|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Loạt chính sách ông Trump chuẩn bị cho ngày trở lại Nhà Trắng và tác động đến thị trường tài chính

16:12 | 19/07/2024
Chia sẻ
Ông Trump đã nhận đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà vào ngày 18/7 (theo giờ Mỹ). Hiện tại, ông đang dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia và có lợi thế ở các bang chiến địa.

Rộng cửa trở lại Nhà Trắng

Một cú sốc lớn đã xảy ra vào cuối tháng 6, tại cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên. Màn trình bày mắc nhiều sai sót của đương kim Tổng thống Joe Biden (81 tuổi) làm dấy lên những lo ngại về thể lực và sự minh mẫn của ông.

Ngày càng nhiều nhân vật có tiếng nói trong Đảng Dân chủ kêu gọi ông Biden rút lui, nhường đường cho một ứng viên khác. Và, giữa lúc ông Biden quay cuồng trong rắc rối, đối thủ Donald Trump (78 tuổi) đã được trao cho cơ hội.

Một cú sốc lớn hơn nữa xảy ra vào ngày 13/7, tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump tại Pennsylvania. Vị cựu tổng thống đã may mắn né được viên đạn của sát thủ trong gang tấc.

Khoảnh khắc ông Trump giơ nắm đấm lên không trung với một bên mặt bê bết máu, giữa lúc các nhân viên Sở Mật vụ cố gắng bảo vệ ông đã trở thành hình ảnh mang tính lịch sử, xuất hiện khắp báo đài lớn nhỏ.

Ông Trump vừa nhận đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà vào ngày 18/7 (theo giờ Mỹ). Hiện tại, ông đang dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia và có lợi thế ở các bang chiến địa.

Nói cách khác, cánh cửa Nhà Trắng đang ngày càng rộng mở với người đàn ông 78 tuổi.

Cựu Tổng thống Donald Trump vung nắm đấm sau khi bị bắn hụt hôm 13/7. (Ảnh: AP).

Cũng ngay lúc này, thế giới đang bận rộn đánh giá tác động từ một nhiệm kỳ tổng thống khác của ông Trump.

Các công ty Phố Wall từ Goldman Sachs đến Morgan Stanley đã bắt đầu cảnh báo khách hàng về khả năng lạm phát tăng cao hơn nếu ông Trump tái đắc cử và áp đặt chính sách bảo hộ thương mại khắt khe hơn.

Những gã khổng lồ của nền kinh tế Mỹ như Apple, Nvidia và Qualcomm đang suy nghĩ xem cuộc đối đầu tiềm tàng giữa chính quyền ông Trump và Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến ngành bán dẫn.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, vị cựu tổng thống đã xua tan những lo ngại đó. Ông nói: “Trumponomics [chính sách kinh tế của Trump] là lãi suất thấp và thuế suất thấp”.

“Đó là một chiến dịch lớn để thúc đẩy công việc và đưa hoạt động kinh doanh trở lại nước Mỹ”, ông nhấn mạnh.

Vậy chính xác thì ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà dự kiến sẽ làm những gì trong nhiệm kỳ thứ hai nếu tái đắc cử? Bên dưới là một số kế hoạch đáng chú ý nhất mà ông Trump và các cấp dưới đã chia sẻ trên truyền thông thời gian qua, cùng với tác động tiềm tàng của chúng:

Chính sách trong nước

Hồi cuối tháng 4, một số cố vấn chính sách không chính thức của ông Trump đã tiết lộ với Wall Street Journal một dự thảo gây chấn động với mục đích hạn chế nghiêm trọng tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Trump phủ nhận dự thảo đó.

Trao đổi với Fox News vào tháng 2, cựu tổng thống Mỹ nói ông sẽ không tái bổ nhiệm ông Powell. Ngồi cùng phóng viên Bloomberg vào cuối tháng 6, ông tuyên bố sẽ để ông Powell kết thúc nhiệm kỳ (dự kiến kéo dài đến tháng 5/2026).

“Tôi sẽ để Chủ tịch Fed hoàn thành nhiệm kỳ, đặc biệt là nếu tôi nghĩ ông ấy đang làm việc đúng hướng”, ông Trump cho hay tại dinh thự Mar-a-Lago.

Bên cạnh đó, ông Trump còn có dự tính về chính sách tiền tệ, ít nhất là trong ngắn hạn. Ông cảnh báo Fed nên tránh hạ lãi suất trước cuộc bầu cử vào tháng 11 vì động thái này sẽ gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế lẫn ông Biden.

