|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lập trường của Phó Tổng thống Harris về 4 vấn đề kinh tế, ngoại giao quan trọng

10:20 | 23/07/2024
Chia sẻ
Trên cương vị phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris thường ủng hộ các chính sách của Tổng thống Joe Biden. Nhưng bà cũng đã bày tỏ một số quan điểm riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Getty Images). 

Phó Tổng thống Kamala Harris là ứng viên đáng chú ý nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng hiện nay, tuy nhiên công chúng vẫn chưa biết nhiều về lập trường của bà đối với một số vấn đề chính sách quan trọng.

Bà Harris từng tranh cử cho chức tổng thống Mỹ trước khi trở thành "phó tướng" của Tổng thống Joe Biden vào năm 2020. Kể từ đó, bà tập trung thúc đẩy kế hoạch của ông Biden hơn là của mình.

Dưới đây là quan điểm của bà Harris về 4 vấn đề chính sách quan trọng, theo tổng hợp của tờ Financial Times:

Ngoại giao

Đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà bà Harris ủng hộ ông Biden nhưng đôi khi vẫn tìm cách khẳng định quan điểm riêng của bản thân. 

Trên cương vị phó tổng thống, bà Harris ngày càng có nhiều dịp để đại diện cho nước Mỹ tại những cuộc họp lớn cùng nguyên thủ các nước, bao gồm Hội nghị An ninh Munich và gần đây hơn là hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng trước.

Nhưng trong những tháng gần đây bà cũng bắt đầu bày tỏ quan điểm khác với ông Biden, đặc biệt là về cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Vào tháng 3, bà kêu gọi các bên “ngừng bắn ngay lập tức” vì nỗi khổ của người dân Gaza. Đây là sự tương phản rõ rệt với đương kim Tổng thống Mỹ. Ông Biden là đồng minh thân cận của Israel và ủng hộ nỗ lực quân sự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Dự kiến ông Biden và bà Harris sẽ gặp ông Netanyahu tại thủ đô Washington trong tuần này để phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.

Kinh tế

Một trong những ưu tiên lớn nhất của chính quyền ông Biden là khống chế lạm phát. Bà Harris là người rất ủng hộ các nỗ lực kiềm chế giá cả của ông Biden. Cuối tuần trước, bà khẳng định việc hạ nhiệt giá xăng và các chi phí hàng ngày khác là “ưu tiên hàng đầu”.

Bà cũng giúp sức cho các đạo luật lớn của ông Biden nhằm tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Với tư cách phó tổng thống Mỹ, bà cũng nỗ lực vì “nền kinh tế chăm sóc”, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận của người Mỹ đối với dịch vụ chăm sóc trẻ em giá phải chăng và hỗ trợ cho người cao tuổi.

Trong thời gian là thượng nghị sĩ, bà Harris dẫn đầu các sáng kiến liên quan đến nhà ở tại Quốc hội, bao gồm đề xuất giảm thuế cho những người phải trả hơn 30% tổng thu nhập để thuê nơi ở.

Bà ủng hộ việc giảm thuế cho những người có thu nhập dưới 100.000 USD và tăng thuế đối với tầng lớp giàu có để tài trợ chương trình cải thiện thu nhập của giáo viên.

Về thương mại, bà Harris chỉ trích gay gắt đề xuất của cựu Tổng thống Donald Trump là tăng thuế quan lên mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ vì bà cho rằng chúng sẽ làm tổn thương người tiêu dùng.

Bà khẳng định mình không phải người "theo chủ nghĩa bảo hộ”. Nhưng trong quá khứ bà đã phản đối các thỏa thuận thương mại - bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama - với lý do chúng không có đủ các biện pháp bảo vệ môi trường.

Nhập cư

Nhiệm kỳ phó tổng thống của bà Harris gặp khó khăn bởi ông Biden giao cho bà trách nhiệm giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng người Mỹ Latinh di cư sang Mỹ.

Điều này khiến bà trở thành người đứng mũi chịu sào cho một trong các rắc rối lớn nhất của chính quyền ông Biden, đó là lượng lớn người di cư qua biên giới Mỹ - Mexico. 

Bà Harris từng chịu nhiều chỉ trích vì phải mất vài tháng sau khi nhậm chức mới đến thăm biên giới. Nhưng sự chỉ trích đã chuyển sang hướng khác trong những tháng gần đây.

Bà Harris ủng hộ một thỏa thuận an ninh biên giới mà lưỡng đảng thúc đẩy. Thoả thuận này sẽ phân bổ hàng chục tỷ USD để thuê thêm nhân viên an ninh và tị nạn, đồng thời đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico nếu số người vượt qua biên giới đạt mức trung bình trong 7 ngày là 5.000 người, hoặc 8.500 người trong một ngày.

Tuy nhiên, dự luật sau đó đã bị những nhà lập pháp thân với ông Trump bác bỏ.

Pháp luật và trật tự

Bà Harris có kinh nghiệm lâu năm ở vị trí công tố viên trước khi trở thành thượng nghị sĩ. Khi tranh cử cho chức tổng thống vào năm 2020, tiếng tăm “cứng rắn với tội phạm” của bà khiến một số nhà hoạt động cấp tiến bất bình.

Nhưng quan điểm của bà về pháp luật và trật tự, cảnh sát và các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc có vẻ đã thay đổi theo thời gian. Tư tưởng của bà về lĩnh vực này ngày càng thiên về cánh tả giống như phần lớn thành viên Đảng Dân chủ.

Khi là thượng nghị sĩ và trên đường tranh cử năm 2020, bà Harris thúc đẩy nỗ lực hợp pháp hóa cần sa và cải cách tư pháp hình sự, bao gồm các chính sách nhằm giảm số người bị giam giữ vì hành vi không liên quan đến bạo lực.

Sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd và giữa làn sóng biểu tình Black Lives Matter hồi năm 2020, bà Harris đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một dự luật có thể giúp quá trình truy tố và trấn áp các hành vi sai trái của cảnh sát trở nên dễ dàng hơn.

Giang