|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

DATA TALK: Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng năm 2024, gọi tên 4 nhóm ngành triển vọng

16:30 | 10/10/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán năm 2024 được các chuyên gia nhận định sẽ có xu hướng tăng nhẹ, một số ngành có thể tăng trưởng tích cực như công nghệ, thép, dầu khí, chứng khoán. Chính sách tiền tệ được dự báo ở trạng thái trung lập trong bối cảnh áp lực tỷ giá tiếp tục tăng vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

 

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh sau 6 tháng tăng điểm liên tục. Diễn biến của chứng khoán Việt Nam đồng pha với xu hướng chung toàn cầu, nhưng có phần tích cực hơn. Cụ thể, nếu VN-Index vẫn giữ được mức tăng gần 15% sau 9 tháng, khởi sắc hơn các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia.

Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi những yếu tố đến từ quốc tế và trong nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong khi chỉ số DXY mạnh lên khiến dòng vốn đầu tư xoay chiều. Trong nước, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hay những biến số vĩ mô được giới đầu tư chú ý.

Song, nhịp điều chỉnh của thị trường cũng sẽ mở ra cơ hội khi định giá doanh nghiệp ở mức phù hợp hơn. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới là thời điểm để nhà đầu tư chọn lọc những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh sáng cửa.

Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn về dự báo vĩ mô, tiền tệ và đầu tư chứng khoán dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu, VietnamBiz (vietnambiz.vn) phối hợp cùng Câu lạc bộ CFO Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023". 

Tọa đàm này nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) diễn ra ngày 9/11 tại TP HCM.

Toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả:

- TS. Nguyễn Hữu Huân, Chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM

- Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup

- Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

- Ông Đào Minh Châu, CFA, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research.

Xem video trực tiếp trên fanpage: tại đây

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch Thường trực CFO Vietnam, cho biết kể từ nửa cuối năm ngoái, nền kinh tế trong nước và thế giới đã trải qua rất nhiều biến động từ các yếu tố vĩ mô đến các ngành, lĩnh vực. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau nhiều tháng tăng điểm đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Đây là lý do VietnamBiz phối hợp cùng Câu lạc bộ CFO Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm nhằm đưa đến cho nhà đầu tư những nhận định về các yếu tố sẽ ảnh hưởng tới TTCK trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT SỰ KIỆN:

Ông Trần Ngọc Báu: Câu chuyện nới lỏng thêm chính sách tiền tệ là khó xảy ra nhưng sẽ không thắt chặt

Trong phần đầu sự kiện, ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup đã có những chia sẻ liên quan đến bức tranh vĩ mô của Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Báu: Năm 2022 là năm khá thành công với kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất đều ấn tượng. Sang năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá khả quan ở mức 6,5%. Tuy nhiên đến hết quý I, kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Đặc biệt, sau giai đoạn bùng nổ năm 2022, xuất khẩu năm nay sụt giảm mạnh, tiêu cực hơn cả giai đoạn COVID-19.

 

Có thể nói trong mười mấy năm xuất khẩu, chưa bao giờ bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng trong nước lại không thực sự phục hồi tốt. Sau biến cố bất động sản và thị trường trái phiếu, tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng. Tổng tiêu dùng trong nền kinh tế chậm lại, kéo theo khu vực sản xuất tăng trưởng chậm theo.

Những tháng đầu năm 2023, Việt Nam có mức tăng trưởng rất thấp so với mục tiêu đề ra, buộc chính sách phải thay đổi để kích thích nền kinh tế. Lạm phát tương đối thấp giúp tạo không gian duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngoài ra, tỷ giá 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. Trong khi các nước vẫn tăng lãi suất, Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu trên thế giới đẩy mạnh giảm lãi suất.

Có hai hiện tượng về lãi suất cần chú ý. Thứ nhất là lãi suất liên ngân hàng gần về 0% ở kỳ hạn qua đêm. Lãi suất liên ngân hàng thấp kéo theo hai hệ lụy là giá tài sản tài chính tăng tương đối mạnh vì kỳ vọng về giai đoạn siêu nới lỏng như giữa 2020. Thứ hai là mức chênh lệch lãi suất của Việt Nam và thế giới quá lớn, nguy cơ làm dịch chuyển dòng vốn.

Nhà điều hành biết được hậu quả nói trên. Trong 9 tháng đầu năm, chúng ta chờ đợi tiền thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặc dù rất cố gắng nhưng tăng trưởng cung tiền, tín dụng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta chỉ nới lỏng về chính sách, vốn không ra được khiến nền kinh tế phục hồi tương đối chậm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt duy trì chính sách nới lỏng nhưng kinh tế chưa kịp phục hồi, tỷ giá lại bắt đầu căng thẳng. Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên nhưng cốt yếu là chênh lệch về lãi suất. Nguyên nhân còn lại là tâm lý đè nặng vì cùng kỳ năm ngoái tỷ giá cũng căng thẳng.

