|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kinh doanh vàng phải là ngành kinh doanh có điều kiện

11:33 | 16/12/2016
Chia sẻ
Sau khi Quốc hội thông qua danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kinh doanh vàng là một trong số đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét sửa đổi điều này, với lý do quy định mới sẽ đẩy ngành vàng nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói riêng vào khó khăn…

Kiến nghị sửa đổi điều kiện kinh doanh vàng trang sức

Cụ thể, theo quy định mới của Luật Đầu tư sửa đổi, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định thêm nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh vàng có điều kiện khác như: kinh doanh vàng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất; gia công; kinh doanh mua bán; xuất, nhập khẩu; các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu.

Trước đây, theo Luật đầu tư 2014, chỉ có 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh vàng có điều kiện là kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA cho rằng, quy định mới đã siết chặt hơn nhiều, chứ không nới lỏng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Đề án Luật Sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Đặc biệt, quy định mới này sẽ tạo ra nhiều giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém cả về thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng khi làm các thủ tục hành chính.

Ông Long lý giải thêm, trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, việc sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Nhà nước. Do đó, không nên vì mục tiêu quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ mà siết chặt hoạt động, bởi sẽ tạo ra cơ chế xin-cho, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động này sẽ góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào việc phát triển mặt hàng này, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần tạo công ăn, việc làm cho người lao động, đồng thời tạo cơ hội cho xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tái tạo ngoại tệ, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

“Hiệp hội kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội cho nghiên cứu, xem xét sửa đổi mục 242 (Kinh doanh vàng) trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016, theo hướng chỉ nên quy định những hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện là: sản xuất, kinh doanh vàng miếng; nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, ông Long nhấn mạnh.

Nhìn lại

Còn nhớ cách đây 4 năm, sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) nhằm quản lý và ổn định thị trường vàng trong nước được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3/4/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012, ông Trần Tử Quýnh, Thư ký VGTA khi đó đã nhận định: “Nghị định 24 về quản lý vàng ra đời, với kỳ vọng là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sức hấp dẫn của vàng miếng ngày càng suy giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được đẩy lùi, ngăn chặn ảnh hưởng biến động của giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn, dần thu hẹp để đáp ứng sát nhu cầu của người dân và thay đổi thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng…

Bên cạnh đó, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường được quản lý chặt chẽ, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ từng bước được sắp xếp lại, có sự sàng lọc các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường. Đặc biệt, giá vàng nguyên liệu trong nước ổn định, nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế.

Nền kinh tế tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn do không phải nhập khẩu vàng nguyên liệu, vì các doanh nghiệp có thể tự cân đối, mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Chất lượng vàng nguyên liệu trên thị trường được kiểm soát thông qua chế độ hóa đơn, chứng từ, mua, bán vàng…

“Tuy nhiên, đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, vẫn còn xuất hiện những vi về đo lường trong kinh doanh vàng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Hành động phù hợp

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basio cho rằng, thực tế, kinh doang vàng trang sức truyền thống là một trong những ngành nghề thủ công, kỹ xảo cao, phục vụ cộng đồng và nếu như vẫn chỉ diễn biến như vậy, thực tế không ảnh hưởng đến chính sách kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá thông qua giá vàng. Song lĩnh vực tiền tệ ngân hàng đã có một thời kỳ căng thẳng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực kiểm soát, nhưng giá vàng vẫn tác động trực tiếp đến tỷ giá, vượt tầm kiểm soát của cơ quan này, với 2 hiện tượng chính: thứ nhất, thao túng kinh doanh vàng trạng thái, vàng tài khoản; thứ hai, biến tướng của bản chất kinh doanh vàng miếng, nhưng dưới vỏ bọc của vàng trang sức sơ chế.

“Có thể hiểu, đó là lý do của cơ quan quản lý nhà nước khi lựa chọn quyết định siết chặt vấn đề này”, Luật sư Hải nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, kinh doanh vàng là ngành kinh doanh đặc thù, nhưng rất phổ biến. Từ xưa đến nay, vàng là loại tài sản có giá trị. Thị trường vàng rộng rãi, sâu và khó kiểm soát, trong đó có rất nhiều sản phẩm, nên quản lý là điều vô cùng khó khăn. Do đó, để tạo sự quân bình trong quản lý và độ mở đủ để doanh nghiệp hoạt động là điều vô cùng khó, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, ngành kinh doanh vàng còn là ngành kinh doanh rất nhạy cảm, không những chỉ ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh, thị trường, mà còn cả chính sách tiền tệ quốc gia. Do vậy, việc đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện buộc các nhà kinh doanh phải thỏa mãn các điều kiện, hoạt động trong giới hạn, chính sách của Chính phủ là điều hợp lý.

“Đối với các doanh nghiệp, thành phần tham gia trực tiếp vào thị trường vàng, thị trường càng thông thoáng bao nhiều thì càng thuận lợi trong việc kinh doanh bấy nhiêu. Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà quản lý, đặc biệt khi biến động của thị trường vàng thường gây nhiều ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và quốc gia, thì việc quản lý dưới góc độ vĩ mô là cần thiết. Do vậy, tại thời điểm này, cần thiết đưa ra những hành động phù hợp”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nói: “Quan điểm của tôi là kinh doanh vàng phải là ngành kinh doanh có điều kiện”.

Nhuệ Mẫn