Đã qua thời kì 'mua đâu, lãi đó', robot đặt lệnh tốc độ chóng mặt, nhà đầu tư mua cổ phiếu gì cho năm 2019?
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu thua lỗ! |
Ngày 8/12, CTCP Biên An Toàn tổ chức hội thảo “Tìm kiếm cơ hội đầu tư trong mùa đông băng giá". Hội thảo đã cung cấp cho nhà đầu tư những đánh giá về tình hình vĩ mô Việt Nam, tác động của việc tăng lãi suất đến doanh nghiệp, bức tranh tổng thể về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và triển vọng đầu tư năm 2019.
Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc, Nhà sáng lập của CTCP Biên An Toàn. Ông Tuấn cũng là Giám đốc môi giới, CTCP Chứng khoán VNDirect.
PV: Xin chào ông, trước thời điểm chỉ còn 3 tuần nữa là kết thúc năm 2018, một năm được đánh giá với nhiều biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông có thể đưa ra nhận định về một vài nhóm ngành và cổ phiếu triển vọng có thể đầu tư an toàn trong giai đoạn này và trong năm 2019?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Cổ phiếu ngành năng lượng và dịch vụ luôn là những cổ phiếu an toàn hay còn gọi là nhóm phòng thủ. Đối với ngành năng lượng năm sau, Chính phủ đã phát biểu rất nhiều lần việc sẽ xây dựng lộ trình tăng giá điện khoảng 3 – 5%. Do đó, cổ phiếu ngành Điện sẽ hưởng lợi trực tiếp từ vấn đề này, chưa kể đến thị trường điện cạnh tranh giúp doanh nghiệp điện bán được giá giá cao hơn trong những mùa cao điểm. Do đó, điện là một trong những nhóm hưởng lợi.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể thấy nhóm điện luôn chi cổ tức tiền mặt rất đều, đó cũng là tiêu chí phòng thủ.
Thứ hai là nhóm ngành dịch vụ, công ích và nhóm ngành nước, đều có tính phòng thủ do nhu cầu không giảm.
Tuy nhiên trong năm 2019, chiến tranh thương mại không hạ nhiệt và vẫn tiếp tục duy trì thì tôi thấy tính tích cực từ ngành thuỷ hải sản và dệt may. Trong đó ngành dệt may vừa hưởng lợi từ chiến tranh thương mại vừa hưởng lợi từ các hiệp định mới như CPTTP đã kí vừa rồi và khả năng trong quý I/2019 là hiệp định EVFTA cũng sẽ ra đời.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tăng tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là một trong những thị trường tiêu thụ chiếm tỉ trọng lớn đối với các ngành hàng dệt may, nông sản tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán VNDirect. Ảnh: Phan Quân - Thu Thủy |
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tính theo chu kì kinh tế thì các ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đã đi qua đỉnh điểm của chu kì rồi. Đây là những nhóm ngành hưởng lợi từ “tiền rẻ” với lãi suất thấp. Những tài sản mang tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán đã cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh lên tới hai, ba con số trong giai đoạn 2016 – 2017.
Hiện tại, trên quy mô toàn cầu, từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho tới các Ngân hàng Trung ương bắt đầu đẩy lãi suất lên thì triển vọng những nhóm ngành này sẽ giảm. Cụ thể, nhóm ngân hàng có lợi nhuận thuần từ cho vay tăng rất mạnh. Tuy nhiên, trong những báo cáo gần đây của hầu hết các ngân hàng cho thấy thấy sự tích tụ nợ nhóm 5, tức nợ xấu có khả năng mất vốn lớn.
Ngành chứng khoán với thị trường suy giảm như hiện tại thì rõ ràng thu nhập của các công ty chứng khoán sẽ giảm đi. Bởi vì, các công ty chứng khoán có hai mảng chính là tự doanh và cho vay. Với thị trường hiện tại, khó để các công ty chứng khoán tự doanh.
Với bất động sản, tính thanh khoản liên đới rất nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Những nhà đầu tư bất động sản từ tổ chức đến cá nhân đều đầu tư dựa trên tỷ trọng vốn vay cao. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không muốn bong bóng bất động sản bơm lên nữa, việc siết tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng ngành bất động sản.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng triển vọng ngành bất động sản không phải suy kiệt vì có những đơn vị lớn đủ tiềm lực tài chính không cần đến vốn vay ngân hàng vẫn phát triển được. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường sử dụng đòn bẩy tài chính cao do đó triển vọng 2019 không sáng sủa với nhóm này.
Nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán trong năm 2019. Ảnh: Phan Quân - Thu Thủy |
PV: Ông đánh giá như thế nào về con đường nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Hiện tại trên thế giới có hai tổ chức đánh giá nâng hạng được tín nhiệm cao là FTSE và MSCI. FTSE đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi (watchlist) trong tháng 9 vừa rồi. Tôi cho rằng trong tháng 6 năm sau, nhiều khả năng Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách theo dõi.