 Nguồn: WiData.

Nhìn vào cán cân tổng thể của Việt Nam có thể thấy chênh lệch về lãi suất thực sự đã kích hoạt dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, thặng dư vãng lai, đặc biệt là thặng dư thương mại, đã kéo được ngoại hối trở lại và làm cân bằng dòng vốn đó. Dù vậy, thặng dư thương mại năm nay chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh.

Áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau sẽ lớn hơn giai đoạn 2022 rất nhiều bởi bối cảnh gần như đã thay đổi. 

Khi xuất khẩu gặp khó, chúng ta có xu hướng giảm nhập khẩu và sử dụng hàng tồn kho trong nước để sản xuất. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất trở lại, nhập khẩu cũng sẽ phục hồi. Khi đó, thặng dư thương mại không còn tích cực như hiện tại. Sợi dây lớn nhất để giữ tỷ giá ổn định không còn chắc chắn như trước.

Tỷ giá cũng là vấn đề khiến NHNN phải cân nhắc trong quá trình duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Dự báo quý IV có một số biến số cần quan tâm. Về tỷ giá, lạm phát của Mỹ tiệm cận 4%. Cùng với sức khỏe nền kinh tế Mỹ thì nhiều khả năng Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ nền lãi suất ở mức cao. Đến giữa tháng 6/2024, chính sách tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng mới đảo chiều. Như vậy, chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, tạo áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau.

Thứ hai, lạm phát trong nước sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024. Lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng trưởng rất nhanh và 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ. Theo ước tính của tôi, chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể lên tới mốc 115 trong trạng thái giá dầu như hiện tại. Nếu giá dầu căng thẳng hơn nữa, câu chuyện sẽ còn tiêu cực hơn.

 

Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, lạm phát cuối năm dự báo ở mức 3,46%, đạt mục tiêu của Chính phủ. Nhưng ngay tháng 1, tháng 2 năm sau, với cách tính của Việt Nam, lạm phát có thể vọt lên 4,6%, 4,7% - vượt xa con số trung bình các năm trước. Như vậy, tỷ giá và lạm phát sẽ là các yếu tố khiến NHNN khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023.

Năm 2024, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ không tốt như năm 2023. Tại Việt Nam các doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn tín dụng từ ngân hàng, nhất là khi các thị trường khác đều đang gặp khó.

Với một nhà đầu tư, muốn nhìn được sản xuất phục hồi cần quan sát câu chuyện tăng trưởng tín dụng vào giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau. Tổng kết lại, câu chuyện NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm là khó xảy ra nhưng cũng không có sự thắt chặt.

TS. Nguyễn Hữu Huân: Chúng ta đã sống trong một thế giới bất định, nhiều biến số khó dự báo. Khi các biến số này xảy ra cũng tác động ngay lập tức làm đảo chiều các dự báo trước đó. Chính vì vậy, việc điều hành của Fed hay NHNN đều rất khó đoán định. Năm 2022, NHNN phải đối mặt với biến số về tỷ giá và lạm phát, đến năm 2023 lại là câu chuyện về tăng trưởng.

Đến năm 2024 lại có khả năng quay trở lại câu chuyện về tỷ giá và lạm phát. Với các biến số bất định như vậy, NHNN luôn phải cân bằng giữa việc ổn định lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Vậy sang năm 2024, chúng ta nên ưu tiên vấn đề gì hơn?

Ông Trần Ngọc Báu: Dự báo kinh tế 2024 vẫn phục hồi tương đối chậm, do kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Dự báo triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính như EU, Mỹ vẫn tiêu cực. Vì vậy, chưa thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh đến từ khu vực tiêu dùng nước ngoài. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản - có thể cuối năm nay mới có sự phục hồi rõ nét. Nhìn tổng thể, chưa thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 bứt tốc mạnh.

Do đó nhà điều hành vẫn phải linh hoạt, duy trì chính sách cân bằng, không hẳn nới lỏng cũng không hẳn thắt chặt. Cụ thể, vẫn duy trì chính sách lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng đủ tốt nhằm hỗ trợ kinh tế. Nhưng ở thị trường 2 vẫn phải nhấc nền lãi suất liên ngân hàng lên khoảng 2-4% để hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và tỷ giá không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính sách nới lỏng.  

Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam: Phải chờ KQKD quý III để quyết định nhóm ngành có thể giải ngân

TS. Nguyễn Hữu Huân: Một khi trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên sang thị trường mới nổi thì chắc chắc dòng vốn sẽ đổ vào. Tuy nhiên, thanh khoản đang có sự đảo chiều từ mỗi phiên lên tới hàng tỷ USD xuống quanh mức 10.000 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Minh: Như chúng ta đã biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay thì VN-Index cũng như hầu hết các chỉ số chứng khoán khác đều có sự hồi phục trở lại với xu hướng tăng mạnh mẽ. Điểm cộng lớn nhất của VN-Index trong 9 tháng đầu năm vừa qua là thanh khoản.

