Kịch bản ‘trong nguy có cơ’ từ chiến tranh thương mại, chuyên gia kì vọng VN-Index đóng cửa trên 1.000 điểm năm 2019
Bloomberg: Chứng khoán Đông Nam Á khả quan, dự báo VN-Index tăng 11% trong năm 2019 |
Năm 2018 được đánh giá là một năm sóng gió đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung. Sau khi lên mức đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm vào ngày 9/4, VN-Index đã liên tục sụt giảm, kết phiên 26/12 ở 891,75 điểm, giảm 10,51% so với đầu năm; HNX - Index và UPCoM – Index cũng giảm lần lượt 13,96% và 5,74%.
Diễn biến VN-Index, HNX-Index và UPCoM - Index trong năm 2018. Nguồn: VNDIRECT |
Trước bối cảnh thị trường chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là khép lại một năm 2018 đầy biến động, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) |
PV: Sau khi chạm mức đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực với sự thua lỗ của cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Ông có đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Thị trường chứng khoán Việt Nam đánh mất toàn bộ thành quả sau khi đạt đỉnh 1,204 điểm vào đầu tháng 4. Có thể nói 2018 là một năm buồn với nhà đầu tư. Dù vậy thị trường cũng có một số điểm sáng như khối ngoại mua ròng trên 1,85 tỉ USD, nhiều thương vụ cổ phần hóa và bán vốn nhà nước thành công và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân qua các thương vụ niêm yết và bán vốn tỉ USD. Cùng với sự ổn định vĩ mô và tăng trưởng tốt của kinh tế tích cực, thị trường chứng khoán đang tạo nền cho sự phục hồi trong năm 2019.
VN-Index đang xác lập vùng đáy ngắn hạn tại 880 - 900 điểm, chúng tôi kỳ vọng VN-Index đóng cửa trên 1.000 điểm trong năm tới. Quy mô thị trường đạt 202 tỉ USD nhờ hoạt động chuyển sàn và niêm yết mới. Thanh khoản bình quân thị trường đạt 310 triệu USD/phiên.
PV: Theo ông, đâu là ‘chìa khóa’ cho kịch bản của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm tới? Ông đánh giá thêm về điểm sáng của kinh tế vĩ mô Việt Nam?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Kinh tế vĩ mô đã vượt qua biến động tiêu cực từ bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng 6,8%; lạm phát, lãi suất và tỉ giá đều nằm trong kế hoạch và được kiểm soát tốt. Trước ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đã tìm cơ hội trong khó khăn, trở thành điểm sáng trong khu vực. Điều này cho chúng tôi niềm tin về khả năng thị trường không điều chỉnh quá sâu và sẽ hồi phục khi có các điều kiện thuận lợi.
Với kịch bản thị trường nêu trên, chúng tôi cho rằng yếu tố có tính trọng yếu ảnh hưởng đến nhận định là khả năng FTSE Russell nâng hạng thị trường vào tháng 9/2019, và công bố kết quả đàm phán Mỹ - Trung ngày 28/2/2019.
Kì vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong năm 2019 |
PV: Với chiều hướng gia tăng lãi suất và tỉ giá, ông có đánh giá thế nào về tác động của hai yếu tố này đến sức khỏe của doanh nghiệp trong năm 2019?
Lãi suất và tỉ giá luôn là yếu tố có độ nhậy cao đến sức khỏe của doanh nghiệp. Năm 2019, chúng tôi dự báo hai yếu tố này không có biến động quá lớn, theo đó tỉ giá giữ xu hướng tăng từ 1,66% đến 2,94%, trong khi lãi suất có mức tăng 0,5 điểm %. Sự biến động này cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ không quá lớn sẽ giúp cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng trong năm 2019.
PV: Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Ông có nhận định thế nào về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong năm 2018 và sẽ còn tác động đáng kể lên thị trường năm 2019. Dù vậy trong thực tế cuộc chiến không hoàn bất lợi mà cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam:
Trong ngắn hạn, chênh lệch về giá sản phẩm và khoảng trống thị trường tạo ra từ cuộc chiến thương mại đã tạo cơ hội gia tăng doanh thu và lợi nhuận ở một số ngành như dệt may, thủy sản, gỗ, máy tính và thiết bị điện tử, máy móc.
Về trung hạn, hoạt động dịch chuyển sản xuất đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam hình thành vào cuối năm 2018 và được dự báo đẩy mạnh trong năm 2019. Sự gần gũi về địa lý và điều kiện thuận lợi riêng đang giúp Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất nhằm tận dụng chênh lệch giá, tránh hàng rào thuế quan và hàng rào thương mại.
Về dài hạn, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn, giao dịch thương mại Việt Nam với hai quốc gia này chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam lại là quốc gia có độ mở cao với giá trị XNK/GDP 2018 đạt 196%. Cuộc chiến thương mại kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu, cản trở hoạt động thương mại quốc tế mà sẽ còn khiến môi trường kinh doanh kém ổn định ảnh hưởng tiềm năng tăng trưởng và ổn định vĩ mô của Việt Nam.
Do vậy chúng tôi cho rằng vẫn sẽ có những ngành như dệt may, thủy sản, gỗ, máy tính, và thiết bị điện tử, Khu công nghiệp, cảng biển và máy móc thiết bị tiếp tục hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại trong năm 2019. Dù vậy biến động trên thị trường chứng khoán cũng sẽ phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy hơn nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài.
Ngành dệt may được dự báo hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Internet |
PV: Mặc dù thị trường chứng khoán biến động mạnh trong năm 2018, khối ngoại tiếp tục mua ròng trong năm nay. Ông có nhận định gì về xu hướng dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Theo thống kê của chúng tôi, khối ngoại mua ròng gần 1,85 tỉ USD trong năm 2018. Nếu loại bỏ những thương vụ lớn mua thỏa thuận như 1,3 tỉ USD cổ phiếu VHM, 0,11 tỉ USD cổ phiếu YEG và 0,1 tỉ USD cổ phiếu MSN, khối ngoại vẫn mua ròng khoảng hơn 300 triệu USD. Điều này còn tính đến hoạt động mua ròng trước niêm yết như gần 1 tỉ USD cổ phiếu TCB và giá trị gần tương đương ở 3 cổ phần lớn trong các thương vụ đấu giá gồm BSR, POW, OIL và các thương vụ M&A khác.
Do vậy, chúng tôi vẫn đánh giá dòng vốn ngoại vẫn tích cực trong năm 2018 và duy trì trong năm 2019. Hoạt động mua ròng của khối ngoại trong 2019 sẽ giảm do không còn những thương vụ thỏa thuận lớn nữa, tuy nhiên sẽ diễn ra thực chất hơn nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi.
Nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho Quý đọc giả, chúng tôi thực hiện chuỗi bài phỏng vấn các chuyên gia chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam "Triển vọng đầu tư 2019". Đây là số thứ hai, trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ nói về kênh đầu tư và việc lựa chọn cổ phiếu tâm điểm trong năm 2019.
Xem thêm kì 1 |