Phố Wall kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay, trong đó có một lần trước cuộc bầu cử. “Fed biết họ không nên nới lỏng tiền tệ trước cuộc bỏ phiếu”, ông Trump nhấn mạnh.

Ông Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một sự kiện tại thủ đô Washington năm 2017. (Ảnh: Bloomberg).

Vấn đề tiếp theo là lạm phát. Vị cựu tổng thống cho biết ông sẽ hạ giá cả bằng cách mở cửa để Mỹ khai thác thêm nhiều dầu khí hơn. “Chúng ta có nhiều vàng đen hơn bất kỳ ai khác”, ông nói.

Tiếp đến là thâm hụt ngân sách. Trump muốn gia hạn chính sách cắt giảm thuế mà ông ban hành vào năm 2017. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính việc gia hạn sẽ khiến ngân sách liên bang thiếu hụt hơn 4.000 tỷ USD trong 10 năm.

Đồng thời, ông Trump còn dự tính sẽ giảm thêm thuế doanh nghiệp. Trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao, các kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần của nước Mỹ.

 

Tiếp theo là chính sách nhập cư. Vị cựu tổng thống tin rằng những hạn chế khắc nghiệt đối với dân nhập cư là chìa khoá để thúc đẩy tiền lương và việc làm tại Mỹ.

Ông mô tả các chính sách kiểm soát dòng người nhập cư là “yếu tố quan trọng nhất” giúp chính quyền mới định hình lại nền kinh tế, với những lợi ích đặc biệt cho các nhóm thiểu số mà ông muốn chiếm được lòng tin từ họ.

“Người da màu Mỹ bị hàng triệu dân nhập cư cướp mất việc làm. Họ đã cảm nhận được thiệt hại khi đồng lương đi xuống”, ông Trump nhận định.

Một điểm gây chú ý khác là ông Trump đang dần có thiện cảm với ngành công nghiệp tiền ảo, trái ngược với nhiệm kỳ đầu tiên.

Còn nhớ trước đây, ông chỉ trích bitcoin là “trò lừa đảo”, là “thảm hoạ đang chực chờ xảy ra”. Bây giờ, ông tin rằng bitcoin và các đồng tiền ảo khác nên được khai thác tại Mỹ.

Ông coi đây là một nhiệm vụ quan trọng. “Nếu chúng ta không làm, Trung Quốc sẽ tìm cách và Trung Quốc sẽ chiếm thế thống trị - hoặc một nước nào đó khác”, ông lập luận.

Chính sách quốc tế

Nếu tái đắc cử, cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ áp thuế quan 60% đối với toàn bộ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với tất cả hàng hoá từ các nước khác.

Ông khen ngợi cựu Tổng thống William McKinley. Trump cho biết trong nhiệm kỳ của mình, ông McKinley đã kiếm đủ nguồn thu từ thuế quan để không phải đánh thuế thu nhập liên bang nhưng McKinley chưa bao giờ được ai ghi công.

Ở diễn biến khác, việc ông Trump chọn Thượng nghị sĩ J. D. Vance làm ứng viên phó tổng thống là một bằng chứng cho thấy chính quyền mới sẽ giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Hôm 15/7, “phó tướng” Vance chia sẻ với Reuters rằng Trung Quốc là “mối đe doạ lớn nhất” của Mỹ. Ông Vance lưu ý sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới đã huỷ hoại lĩnh vực chế tạo của Mỹ.

Ông Trump xuất hiện cùng ứng viên phó tổng thống J. D. Vance tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà hôm 15/7. (Ảnh: Getty Images).

Tại dinh thự Mar-a-Lago, khi được Bloomberg hỏi liệu Mỹ có cam kết bảo vệ đảo Đài Loan hay không, ông Trump tỏ ra thờ ơ. Điều mà ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà muốn là Đài Loan phải trả tiền bảo vệ cho Mỹ.

Một phần thái độ hoài nghi của ông Trump liên quan đến lợi ích kinh tế. Ông nói: “Đài Loan đã cướp mất ngành chip của chúng ta. Họ vô cùng giàu có”.

Tác động tiềm tàng

Lạm phát gây khó dễ cho Fed

Như đã nói, ông Trump dự định hạ nhiệt giá cả bằng cách bơm thêm dầu thô. Sản lượng “vàng đen” của Mỹ tăng thêm quả thực có thể giúp cho giá nhiên liệu trên thế giới đi xuống.

