|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không cạnh tranh được TMĐT, bán lẻ truyền thống tại Trung Quốc chật vật tìm đường sống

17:50 | 21/12/2021
Chia sẻ
Khi thương mại điện tử bùng nổ, các nhà điều hành bán lẻ truyền thống nổi tiếng tại Trung Quốc như Walmart, Suning hay Carrefour buộc phải đóng nhiều cửa hàng vì không thể cạnh tranh.

Những doanh nghiệp bán lẻ truyền thống tại Trung Quốc đang vật lộn để tồn tại khi nền công nghiệp thương mại điện tử bùng nổ, qua đó dẫn đến làn sóng đóng cửa các cửa hàng, siêu thị, làm thay đổi hoàn toàn thị trường bán lẻ nước này, theo South China Morning Post.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị lớn tại Trung Quốc giảm trung bình khoảng 7% mỗi năm, hoàn toàn trái ngược so với mức tăng trưởng 24% mỗi năm trên thị trường mua sắm trực tuyến, theo một nghiên cứu chung về hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co và công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.

Jason Yu, Tổng giám đốc công ty nghiên cứu Kantar có trụ sở tại Anh cho biết: "Việc các cửa hàng và siêu thị đóng cửa trong vài năm qua đã trở thành một xu hướng. Họ buộc phải điều chỉnh chiến lược một cách "đau đớn". Một số cửa hàng đã phải chuyển đến các khu vực ngoại ô hoặc cắt giảm quy mô để tồn tại khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trước và sau đại dịch đã thay đổi".

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các cửa hàng bán lẻ truyền thống như siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi,… đang đánh mất thị phần vào tay các nền tảng thương mại điện tử, khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc đặt hàng trực tuyến tất cả các sản phẩm, từ rau quả, nước giải khát đến mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Trung Quốc chật vật 'tìm đường sống' - Ảnh 1.

Số lượng người đi mua sắm trực tiếp tại siêu thị ngày càng giảm khi hình thức mua sắm trực tuyến lên ngôi. (Ảnh: Bloomberg).

Đại dịch COVID-19 chỉ đẩy nhanh quá trình "số hóa lối sống" 

Báo cáo cho biết các công ty thương mại điện tử hiện chiếm hơn 30% thị trường FMCG của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức chưa tới 10% cuối những năm 2010. Ngược lại, các siêu thị và đại siêu thị, những thứ từng gây kinh ngạc và là niềm tự hào của các doanh nghiệp trong quá khứ, đã chứng kiến thị phần giảm xuống chỉ còn 15,7% trong năm nay.

Các nhà phân tích dự đoán thị phần của các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi người tiêu dùng quen dần với các ứng dụng mua sắm online. Những cửa hàng này sẽ còn chật vật để tồn tại nếu không nhanh chóng tìm ra biện pháp khắc phục hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ Walmart, nhà điều hành đại siêu thị đầu tiên từ nước ngoài vào Trung Quốc hơn 25 năm trước, đã chứng kiến hoạt động bị thu hẹp tại thị trường tỷ dân. Từ năm 2016 đến năm 2020, Walmart đã đóng cửa hơn 80 cửa hàng. Tính đến cuối tháng 9, gã khổng lồ này chỉ còn 34 cửa hàng hoạt động trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà bán lẻ nổi tiếng của Pháp Carrefour đã rút lui khỏi Trung Quốc vào năm 2019, bán 80% cổ phần cho ông lớn ngành thương mại điện tử Trung Quốc Suning.com với giá 4,8 tỷ nhân dân tệ (753 triệu USD). Chính Suning cũng phải đóng cửa ít nhất ba đại siêu thị ở Hàng Châu, Hạ Môn và Đông Quan vào tháng trước.

Ngược lại, một ông lớn trong ngành thương mại điện tử khác Alibaba Group Holding đã thành công với tư cách là một nhà bán lẻ đa kênh. Chiến lược đa kênh liên quan đến sự hiện diện trên mọi mắt xích của chuỗi kinh doanh, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tích hợp đầy đủ thông qua các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến, qua đó giúp ông lớn này vẫn có thể trụ vững trên thị trường.

Tháng 10/2020, Alibaba đã trả 3,6 tỷ USD để thâu tóm quyền kiểm soát Tập đoàn bán lẻ Sun Art, nhà điều hành đại siêu thị lớn nhất Trung Quốc từ gia đình Mulliez của Pháp, qua đó tăng cường nỗ lực tích hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, gã khổng lồ Alibaba đã chiếm tới 49% mức tăng trưởng doanh số FMCG được ghi nhận bởi các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, theo nghiên cứu của Bain & Co. Năm nay, Alibaba cũng chứng kiến mức tăng trưởng 35% trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bruno Lannes, một đối tác của Bain & Co ở Thượng Hải cho biết khả năng tiếp cận người dùng, sử dụng đa kênh và các công cụ kỹ thuật số sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của một thương hiệu tiêu dùng tại thị trường tỷ dân.

Tuy nhiên, rất nhiều rủi ro khác nhau, bao gồm cả đại dịch COVID-19 hay sự suy thoái kinh tế thế giới cũng có thể trở thành những yếu tố cản trở đà phục hồi, gây áp lực lên các cửa hàng bán lẻ truyền thống Trung Quốc. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 11 đạt 4.100 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Quốc Anh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.