đầu năm

07:30 | 02/08/2024
Chia sẻ
7 tháng đầu năm nay, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 126 triệu USD, thực hiện được 60% mục tiêu đặt ra.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 7 đạt 31,25 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Đây là tháng có doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tính riêng tháng 7, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 4.098 tấn, tăng 75%; tiêu thụ tôm thành phẩm 2.713 tấn, tăng 7so với cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất giảm 70% đạt 20 tấn; tiêu thụ đạt 147 tấn, giảm 22% so với tháng 7/2023.

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 126,25 triệu USD. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Với kết trên, công ty đã thực hiện 60% mục tiêu đặt ra

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin công ty công bố.

Sao Ta cho biết, tính đến tháng 7, tôm nuôi ở trang trại mới đã thu hoạch xong và đang thu hoạch ở trang trại cũ, dự kiến giữa tháng 9 hoàn tất. Theo kế hoạch, tôm sẽ được thả nuôi vụ tiếp theo trong quý IV khi thời tiết bớt mưa nhằm giảm rủi ro.

Công ty cũng đánh giá kết quả nuôi tôm đến nay khá ổn dù dịch bệnh đã làm tôm phát triển không như mong muốn.

Về việc khởi kiện thuế chống trợ cấp (CVD) chống bán phá giá (AD) ở Mỹ, công ty cho biết đang chờ một số thông báo từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Theo Sao Ta, thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng từ năm 2020 đến nay, công ty đã có sách lược thị trường phù hợp để giảm thiểu rủi ro. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt".

Theo lãnh đạo Sao Ta, mức CVD của Mỹ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sợ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt vào tháng 8-9/2024. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt. 

Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế. 

Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2023, Sao Ta bán khoảng 45% vào thị trường Nhật Bản và 30% vào thị trường Mỹ, tiếp đến là EU khoảng 7%, Australia 7%, Hàn Quốc 6% và các thị trường khác 5%. 

Chiến lược kinh doanh của Sao Ta trong năm 2024 là "giảm Mỹ, tăng Nhật" và tìm kiếm cơ hội vào thị trường Trung Quốc.

Lâm Anh