Dù VN-Index chưa thể quay trở lại thời điểm đỉnh của năm 2021, tuy nhiên thanh khoản đã quay lại mức đỉnh. Thanh khoản trung bình trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9 ghi nhận xấp xỉ 1 tỷ USD mỗi phiên. Có thể nói giá trị giao dịch của chúng ta đang nhỉnh hơn và nằm trong top 3 thị trường chứng khoán có giá trị giao dịch tốt so với khu vực Đông Nam Á.

Có thể thấy đà tăng của thị trường thời gian vừa qua là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền gia tăng. Lãi suất giảm cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên toàn cầu khuyến khích dòng tiền quay lại hoặc gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, vài tuần gần đây, thanh khoản bắt đầu sụt giảm đáng kể, đặc biệt là sau phiên điều chỉnh mạnh ngày 18/8 và đầu tháng 9. Tôi cho rằng có 4 yếu tố chính sẽ tác động và giải thích cho lý do tại sao thanh khoản lại sụt giảm mạnh đến như vậy.

Yếu tố đầu tiên đến từ tác động bên ngoài. Nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm hoặc động thái dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất tiếp tục tăng, giá dầu tiếp tục gây áp lực lên lạm phát. Chính vì thế, USD và lợi suất trái phiếu (lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm) bắt đầu tăng trở lại. Khi mức lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xấp xỉ mức 5% thì đường cong lãi suất chuyển sang đường cong lãi suất ngược.

Trong lịch sử, những yếu tố này một trong những chỉ báo rất mạnh cho suy thoái và khủng hoảng sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tâm lý nhà đầu tư bắt đầu có những dấu hiệu chững lại và e ngại.  

Yếu tố thứ hai là tác động từ việc đồng USD và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh khiến áp lực tỷ giá trong thời gian sắp tới cũng sẽ tăng. Việc điều hành tỷ giá sẽ gặp trở ngại hơn. Do đó, khi chúng ta đang kỳ vọng rằng xuất khẩu sẽ tăng trưởng và các yếu tố về vĩ mô có thể hồi phục trở lại thì tỷ giá lại là câu chuyện cản đường đà tăng của thị trường trong thời gian vừa qua.

Yếu tố thứ ba là khi tỷ giá tăng mạnh, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị bán ròng xấp xỉ hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là lượng giá trị bán ròng khá mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, nếu so với khoảng thời gian trước đó  thì gần đây, họ cũng đã có xu hướng mua ròng. Khi USD đang có giá trị tốt hơn, về mặt quản trị danh mục thì bắt buộc nhiều tổ chức, quỹ đầu tư có khuynh hướng bán ra.

Yếu tố cuối cùng, tôi nghĩ đó là yếu tố mang tính thời vụ, khi các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III vào tháng 10 này. Trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng chi phí vốn của các doanh nghiệp có thể giảm nhờ vào việc hạ nhiệt của đồng USD, nhờ vào việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại và lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng thương mại sẽ giảm.

Đến thời điểm hiện tại, rõ ràng những kỳ vọng này đã không còn nữa. Chi phí vốn khả năng cao trong ngắn hạn khó có thể hạ được. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào một câu chuyện khác để bù đắp cho chi phí vốn cao hiện nay, đó là tăng trường lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ quay trở lại. Vậy liệu lợi nhuận có tăng trưởng trở lại hay không? Chúng ta vẫn phải chờ vào kết quả kinh doanh quý III này để quyết định nhóm ngành nào có thể phân bổ trong thời gian tới.

Do vậy, tôi nghĩ rằng nhà đầu tư bắt đầu theo dõi và shopping (mua bán - PV), lựa chọn những nhóm ngành có thể tăng trưởng trong thời gian tới. Chính vì vậy, thanh khoản thời gian gần đây đã có sự chững lại.

 

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong ngắn và trung hạn, giá dầu sẽ còn khuynh hướng đi lên

TS. Nguyễn Hữu Huân: Giá dầu trong thời gian qua đã tác động đến thị trường chứng khoán. Vậy cuộc xung đột tại Israel sẽ tác động gì đến giá dầu và gây ảnh hưởng gì đến TTCK thế giới và Việt Nam?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam: Đây là một câu hỏi có tính thời sự rất lớn.  Xung đột trong những ngày cuối tuần qua ảnh hưởng rất nhiều đến chứng khoán toàn cầu cũng như thị trường hàng hóa. Phiên ngày thứ Hai đầu tuần, giá dầu tăng khá mạnh hơn 4%, quay trở lại mức đỉnh cũ. Như vậy, với áp lực tăng của giá dầu thì ít nhiều lạm phát sẽ khá lớn.

