Không phải lãi suất hay các công nghệ mới, địa chính trị mới là nỗi lo lớn nhất của các CEO toàn cầu
Thời khắc nguy hiểm
CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản, gần đây cảnh báo: “Bây giờ có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga gọi đây là “ngã rẽ nguy hiểm” đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông Larry Fink, CEO công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, hình dung rằng thế giới tương lai “sẽ có ít hy vọng và nhiều nỗi sợ”.
Điều khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tài chính và chính phủ lo lắng có thể được gói gọn trong ba từ: địa chính trị. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, phương Tây đã trải qua 75 năm tương đối yên bình với sự vượt trội của Mỹ về kinh tế, quân sự và văn hóa.
Song, kỷ nguyên hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) đã kết thúc, Bloomberg viết. Trật tự thế giới đã trở nên đa cực, các nước cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành lấy tầm ảnh hưởng về thương mại, công nghệ và lãnh thổ.
Ông Mark Wiseman, Chủ tịch quỹ lương hưu trị giá 115 tỷ USD của tập đoàn Alberta, nói thế giới đang đối mặt với “một mô hình mới với những kết quả khó lường”.
Thế giới không chỉ chứng kiến các cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và Trung Đông, mà còn cả các cuộc nội chiến và đảo chính ở hàng chục quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
Biến đổi khí hậu và nguy cơ về các đại dịch tiếp theo cũng có thể khiến thế giới phải trả giá đắt. Cộng với đó là lạm phát dai dẳng, tiềm năng đáng sợ của trí tuệ nhân tạo và bế tắc chính trị ở Washington.
Ông Wiseman nhận xét: “Môi trường đầu tư ngày nay phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.
Vô vàn ẩn số
Dù chiến sự đang diễn ra ở Đông Âu và Trung Đông, tờ Bloomberg cho biết phần lớn các cuộc tranh luận trong giới tài chính vẫn chỉ xoay quanh chủ đề về lạm phát và chính sách tiền tệ. Có lẽ đó là vì con người cảm thấy thoải mái với những gì mình có thể dự đoán được.
Điều khiến rủi ro địa chính trị trở nên đáng ngại là nó không tuân theo bất kỳ mô hình nào. Rủi ro địa chính trị là hỗn hợp của những điều mà nhiều người đã biết - ví dụ như sự phản đối của Trung Quốc với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, các ẩn số đã biết - như thời gian và địa điểm Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, và tệ hơn cả là các ẩn số không ai biết. Do đó, khi nói về địa chính trị, các khả năng là vô tận.
Intel, Mastercard, Porsche và Japan Tobacco nằm trong số các công ty chỉ ra rằng địa chính trị là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý III hoặc làm suy yếu niềm tin của họ vào tương lai.
Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và Centerview Partners đang thuê thêm chuyên gia hoặc thành lập các công ty con để tư vấn cho khách hàng về các rủi ro và cơ hội địa chính trị. Nhưng cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7/10 đã thể hiện rất rõ rằng không ai có thể đoán trước cú sốc tiếp theo.
Ngoài các tay chơi lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nga thì Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, các quốc gia Vịnh Ba Tư bao gồm Arab Saudi, UAE và Qatar đều nắm quyền kiểm soát đáng kể về quân sự, kinh tế, năng lượng và tài nguyên môi trường quan trọng. Chẳng bao lâu sau, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử sẽ lại khiến cán cân quyền lực thay đổi.
Trong một cuộc khảo sát của KPMG, các CEO đã xếp hạng “sự bất ổn về địa chính trị và chính trị” là rủi ro số một đối với tăng trưởng kinh tế trong ba năm tới, vượt qua cả lãi suất, công nghệ mang tính đột phá và các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Còn trong năm 2022, “bất ổn địa chính trị” chỉ được xếp ở vị trí thứ 7.