Hiện FTSE đang hướng dẫn những cơ quan liên quan hoàn thiện bổ sung vấn đề còn thiếu ví dụ như room ngoại, thoái vốn, tự do luân chuyển vốn. Khi cơ quan hữu quan có những giải pháp cho nâng hạng, tối thấy “cửa” cho nâng hạng lên thị trường mới nổi tương đối sáng cho thị trường Việt Nam vào khoảng giữa năm 2020.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thuật thoán, robot hỗ trợ nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Các thuật toán, robot hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch trên thị trường phái sinh rất nhiều. Nhà đầu tư có thể thấy quy mô lệnh, thanh khoản phái sinh tăng lên, tốc độ đặt lệnh cũng tăng lên rất nhanh. Đây rõ ràng không phải các thao tác thủ công từ môi giới hay nhà đầu tư mà từ các hệ thống giao dịch tự động.
Ngoài ra, các robot hỗ trợ ứng dụng về xu hướng, phân tích doanh nghiệp để đưa ra quyết định nhanh hơn. Chúng ta đi sau các thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc vì họ đã ứng dụng công nghệ thuật toán từ rất lâu rồi. Ví dụ như Mỹ có 70% giao dịch từ hệ thống tự động. Trong tương lai, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến đợt bùng nổ cho các ứng dụng về công nghệ trong giao dịch và phân tích.
Triển vọng ứng dụng rô bốt trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa |
PV: Theo ông, chi phí cho thuật toán và robot hỗ trợ giao dịch như thế nào?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Chi phí rõ ràng rất cao. Những nhà đầu tư và công ty có tiềm lực tài chính mới tập trung phát triển hệ thống này. Đội lập trình viên cho hệ thống cũng rất tốn chi phí. Hiện tại, chi phí cho đội ngũ này cao top đầu, hơn đội ngũ bán hàng (sale).
PV: Theo ông, công nghệ hay robot có thể trở nên đại trà với các nhà đầu tư?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tôi cho rằng các công ty chứng khoán sẽ phát triển hệ thống cho nhà đầu tư trải nghiệm và quen dần. Đến một giai đoạn nào đó, công ty chứng khoán tiến hành thu phí từ phía nhà đầu tư.
PV: Ông đánh giá gì về những bất cập về giao dịch chứng khoán cần được cải thiện trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Hiện nay hệ thống công nghệ thông tin bên các công ty chứng khoán đã rất đầy đủ.
Thứ nhất, nhà đầu tư đang muốn cải thiện về thời gian thanh toán về tiền và cổ phiếu. Nếu như nâng cấp hệ thống giao dịch tổng của Ủy ban và Sở thì có thể tiến tới giao dịch T+0 trong 2019. T+0 sẽ như một cái kho để khách hàng có vị thế mua trước đó có thể bán ngay trong ngày, giống như thị trường chứng khoán Thái Lan.
Thứ hai là cải thiện vấn đề minh bạch của các doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán có rất nhiều phân lớp nhà đầu tư, nhà đầu tư có có thể dùng hệ thống giao dịch nhưng vẫn cần những doanh nghiệp minh bạch hơn. Đó là yếu tố cần thiết cho thị trường trong giai đọan 2019.
PV: Khi thị trường đi xuống và khối lượng giao dịch bùng nổ, một vài công ty chứng khoán bị lỗi treo lệnh, ông có đánh giá về vấn đề này?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thông qua trao đổi với các lãnh đạo của UBCK, phía Ủy ban đang tiến hành thay đổi hệ thống giao dịch (core) để lên tầm mới hơn, tránh những sự cố như đợt vừa rồi. HOSE bị gián đoạn tới 1.000 giao dịch. Các công ty chứng khoán cũng tự ý thức vấn đề này.
Việt Nam là thị trường mới nổi, dư địa tăng trưởng còn nhiều, việc nâng cấp hệ thống buộc phải tính tới. Nhà đầu tư sẽ chứng kiến hàng loạt các CTCK nâng cấp hệ thống giao dịch bao gồm cả CTCK trong nước và nước ngoài như KIS, Yuanta đã nâng cấp hệ thống mới nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang vướng vào việc giải ngân tại thị trường và còn nhiều thủ tục. Các chứng chỉ lưu ký (Depositary Receipts - DR) là cách để chuyển đổi vốn nhanh nhất và NĐTNN muốn chủ động trog việc thiết lập các ETF riêng.
Rồi đến việc room khối ngoại, hiện có những doanh nghiệp chất lượng nhưng vẫn không kín room khối ngoại. Những điều này làm hiệu quả đầu tư của nhóm NĐTNN giảm xuống. Nhà NĐTNN không mua được những cổ phiếu chất lượng, họ sẽ đi nước khác, có thể qua Malaysia, Thái Lan, Philippines. Do đó, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và cải thiện.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/