Về quan điểm của tôi, trong ngắn và trung hạn, giá dầu sẽ còn khuynh hướng đi lên. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi vẫn kỳ vọng giá dầu sẽ sớm hạ nhiệt trở lại. Lý do là năm 2022, yếu tố giúp cho giá dầu tăng trưởng đến từ việc tiết cung của các nước lớn, ví dụ như Arab Saudi và Nga đang hạn chế lượng cung trên toàn cầu. Yếu tố này đã giúp giá dầu có một mức tăng rất mạnh.

Khi tăng trưởng của Trung Quốc gây ra sự thất vọng cho nhà đầu tư, giá dầu cũng bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Với những căng thẳng tình hình địa chính trị gần đây, tôi cho rằng sẽ là một yếu tố tác động đến tình hình diễn biến giá dầu trong ngắn hạn. Do đó, lạm phát ít nhiều cũng sẽ là một gánh nặng của thị trường và kinh tế trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, câu chuyện dài hạn hơn là tình trạng và dấu hiệu tiết cung của các nước lớn cũng đang bắt đầu đến những giai đoạn cuối cùng của chu kỳ, tức là họ đang nới lỏng nguồn cung và xuất khẩu trở lại. Tôi kỳ vọng đây là một yếu tố có thể sớm kìm hãm xu hướng tăng của giá dầu.

 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tiếp tục câu chuyện triển vọng phục hồi, năm ngoái đã có nhiều dự báo tích cực rằng triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi tốt vào quý III/2023. Tuy nhiên, hiện hầu hết dữ liệu đều cho thấy kịch bản kinh doanh không đạt như kỳ vọng. Liệu thị trường sẽ phản ứng như thế nào khi bước vào mùa kết quả kinh doanh quý III?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong ba năm trở lại đây, chứng khoán là nhóm ngành có lượng tăng vốn tốt nhất trên thị trường. Giá trị thanh khoản thị trường trong 9 tháng đầu năm nay là một cú hích đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tôi cho rằng đây là nhóm ngành duy nhất có mức tăng trưởng tốt trong 9 tháng qua. Yếu tố thứ hai liên quan đến sức ép về đầu tư khi 9 tháng qua không hoàn toàn là chu kỳ tiền rẻ. Thay vào đó, có thể gọi là chu kỳ về sức ép đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp và trong xu hướng giảm.

Bất động sản đang trong giai đoạn đóng băng và hầu hết các kênh đầu tư khác không tạo ra được độ hấp dẫn so với kênh cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.

Với bất động sản, tôi thiên hướng về câu chuyện kỳ vọng nhiều hơn. Những hành động vừa qua của Chính phủ nhằm khôi phục thanh khoản của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro lớn nhất năm 2022 là về trái phiếu, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã qua đi. Thị trường ở hiện tại ít nhất đã ở trạng thái cân bằng, không còn rủi ro xảy ra khủng hoảng đồng bộ như năm trước.

Với nhóm cổ phiếu thép, khi bước vào giai đoạn đầu chu kỳ, thông thường NĐT sẽ tìm kiếm đến những nhóm ngành có lượng tồn kho bắt đầu có khuynh hướng giảm dần. Và thép đang có những dấu hiệu này. Tôi cho rằng ba nhóm cổ phiếu trên đang giúp sức cho thị trường, đóng góp khá lớn cho thanh khoản.

Những yếu tố tác động đến chứng khoán cuối năm 2023

TS. Nguyễn Hữu Huân: Bức tranh kinh tế đầu năm và triển vọng quý IV/2023 đan xen giữa những thông tin tốt và xấu. Vậy đâu là thông tin nhà đầu tư nên quan tâm hơn về kinh tế vĩ mô và các yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm?

Ông Đào Minh Châu: Theo tôi có thể chia ra một số nhóm yếu tố sẽ tác động đến thị trường. Thứ nhất, nhà đầu tư cần quan sát các biến số vĩ mô như GDP, PMI, CPI, lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, lãi suất, xuất khẩu và các động thái của Ngân hàng Nhà nước. VN-Index thường có tương quan với lãi suất huy động. Chỉ số thường giảm trong những giai đoạn lãi suất tăng. Ngược lại, chứng khoán tăng mạnh trong những giai đoạn nới lỏng tiền tệ, điển hình như năm 2020.

Về yếu tố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, hiện chúng ta đã bước vào quý cuối năm rồi, nhà đầu tư đang dần hướng đến triển vọng của 2024. Tuy nhiên, kết quả nửa cuối 2023 cũng sẽ cung cấp cơ sở cho nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng cho năm sau. Yếu tố thứ ba là dòng tiền, đặc biệt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.

 

Theo thống kê của SSI Research, nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng khoảng 19.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023 (cao hơn so với mức bán ròng 16.000 đồng tỷ trong cả năm 2022) và chiếm khoảng 85% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Yếu tố này góp phần đáng kể cho đà tăng trưởng khoảng 20% từ đầu năm của thị trường đến đỉnh vào giữa tháng 9.