Đây sẽ là một tín hiệu tích cực với các nước nhập khẩu năng lượng lớn như Trung Quốc và Nhật Bản. Song, việc khai thác thêm dầu chưa chắc sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn đang dang dở của Mỹ.

Ông Trump tin rằng thuế quan đánh lên hàng hoá nhập khẩu sẽ mang lại lợi ích bất ngờ cho Mỹ nhưng các nhà kinh tế không nghĩ vậy. Họ cảnh báo thuế quan sẽ thúc đẩy lạm phát đi lên.

Một báo cáo từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng chính sách thuế quan của ông Trump sẽ khiến chi phí hàng năm của một hộ gia đình có thu nhập trung bình tăng thêm 1.700 USD.

Và theo Oxford Economics, sự kết hợp giữa chính sách thuế quan, hạn chế nhập cư và gia hạn chương trình cắt giảm thuế sẽ càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Nhà kinh tế Bernard Yaros cảnh báo kỳ vọng lạm phát sẽ bật tăng.

Rõ ràng, lạm phát nóng lên sẽ đảo ngược nhiều tiến bộ mà Fed đã đạt được kể từ khi tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3/2022.

Trong một báo cáo khác, nhà kinh tế James Reilly của Capital Economics cho biết: “Các đề xuất thuế quan của ông Trump... có thể thuyết phục ngân hàng trung ương tăng lãi suất trở lại”.

 

USD, cổ phiếu và trái phiếu

Theo một thước đo của Fed, đồng USD đã tăng khoảng 13% so với năm 2021, trước khi các quan chức ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt tiền tệ.

Đó là tin tốt cho du khách Mỹ đang lên kế hoạch ra nước ngoài trong năm nay, nhưng lại là tin buồn cho các công ty đa quốc gia đóng vai trò trụ cột của chỉ số S&P 500.

Chiến thắng của ông Trump có thể khiến đồng bạc xanh mạnh lên, có thể do Fed phải tăng lãi suất trở lại để khống chế lạm phát (vì thuế quan tăng) hoặc do ông Trump leo thang chiến tranh thương mại, gây hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư.

Việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế cũng sẽ làm phình to thâm hụt ngân sách, khiến đồng USD tăng cao hơn.

Tóm lại, lạm phát nóng lên, lãi suất tăng cao hơn và đồng USD mạnh lên sẽ tạo ra lực cản với giá cổ phiếu. Tuy vậy, có khả năng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ hoạt động tốt vì cơn sốt AI có thể lấn át những lo ngại về vĩ mô đó.

 

Thị trường trái phiếu kho bạc lại kể một khía cạnh khác của câu chuyện. Nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ bán bớt trái phiếu kho bạc kỳ dài hạn do lo ngại về tác động của thâm hụt ngân sách.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Washington được dự đoán sẽ vay bổ sung khoảng 4.000 - 5.000 tỷ USD trong 10 năm. Điều này rõ ràng sẽ đè nặng lên giá trái phiếu (giá diễn biến ngược chiều với lợi suất).

Ở diễn biến khác, kể từ đầu tháng 6, bitcoin đã phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, từ vụ bê bối của sàn giao dịch Mt. Gox đến đợt bán ra của chính phủ Đức.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Trump có thể sẽ là cú hích cho thị trường tiền ảo, bởi nhiều khả năng môi trường pháp lý sẽ thông thoáng hơn cho các tài sản kỹ thuật số này.

 

Lực cản cho nền kinh tế Trung Quốc

Kế hoạch áp thuế quan 60% đối với hàng hoá Trung Quốc có thể là một rủi ro lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hiện tại, xuất khẩu là một điểm sáng của Trung Quốc. Goldman Sachs cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có lẽ đang chuẩn bị cho kịch bản thương chiến với Mỹ leo thang.

Trao đổi với CNBC vào đầu tuần này, nhà kinh tế Hui Shan của Goldman Sachs cho hay: “Chúng tôi nghe thấy câu chuyện đánh thuế không chỉ ở Mỹ mà còn ở các đối tác thương mại lớn khác của Trung Quốc. Vì vậy, xuất khẩu sẽ không phải là động lực tăng trưởng bền vững cho Trung Quốc”.

Mỹ đang là đối tác thương mại hàng hoá lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở một quốc gia, trong khi Liên minh châu Âu đã tụt lại phía sau Đông Nam Á với tư cách là đối tác thương mại khu vực lớn nhất.

So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế tỷ dân tăng trưởng 4,7% trong quý II vừa qua, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế. Một số chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh nên bơm thêm kích thích nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5%.

 

Yên Khê