Nhà đầu tư cần biết: Liệu chứng chỉ lưu ký là lời giải cho bài toán kênh đầu tư mới?
Nhà đầu tư cần biết: Để chứng khoán không là 'trò cờ bạc', cắt lỗ như thế nào cho đúng? |
Khái niệm về chứng chỉ lưu ký
Chứng chỉ lưu ký (depositary receipts - DR) là một loại chứng khoán được giao dịch ở thị trường chứng khoán nội địa, nhưng lại lại diện cho quyền sở hữu chứng khoán nước ngoài. DR thường được một tổ chức nội địa có năng lực tài chính mạnh (thường là ngân hàng, hoặc công ty chứng khoán) phát hành, thông qua việc mua và lưu ký chứng khoán nước ngoài (chứng khoán cơ sở) tại một ngân hàng lưu ký cũng ở quốc gia mà chứng khoán lưu ký đang giao dịch.
Nói cách khác, chứng chỉ lưu ký giúp nhà đầu tư trong nước có thể đầu tư vào các doanh nghiệp và chứng khoán nước ngoài mà không cần phải mở tài khoản đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không gặp vấn đề về luân chuyển tiền tệ, do việc giao dịch được thực hiện tại nội địa, và sử dụng đồng nội tệ.
Chứng chỉ lưu ký có gì khác với ETF
Nguồn: Biên An Toàn |
Khác với ETF, nhà đầu tư sở hữu DR có quyền cổ đông đối với cổ phiếu DR. Điều này tạo năng lực đầu tư thực sự cho nhà đầu tư. Việc có quyền cổ đông sẽ giúp nhà đầu tư có những quyền biểu quyết trong các sự kiện của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư có thêm quyền kiểm soát với doanh nghiệp.
DR giúp nhà đầu tư tập trung giao dịch trên một thị trường. Khi muốn mua bán chứng chỉ quỹ ETF, ví dụ VNM US (Quỹ VanEck Vector Vietnam ETF), NĐT phải mở tài khoản giao dịch tại sở chứng khoán Mỹ, nếu muốn mua XFVT SP (Quỹ DB x-tracker FTSE Vietnam ETF) thì phải mở tài khoản giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán Singapore, hoặc E1VFVN30 VN (Quỹ E1VFVN30 của VFM) thì phải mở tài khoản giao dịch Việt Nam… Trong khi đối với DR, nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản giao dịch nội địa và mua bán DR của VNM US, XFVT SP, E1VFVN30 VN ngay tại nội địa mà không cần phải mở tài khoản ở từng quốc gia.
DR giúp nhà đầu tư tập trung nguồn vốn của mình vào các khoản đầu tư. Thông thường, các tổ chức chỉ phát hành DR cho một cổ phiếu cơ sở, thay vì một rổ cổ phiếu như ETF. Điều này giúp NĐT có thể tự kiểm soát danh mục của mình bằng cách cơ cấu tỷ trọng DR theo ý muốn, thay vì phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định như khi đầu tư vào ETF.
Tháng 3/2011, hơn 24,3 triệu chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDRs) của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) đã được niêm yết và chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán London. Tuy nhiên, tháng 10/2018, Hội đồng Quản trị của HAGL thông qua việc hủy niêm yết chứng chỉ lưu ký này từ ngày 9/11. Lý do được HAGL đưa ra là công ty không còn nhu cầu giao dịch do số lượng chứng chỉ lưu ký quá nhỏ và đã được mua lại. |
Rủi ro và cơ hội của DR
DR bao hàm rủi ro về tỷ giá. Do DR là đại diện cho chứng khoán được yết giá bằng đồng ngoại tệ ở nước ngoài, trong khi nhà đầu tư lại mua bán DR bằng nội tệ nên khi tỷ giá biến động, dù giá của chứng khoán cơ sở không thay đổi thì giá của DR vẫn sẽ biến động.
DR giúp luồng vốn quốc tế được khơi thông đối với các thị trường EM (emerging markets - mới nổi) và FM (frontier markets - cận biên). Thủ tục đầu tư phức tạp và các chính sách quản lý chặt chẽ của chính quyền tại các quốc gia EM và FM khiến NĐT nước ngoài gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư và luân chuyển dòng tiền khi cơ cấu tài sản. Thông qua DR, NĐT nước ngoài có một phương tiện hiệu quả hơn, tốn ít chi phí hơn để đạt được mục đích phân bổ tài sản của mình.
Độ rộng lớn của thị trường DR
Theo thống kê của Deutsche Bank, cuối năm 2017, đang có hơn 3.200 DR được giao dịch trên thế giới và 1.100 tỉ USD đầu tư vào DR. Thanh khoản giao dịch của DR trong năm 2017 đạt 3.300 tỉ USD. Những con số ấn tượng này cho thấy DR là một sản phẩm phổ biến, đáp ứng được nhu cầu linh hoạt của nhà đầu tư.
Khoảng một nửa giá trị giao dịch tập trung vào những DR phát hành cho chứng khoán ở châu Á, cho thấy sức hút của thị trường này rất lớn.
Nguồn: Deutsche Bank |
DR là một phương tiện được nhà đầu tư tổ chức ưa thích, với 96% chủ sở hữu của DR là các quỹ đầu tư.
Nguồn: Deutsche Bank |
Một phân tích của Deutsche Bank cho thấy, các nhà đầu tư thường sử dụng DR để đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị, điều này giải thích được sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với thị trường châu Á.
Nguồn: Deutsche Bank |
Bualuang Securities (Thái Lan) phát hành DR cho chứng chỉ quỹ E1VFVN30
Theo trang tin Bangkok Post, Bualuang Securities dự tính dự kiến phát hành lượng DR cho chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị huy động 5 tỉ Baht (151,5 triệu USD) và niêm yết DR này tại sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET).
Hiện nay vốn hóa thị trường Thái Lan đang là 500 tỉ USD, với thanh khoản giao dịch bình quân hơn 1,5 tỉ USD/ngày, lớn hơn rất nhiều lần so với vốn hóa của Việt Nam là 127 tỉ USD và thanh khoản chỉ đạt 193 triệu USD/ngày.
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển to lớn, nên việc nhà đầu tư chủ động đẩy dòng tiền vào Việt Nam là điều có thể dự báo trước. Thông qua DR, dòng vốn này sẽ được khơi thông, tạo dòng chảy từ thị trường đã khá phát triển là Thái Lan về Việt Nam để tìm những cơ hội đầu tư tăng trưởng và giá trị.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/