Trong những tháng gần đây, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản khá cao, thậm chí cao hơn cả giai đoạn COVID-19. Thông thường nhà đầu tư cá nhân có sự xoay vòng dòng tiền nhanh hơn so với nhà đầu tư tổ chức.

 

Một yếu tố nữa là diễn biến thị trường chứng khoán thế giới. VN-Index đã có mức điều chỉnh khoảng 12% từ đỉnh, chứng khoán Mỹ cũng có nhịp điều chỉnh khoảng 8%. Quan sát trong quá khứ, chỉ số chứng khoán giữa hai thị trường cũng có những sự đồng pha. Yếu tố cuối cùng là khả năng hạng thị trường và triển khai hệ thống KRX trong thời gian tới cũng hỗ trợ thị trường.

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tiếp tục câu chuyện triển vọng phục hồi, năm ngoái đã có nhiều dự báo tích cực rằng triển vọng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi tốt vào quý III/2023. Tuy nhiên, hiện hầu hết dữ liệu đều cho thấy kịch bản kinh doanh không đạt như kỳ vọng. Liệu thị trường sẽ phản ứng như thế nào khi bước vào mùa kết quả kinh doanh quý III?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong ba năm trở lại đây, chứng khoán là nhóm ngành có lượng tăng vốn tốt nhất trên thị trường. Giá trị thanh khoản thị trường trong 9 tháng đầu năm nay là một cú hích đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tôi cho rằng đây là nhóm ngành duy nhất có mức tăng trưởng tốt trong 9 tháng qua. Yếu tố thứ hai liên quan đến sức ép về đầu tư khi 9 tháng qua không hoàn toàn là chu kỳ tiền rẻ, thay vào đó có thể gọi là chu kỳ về sức ép đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp và trong xu hướng giảm.

Bất động sản đang trong giai đoạn đóng băng và hầu hết các kênh đầu tư khác không tạo ra được độ hấp dẫn so với kênh cổ phiếu, do đó khi NĐT gia nhập kênh cổ phiếu sẽ lựa chọn nhóm ngành có câu chuyện cơ bản rõ ràng nhất.

Với bất động sản, tôi thiên hướng về câu chuyện kỳ vọng nhiều hơn khi những hành động vừa qua của chính phủ trong việc giải quyết câu chuyện khôi phục thanh khoản của thị trường bất động sản trở lại, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro lớn nhất năm 2022 là rủi ro về trái phiếu, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã qua đi. Thị trường ở hiện tại ít nhất đã ở trạng thái cân bằng, không còn rủi ro xảy ra khủng hoảng đồng bộ như năm trước.

Với nhóm cổ phiếu thép, khi thị trường bước vào giai đoạn đầu chu kỳ, thông thường NĐT sẽ tìm kiếm đến những nhóm ngành có lượng tồn kho bắt đầu có khuynh hướng giảm dần, và thép đang có những dấu hiệu này. Tôi cho rằng ba nhóm cổ phiếu trên đang giúp sức cho thị trường, đóng góp khá lớn cho thanh khoản thị trường.

Nhóm ngành triển vọng phục hồi tốt nhất nửa cuối 2023: Chứng khoán, thép, dầu khí, công nghệ

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo các mô hình dự phóng của SSI thì đâu là các nhóm ngành có triển vọng phục hồi tốt nhất trong nửa cuối 2023?

Ông Đào Minh Châu: Nền kinh tế trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương nửa cuối năm nay không nhiều, bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ. Về nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường quý III tăng 50% so với trung bình năm ngoái, giúp tăng lợi nhuận từ các mảng như môi giới, cho vay.

Thứ hai là nhóm thép. Các doanh nghiệp hầu như ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong năm 2022. Trong nửa cuối năm nay, dự báo các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình nhưng cải thiện so với năm ngoái. Các công ty không còn ghi nhận trích lập hàng tồn kho lớn như 2022. Hiện giá thép cũng chỉ mới đi ngang, chưa tăng.

 

Với nhóm dầu khí, giá dầu đã phục hồi khá tốt trong nửa cuối năm nay. Trong thời gian tới, các tổ chức lớn dự báo giá dầu có thể về quanh vùng 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của Nga và OPEC+ vẫn còn. Ngoài ra, những xung đột gần đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.

Qua năm 2024, SSI Research dự báo tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 17% so với mức giảm 3% của 2023, và mức tăng trưởng sẽ đến từ nhiều nhóm ngành hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng cải thiện mạnh trong 2024 tại nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản. Dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã phản ánh một phần triển vọng phục hồi lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là mua đuổi.

Chuyên gia SSI Research: Cổ phiếu đầu tư công tăng tốt dù lợi nhuận chưa tăng tương ứng

TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua là sự kỳ vọng rất lớn của các NĐT khi đầu tư vào nhóm ngành này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này không đạt như kỳ vọng của các NĐT.

