|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bộ ba doanh nghiệp 'họ Apec' trượt dài sau khi ông chủ Nguyễn Đỗ Lăng vướng lao lý

13:00 | 07/11/2023
Chia sẻ
Hai trong số ba doanh nghiệp “họ Apec” báo lỗ trong quý III, đơn vị còn lại báo lãi giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Không còn những kết quả tươi sáng và diễn biến cổ phiếu tích cực, các doanh nghiệp chỉ còn là cái bóng của chính mình hai năm trước.

Doanh nghiệp “họ Apec” niêm yết trên sàn gồm Chứng khoán Apec (Mã: APS), Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Mã: API) và Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã: IDJ). Đây là nhóm doanh nghiệp từng gây chú ý trong năm 2021 với việc cổ phiếu tăng phi mã cùng các kế hoạch tăng vốn tham vọng. Tuy nhiên giờ đây, bộ ba này chỉ còn là cái bóng của quá khứ, khi kinh doanh giảm sút, cổ phiếu lao dốc.

Tình hình kinh doanh dường như càng xấu hơn kể từ cuối tháng 6 vừa qua, khi cơ quan điều tra khởi tố 5 cá nhân trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại 3 công ty này. Điểm chung là ông Phạm Duy Hưng và ông Nguyễn Đỗ Lăng nằm trong ban lãnh đạo các đơn vị này.

Ngay sau sự việc, cả ba doanh nghiệp đều công bố thông tin không phải chủ thể có liên quan, hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc. Ban lãnh đạo các công ty này đã họp và nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, bao gồm việc miễn nhiệm và bầu mới lãnh đạo cấp cao. Song, hiệu quả thực tế không được như kỳ vọng.

Doanh nghiệp nhà Apec tiếp tục kinh doanh đi xuống trong quý III

Trong quý III, Chứng khoán Apec có doanh thu 46 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 32 tỷ đồng. Công ty giải trình kết quả này đến từ việc thị trường biến động, việc đánh giá lại các khoản tài sản tài chính tạo ra mức lỗ ròng gần 53 tỷ đồng, các hoạt động kinh doanh khác không có nhiều biến động.

Hai cổ phiếu API và IDJ chiếm đến 95% danh mục cổ phiếu niêm yết trong tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tại cuối tháng 9, đồng thời cũng là khoản đầu tư lỗ nhiều nhất (tổng cộng hơn 192 tỷ đồng).

Kết quả này đi ngược xu hướng của ngành trong quý III khi thị trường chứng khoán khởi sắc, thanh khoản lên đến hàng tỷ USD mỗi phiên. Điều kiện thị trường lý tưởng cho các đơn vị tập trung vào mảng tự doanh như Chứng khoán Apec, VIX và Thiên Việt có số lãi hàng trăm tỷ đồng từ tự doanh cổ phiếu.

Trong một diễn biến khác, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Chứng khoán Apec thay đổi đột ngột sau soát xét báo cáo bán niên. Cụ thể, từ lãi sau thuế 46 tỷ đồng, công ty chuyển thành lỗ 137 tỷ đồng, do thay đổi ghi nhận khoản chi phí tài quản lý.

Kết quả, Chứng khoán Apec lỗ sau thuế đến 168 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Lỗ sau thuế chưa phân phối cuối kỳ 54 tỷ đồng.

Hai công ty còn lại trong “họ Apec” thuộc lĩnh vực bất động sản. Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương cũng ghi lỗ quý III với con số gần 18 tỷ đồng. Đơn vị cho biết do thị trường bất động sản quý III chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến doanh số công ty. Doanh thu quý III giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 46 tỷ đồng.

Đầu tư IDJ Việt Nam đưa ra giải trình tương tự cho kết quả đi lùi trong quý III. Công ty báo doanh thu 68 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 22 tỷ đồng, giảm lần lượt 85% và 61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là đơn vị duy nhất trong bộ ba có lãi trong quý vừa qua.

Sau 9 tháng kinh doanh, Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương lỗ hơn 27 tỷ đồng, còn Đầu tư IDJ Việt Nam giảm phân nửa lãi so với cùng kỳ, còn đạt 68 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của ba doanh nghiệp họ Apec. Nguồn: XN tổng hợp.

Tổng quan, nhóm doanh nghiệp “họ Apec” đã trượt dài kể từ khi báo kết quả kinh doanh kỷ lục vào năm 2021. Cổ đông không được chứng kiến những con số tăng trưởng, những kế hoạch đầy tham vọng như ban lãnh đạo từng đưa ra trong quá khứ.

Các phương án tăng vốn cũng bị hoãn lại. Như tại Đầu tư châu Á Thái Bình Dương, vào tháng 7, ban lãnh đạo đã quyết định rút hồ sơ chào bán hơn 84 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1. Công ty đưa ra nguyên nhân do thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông. 

Cổ phiếu lao dốc, bị công ty chứng khoán cắt margin

Song song với kinh doanh đi lùi là sự suy yếu thị giá cổ phiếu. Ngay sau khi lập đỉnh vào cuối năm 2021, các mã APS, API và IDJ giảm sâu dò tìm đáy mới. Thị giá cả ba mã đã dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp), dao động quanh 6.000 đồng/cp.

Bộ ba này liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán của nhóm ông Nguyễn Đỗ Lăng. Theo cơ quan điều tra, trong thời gian 4/5 - 31/12/2021, nhóm ông Lăng đã chỉ đạo các đối tượng sử dụng 40 tài khoản chứng khoán thao túng mở tại Chứng khoán Apec để liên tục mua, bán tạo ra cung cầu giả và giá đóng cửa mới, đẩy giá cổ phiếu ba mã API, APS, IDJ tăng bất thường.

Ngoài hành vi trên, nhóm này còn thường xuyên đưa các thông tin tích cực về 3 cổ phiếu trên lên các hội, nhóm Zalo. Sau giai đoạn thao túng, các đối tượng đã bán cổ phiếu thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 157 đồng.

Khi sự việc xảy ra, các công ty chứng khoán đã loại APS, API, IDJ khỏi danh sách cho vay ký quỹ (margin), như Chứng khoán SSI, Chứng khoán BIDV, Yuanta Việt Nam, Chứng khoán SHS, Chứng khoán Trí Việt...

Vào giai đoạn tháng 6/2023, bộ ba cổ phiếu gần như rơi tự do với loạt phiên giảm sàn, và đi ngang sau đó. Tính từ đỉnh vào 2021 đến hết phiên 6/11/2023, thị giá APS, API và IDJ đã giảm gần 90%. Nếu nắm giữ các cổ phiếu này vào giai đoạn cuối 2021 đến nay, nhà đầu tư không hề “gồng lãi” như lời kỳ vọng của ban lãnh đạo trước đó, mà đang lỗ nặng.

Thị giá APS, API, IDJ giảm đến 90% từ đỉnh vào cuối 2021. Biểu đồ: TradingView.

Xuân Nghĩa

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).