Diện mạo nền kinh tế chia sẻ trong năm 2019 (Phần 2)
Biểu tượng Grab tại văn phòng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong năm 2019 và xa hơn nữa, kinh tế chia sẻ sẽ chịu chi phối bởi những đối tượng lao động vốn xưa nay chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong nền kinh tế, như tầng lớp trung lưu mới nổi, phụ nữ và người già.
Những năm gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử, tầng lớp trung lưu đã đại diện cho phần lớn dân số trên toàn cầu – con số được dự đoán sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 10 năm tới, lên mức 5,2 tỷ người. Trong khi đó, người lao động là phụ nữ dự kiến sẽ chiếm đến 2/3 mức tăng của tất cả các khoản thu nhập khả dụng trong vòng một thập kỷ tới.
Ngoài ra, tại những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… tốc độ già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, nền kinh tế chia sẻ cũng sẽ góp phần định hình lại kế hoạch nghỉ hưu đối với những người vẫn muốn tăng thêm thu nhập hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng. Khi đó, những nền tảng như SilverNest hay GoGoGrandparent đã được thiết kế để đáp ứng nhu cầu này.
Từ năm 2012, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra sự cần thiết của việc hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và nền tảng kinh tế chia sẻ. Dần dần, cùng với sự phát triển của phương châm “Hiệu quả sử dụng quan trọng hơn quyền sở hữu”, các chính quyền sẽ sớm nhận ra rằng kinh tế chia sẻ đòi hỏi họ phải chủ động hơn trong việc đưa ra các quy định, hoặc cách thức khai thác phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, thế giới cũng sẽ chứng kiến sự ra đời của một số quy định được các chính phủ dành riêng cho kinh tế chia sẻ. Năm 2018, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên yêu cầu các chủ nhà Airbnb báo cáo thu nhập trực tiếp cho cơ quan thuế, trong khi nhiều nơi khác cũng đang phát triển các nền tảng dịch vụ vận tải để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mọi người dân, kể cả những người có thu nhập thấp.
Cách đây vài năm đã tồn tại quan ngại về sự mơ hồ trong thuật ngữ kinh tế chia sẻ và nguy cơ các công ty sẽ lạm dụng thuật ngữ này vì nghe có vẻ lôi cuốn, hơn là vì có sự chia sẻ thực sự. Đến nay, thuật ngữ này vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và vẫn tồn tại sự nhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế chia sẻ và kinh tế tự do.
Mặc dù cả hai hình thức kinh doanh này đều có một điểm chung là mang lại thu nhập cho người lao động, song sự nhầm lẫn này thường cản trở quá trình thảo luận về những vấn đề quan trọng như tương lai của người lao động trong công việc.
Có thể nói, năm 2019 sẽ chứng kiến thời kỳ hoàng kim hay lụi tàn của kinh tế chia sẻ sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Đây sẽ là một "phép thử" đối với toàn bộ nền kinh tế và là cơ hội để nền kinh tế này lấy lại sự cân bằng sau quãng thời gian phát triển "nóng".
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu những phương án kinh doanh có trách nhiệm sẽ được nhân rộng hay chúng ta sẽ nhắm mắt làm ngơ trước những cạm bẫy tiềm tàng hoặc những rủi ro lạm dụng quyền lực của nền tảng kinh tế chia sẻ?
Bên cạnh đó, liệu nền kinh tế chia sẻ có thể tìm lại đúng nguồn gốc hình thành ban đầu là tăng cường sự hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên, tính bền vững trong phát triển và kết nối cộng đồng hay tiếp tục làm vẩn đục thêm ý nghĩa của nó? Những câu trả lời là tùy thuộc vào chúng ta./.
Xem thêm |