Theo ông Châu, đâu là yếu tố dẫn đến tình trạng này này và liệu câu chuyện đầu tư công có còn tiếp tục tích cực trong năm 2024 hay không?

Ông Đào Minh Châu: Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030. Chi tiêu cho hạ tầng của Việt Nam gần như cao nhất ở Đông Nam Á, chiếm trung bình khoảng 6% GDP, so với mức 3% GDP ở Indonesia, 4% ở Ấn Độ hay 5% ở Trung Quốc. Giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 đạt 363.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và đạt 51,4% kế hoạch cả năm. Tính riêng quý III tăng 43% so với cùng kỳ và tương đương hơn 20% kế hoạch.

Theo tôi, câu chuyện đầu tư công vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới khi nhiều dự án mới chỉ ở giai đoạn ban đầu như đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường vành đai quanh Hà Nội, TP HCM, sân bay Long Thành,…

Việt Nam đặt mục tiêu có khoảng hơn 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, tăng từ mức hơn 1.700 km vào giữa năm 2023. Tuy nhiên, một số điểm chúng ta nên lưu ý khi cân nhắc mua các cổ phiếu nhóm này. Các dự án đầu tư công thường mang lại biên lợi nhuận mỏng hơn kênh dân dụng. Tỷ trọng từ đầu tư công của nhiều doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng thấp hơn nhiều so với từ xây dựng dân dụng.

Một rủi ro khác là hiệu ứng pha loãng do doanh nghiệp cần tăng vốn để triển khai các dự án đầu tư công có quy mô lớn. Về diễn biến giá, từ đầu năm đến giờ, nhiều cổ phiếu có mức tăng tốt dù lợi nhuận chưa tăng tương ứng. Điều này do cổ phiếu thường có xu hướng tăng khi có các thông tin về các dự án đầu tư công trong tương lai, mặc dù những kỳ vọng đó có thể không hợp lý. Do đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm vấn đề định giá khi đầu tư nhóm cổ phiếu này.

Quý II/2024 là thời điểm phù hợp để ngành ngân hàng tăng trưởng trở lại

TS. Nguyễn Hữu Huân: Nói về triển vọng thị trường không thể không nhắc đến ngành ngân hàng, chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường. Hiện ngành này đang gặp một số vấn đề sau: BĐS suy yếu, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng thấp và câu chuyện quan trọng nhất là ngân hàng thừa tiền nhưng nền kinh tế lại thiếu.

Vậy theo ông Báu, triển vọng nào cho ngành ngân hàng trong tương lai và nhà đầu tư vào nhóm ngành này nên quan tâm các chỉ số tài chính nào nhất trong bối cảnh hiện nay?

Ông Trần Ngọc Báu: Để phân tích về triển vọng của một ngành cần lưu ý về cấu phần lợi nhuận, chi phí của ngành đó. Đối với ngành ngân hàng, lợi nhuận đến từ thu nhập lãi thuần và lãi khác và hai khoản mục chi phí chính là chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. 

Để đánh giá triển vọng ngành trong 1 - 2 năm tới, chúng ta cần lưu ý tới hai yếu tố gồm thu nhập lãi thuần, thành phần chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 80%) trong tổng thu nhập và chi phí dự phòng, phần chi phí không có sự ổn định như chi phí hoạt động, tác động nhiều tới biến động lợi nhuận các ngân hàng. 

Theo đó, một ngân hàng muốn tăng trưởng được về thu nhập lãi thuần cần cải thiện biên lãi thuần (NIM) hoặc tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong năm nay việc tăng NIM và tăng trưởng tín dụng đều khó. NIM ở trạng thái suy giảm nhẹ đặc biệt trong quý II và quý III, quý IV dự báo tiếp tục suy giảm, chưa phục hồi tốt.

Ngoài ra, để bóc tách tăng trưởng thu nhập lãi thuần, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến ba yếu tố là khả năng sinh lời bình quân, chi phí vốn bình quân và tăng trưởng tín dụng.

 

Về chi phí dự phòng, mặc dù nợ xấu tăng nhanh trong 2 - 3 năm vừa qua nhưng chi phí dự phòng lại không tăng. Việc này giúp ngân hàng có lợi nhuận tốt do không phải tăng chi phí trích lập dự phòng.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là chỉ số bao phủ nợ xấu hệ thống lại giảm khá nhanh từ mức 150% còn khoảng 100%. Do vậy, trong tương lai, bắt buộc ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng vì mức bao phủ nợ xấu từ 80 - 100% là mốc nhạy cảm của ngành ngân hàng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu tăng tương đối nhanh trong giai đoạn gần đây.

Theo dự báo của WiGroup cũng như một số tổ chức khác, phải đến quý IV thì nợ xấu mới lập đỉnh còn chi phí vốn thì có thể lập đỉnh trong quý III.

Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ phục hồi tốt hơn vào quý II/2024. Đây là thời điểm phù hợp để ngành có sự tăng trưởng trở lại về giá trị so với cùng kỳ.

Tóm lại, 4 chỉ số mà nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý ít nhất trong 4 quý tới khi đánh giá ngành ngân hàng là NIM, tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Còn nhóm ngành nào tiềm năng đang bị nhà đầu tư lãng quên hay không? Chẳng hạn các ngành bước vào pha phục hồi hay các lĩnh vực hàng hóa có tính chu kỳ?

Ông Đào Minh Châu: Chứng khoán, bất động sản, thép là ba nhóm có thanh khoản cao ngoại trừ ngân hàng. Chứng khoán là nhóm biến động sát với chỉ số. Năm nay, đây là nhóm có yếu tố cơ bản cải thiện rõ rệt nhất nhờ thanh khoản thị trường tăng.

Với nhóm thép, giá cổ phiếu thép tăng trước giá thép hay lợi nhuận doanh nghiệp. Tôi cho rằng động thái này do hai yếu tố. Thứ nhất là nhóm thép có hệ số beta cao, cho thấy sự tương quan cổ phiếu thép với chứng khoán. Thứ hai là một số nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn hơn khi giá thép đã về đáy rồi, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục trong những năm tới.

Với bất động sản, nhóm này vẫn còn thách thức ít nhất cho đến giữa 2024. Lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn vẫn còn lớn (khoảng 200.000 - 300.000 tỷ đồng trong vài năm tới). Những con sóng nếu có sẽ không phải là những con sóng lớn với thị trường bất động sản. Cơ hội mang tính nhỏ lẻ có thể đến cho các đơn vị có quỹ đất sạch, được cấp mới.

Nhóm bất động khu công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt hơn bất động sản dân dụng. Ngoài ra, như đã đề cập, một số nhóm ngành khác cũng có kỳ tăng trưởng tốt trong 2024 như phân bón, bán lẻ hay thủy sản.

Ông Nguyễn Thế Minh: Khi thị trường đang ở giai đoạn đầu hồi phục, nhóm ngành tài chính, bất động sản thông thường là nhóm ngành có tỷ suất sinh lời cao nhất. Nếu tính trung bình trên thế giới, suất sinh lời lên tới 20%, vượt trội so với gửi ngân hàng hay mua trái phiếu. Đây cũng là nhóm chiếm thanh khoản chiếm phần lớn trên thị trường 9 tháng qua.

Với nhóm chứng khoán vẫn liên quan tới thanh khoản và đà phục hồi của thị trường gia tăng trở lại. Trong ba năm trở lại đây, nhóm chứng khoán vẫn là nhóm có lượng tăng vốn tốt nhất trên thị trường. 9 tháng đầu năm, nhìn về thanh khoản trên thị trường thì đây là một cú hích với ngành chứng khoán và là ngành duy nhất có mức tăng trưởng tốt ba quý đầu năm.

Yếu tố thứ hai là sức ép từ đầu tư trong 9 tháng qua khi lãi suất ở mức thấp, bất động sản “đóng băng” và các kênh đầu tư khác không hiệu quả. Vì vậy, khi nhà đầu tư gia nhập vào kênh chứng khoán sẽ phải lựa chọn một nhóm ngành có câu chuyện cơ bản nhất và chứng khoán có thể là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư hướng đến.

Với bất động sản sẽ thiên hướng về câu chuyện kỳ vọng nhiều hơn. Thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động trong việc giải quyết câu chuyện khôi phục thanh khoản của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro lớn nhất năm 2022 là rủi ro về trái phiếu, thanh khoản của các doanh nghiệp đã qua đi. Thị trường hiện tại ít nhất đã ở trạng thái cân bằng, không còn rủi ro xảy ra khủng hoảng đồng bộ như năm trước.

Năm ngoái cả ba dòng vốn của doanh nghiệp là vốn tự có, ngân hàng và trái phiếu đều bị tắc nghẽn. Năm nay ngoài kênh ngân hàng thì hai kênh còn lại đã có dấu hiệu được khơi thông. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng thanh khoản doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng trở lại.

Ngoài ra, khi thị trường bước vào giai đoạn đầu chu kỳ, NĐT thường sẽ tìm kiếm đến những nhóm ngành với lượng tồn kho bắt đầu có xu hướng giảm dần theo diễn biến giá và ngành thép đang có những dấu hiệu này.

Tôi cho rằng 3 nhóm cổ phiếu trên đang giúp sức cho thị trường, đóng góp khá lớn cho thanh khoản thị trường. Hiện thị trường đang thiếu vắng câu chuyện của cổ phiếu ngân hàng, tôi nhận định năm nay và nửa năm 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn với ngành ngân hàng khi hầu hết nhóm này phụ thuộc vào thu nhập ngoài lãi.

