|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh tế chia sẻ Mỹ chuẩn bị vào khuôn khổ

16:53 | 13/09/2019
Chia sẻ
Bang California của Mỹ vừa thông qua một dự luật được ví như là "đóng sập cửa" với kinh tế chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ Mỹ chuẩn bị vào khuôn khổ  - Ảnh 1.

Các tài xế Uber biểu tình trước văn phòng công ty. Ảnh: AP

Bang California của Mỹ vừa thông qua một dự luật được ví như là "đóng sập cửa" với kinh tế chia sẻ: Yêu cầu các công ty trong nền kinh tế chia sẻ như Uber phải đưa các tài xế vào thành nhân viên chính thức.

Các công ty gọi xe mô hình chia sẻ như Uber, Grab trước đến nay vẫn gọi các tài xế là "đối tác", không phải nhân viên. Vì thế, các công ty này không có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho các tài xế như thời gian làm thêm giờ, lương tối thiểu hay quyền tổ chức công đoàn.

Chính vì vậy, mô hình kinh doanh này đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn với các ngành kinh doanh truyền thống, dẫn tới cáo buộc cạnh tranh không bình đẳng ở nhiều nơi trên thế giới.

Khi dự luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, các tài xế trở thành nhân viên của Uber, vô hình trung đã biến các hãng taxi công nghệ trở về taxi truyền thống, một động thái được coi là 'đánh sập' kinh tế chia sẻ.

Dự luật có tên là AB5 (Assembly Bill 5) được thông qua ngày 10/9 (giờ Mỹ) với 29 phiếu thuận và 11 phiếu chống, sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 1 triệu lao động thời vụ ở bang California như lái xe công nghệ, giao đồ ăn...

Dự luật AB5 được coi là một 'thảm họa' đối với các công ty kinh tế chia sẻ như Uber. Họ đã ngay lập tức cảnh báo các tài xế sẽ không còn được làm việc thời gian tự do như trước, và khách hàng sẽ phải đi xe với giá cao hơn. Tờ New York Times đánh giá, dự luật sẽ đẩy chi phí hoạt động của Uber tăng lên khoảng 30%.

Ngược lại, đây được coi là một thắng lợi cho các tài xế và người lao động khác trong nền kinh tế chia sẻ. Họ cho rằng dự luật sẽ khiến họ được đối xử bình đẳng hơn, có quyền lợi và phúc lợi của một nhân viên chính thống.

Không những thế, California là bang đông dân và giàu nhất nước Mỹ, là trụ sở của 3/5 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ. Thành thử, luật của bang California thường sẽ thành hình mẫu để các bang khác noi theo, thậm chí có thể trở thành luật liên bang.

Ông David Weil, quan chức cấp cao thuộc Bộ Lao động Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng: "Dự luật này sẽ gây tác động lên toàn nước Mỹ".

Đây là một thất bại mới nhất trong nhiều thất bại pháp lý liên tiếp của mô hình chia sẻ. Năm ngoái, New York đã thông qua quy định mức lương tối thiểu cho những tài xế của dịch vụ chia sẻ xe nhưng vẫn chưa có dự luật cho phép họ được đối xử như nhân viên chính thức của công ty. 

Năm 2015, tòa án San Franciso cũng ra phán quyết buộc Uber phải coi hơn 1.000 tài xế là nhân viên chính thức. Sau một thời gian bùng nổ, kinh tế chia sẻ dường như đang bị siết chặt lại vào khuôn khổ.

Cấp Tần