Một số nhóm ngành bị lãng quên khác có thể nhà đầu tư cần chú ý trong ngắn hạn là nhóm hoá chất, vận tải, dầu khí đặc biệt là nhóm dịch vụ dầu khí.

Xu hướng chứng khoán năm 2024 là tăng

TS. Nguyễn Hữu Huân: Nền kinh tế hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt sau sự kiện nâng cấp quan hệ lên hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ vừa qua. Nếu có một nhận định ngắn về xu thế thị trường chứng khoán năm 2024, thì đó là gì?

Với các nhóm ngành có cơ hội đã nói ở trên, theo quan điểm cá nhân, thời điểm nào giải ngân phù hợp? Phân bổ nguồn vốn ra sao?

Ông Nguyễn Thế Minh: Xu hướng chính về TTCK cả năm 2024 sẽ tăng. Tuy nhiên, đó sẽ là hai bức tranh khá trái chiều giữa đầu năm và cuối năm.

Trong nửa đầu năm, thị trường sẽ phải đối mặt thêm với các yếu tố khá rủi ro, đặc biệt là biến số về suy thoái và khủng hoảng vẫn chưa đi qua. Mặc dù thị trường không không tích cực nhưng vẫn có những nhóm ngành đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Dầu khí và công nghệ vẫn là những nhóm ngành giúp nhà đầu tư thực hiện chiến lược phòng thủ và có thể là tăng trưởng.

Khi đã bước qua chu kỳ rủi ro, suy thoái đi qua, nửa cuối năm là giai đoạn giữa chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Đây là giai đoạn dễ dàng để đầu tư, càng mở rộng danh mục càng có hiệu quả.

NĐT hiện nay ít quan tâm đến các quỹ nhưng theo tôi nên bắt đầu có suy nghĩ đầu tư vào các quỹ ETF (quỹ hoán đổi chỉ số - PV). Giống như Warren Buffet thường xuyên khuyên các NĐT rằng nên đầu tư vào các chứng chỉ ETF bởi nó giúp chúng ta đầu tư theo thị trường. Thứ hai là chi phí quản lý thấp hơn, từ đó mang lại hiệu suất tốt hơn cho NĐT. Đặc biệt với các NĐT không chuyên càng nên sử dụng dịch vụ này.

Ông Trần Ngọc Báu: Theo tôi, câu chuyện triển vọng của thị trường vào cuối năm nay và năm 2024 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng về lãi suất (chi phí vốn) và câu chuyện phục hồi về lợi nhuận. Nếu như nhìn vào có thể thấy xu hướng giảm lãi suất đã đi đến giai đoạn cuối và gần như không thể giảm hơn. Do đó, TTCK nên được phải phụ thuộc vào câu chuyện của lợi nhuận.

Nhìn vào quý IV, các doanh nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng bởi vì quý IV năm ngoái, khu vực sản xuất và thương mại chịu ảnh hưởng rất nặng nề nên lợi nhuận rất thấp. Tuy nhiên, trong quý I và quý II năm sau, lợi nhuận sẽ về mức bình thường. Khi đó thị trường có thể điều chỉnh.

Đến quý III, quý IV/2024, yếu tố lợi nhuận sẽ hỗ trợ thị trường tốt hơn. Do đó, nếu xét về tổng thể, tôi đồng quan điểm với anh Minh. Đó là từ đầu năm đến giữa năm, bối cảnh chung sẽ là giảm. Tổng thể cả năm, nếu xét từ yếu tố chi phí vốn và lợi nhuận kinh doanh sẽ ủng hộ TTCK tăng nhưng không tăng mạnh.

Tài sản muốn tăng thì tiền phải ở trong trạng thái dư thừa, càng dư thừa thì giá trị tài sản càng tăng. Năm 2024 dự kiến sẽ là năm có chính sách tiền tệ trung lập nên chúng ta không nên kỳ vọng được một thị trường thực sự khả quan mà sẽ là một trạng thái tăng nhẹ.

Ông Đào Minh Châu: Tôi đồng quan điểm TTCK năm sau kỳ vọng sẽ tăng. Tuy vậy, có thể mức tăng của chỉ số chung sẽ không cao như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, theo dự báo của SSI là 17%. Điều này do nhóm các cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, họ Vingroup chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa thị trường.

Bên cạnh đó, một số yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX, giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường. Với việc khó có dư địa để lãi suất giảm hơn nữa, việc dòng tiền từ nhà đầu tư mới tham gia sẽ chững lại một chút.

Tôi cho rằng, việc chưa có đảo ngược chính sách, chứng khoán vẫn là kênh thu hút dòng tiền hơn bất động sản hay trái phiếu. Do vậy, dù lượng tiền mới có thể không mạnh như năm nay nhưng vẫn còn. Đồng thời, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam cũng sẽ thu hút thêm lượng tiền từ nhà đầu tư ngoại.

Ban Biên Tập

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).