Khoản lỗ của WeWork Việt Nam có nằm trong chiến lược thoái vốn khỏi các dự án lỗ của công ty mẹ?
WeWork dần rút khỏi Trung Quốc vì áp lực cạnh tranh
4 năm sau khi gia nhập thị trường Trung Quốc, WeWork đã quyết định rút lui khỏi thị trường đông dân nhất thế giới.
World Street Journal đưa tin chuỗi văn phòng chia sẻ tại Trung Quốc của WeWork đã bị thâu tóm bởi Trustbridge Partners, công ty tại Thượng Hải và từng đầu tư vòng Series B vào WeWork. Trustbridge Partners đầu tư 200 triệu USD ở vòng này, chiếm phần lớn cổ phần tại WeWork Trung Quốc.
Khoản đầu tư đánh dấu việc chuyển đổi của WeWork Trung Quốc, từ một chi nhánh của công ty mẹ bên Mỹ, thành một công ty của Trung Quốc gần tương tự hình thức nhượng quyền (WeWork nằm thiểu số cổ phần).
Phát ngôn viên của công ty cho biết WeWork Trung Quốc vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ tới thương hiệu trên toàn cầu, đảm bảo tính nhất quán, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Trung Quốc là một thị trường béo bở với WeWork vào năm 2016. Từ đó tới nay, thương hiệu văn phòng chia sẻ Mỹ đã mở hơn 100 điểm làm việc tại đây, bao gồm việc mua lại hàng chục cơ sở từ đối thủ trực tiếp Naked Hub. Theo thống kê của công ty, WeWork Trung Quốc hiện có 65.000 hội viên.
Trên toàn cầu, thương hiệu WeWork có 612.000 hội viên hoạt động trên 843 cơ sở. Thị trường Trung Quốc chiếm 1/8 số văn phòng của công ty mẹ, giảm so với 1/6 ở thời điểm cách đây 2 năm.
WeWork Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với những thách thức từ đối thủ cạnh tranh, mà còn gặp khó khăn khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra.
Đại diện WeWork Trung Quốc tiết lộ sẽ có một cuộc cải tổ lớn sau thương vụ thâu tóm 200 triệu USD. Michael Jiang, một đối tác điều hành tại Trustbridge Partners sẽ là quyền giám đốc tại WeWork Trung Quốc. Ông Jiang từng là CEO từng là phó chủ tịch cấp cao tại Meituan, ứng dụng giao hàng lớn tại Trung Quốc.
Hoạt động kinh doanh của WeWork tại Việt Nam
WeWork thành lập tư cách pháp nhân tại Việt Nam điều hành văn phòng chia sẻ vào tháng 4/2018. Tuy nhiên phải đến đầu năm 2019 , WeWork mới "khai trương" văn phòng đầu tiên tại Việt Nam tại TP HCM.
Đầu năm 2019, WeWork ở đỉnh cao khi được SoftBank rót vốn đầu tư với mức định giá 47 tỉ USD, nhưng trong cùng năm, kế hoạch IPO của kì lân Mỹ phải hoãn lại khi kì vọng của các nhà đầu tư giảm sút. Từ đó, WeWork rơi vào khủng hoảng và mức định giá liên tục giảm sâu.
Dẫu vậy, tới cuối năm 2019, WeWork Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm 2 cơ sở khác cũng tại TP HCM. Tới thời điểm hiện tại, số cơ sở dừng lại ở con số 3. Đây là một con số không cao so với những đối thủ cạnh tranh khác như Dreamplex, Cogo, TikTak hay Toong.
Hiện tại, thị trường văn phòng chia sẻ tại Việt Nam tương đối phân mảnh, và chưa thật sự có một chuỗi nào vượt lên hơn hẳn so với các đối thủ. Đương nhiên WeWork không phải là một ngoại lệ.
WeWork Việt Nam đã đạt đà tăng trưởng tốt về mặt doanh thu. Trong năm 2019 với chỉ 3 cơ sở, WeWork đã tạo ra doanh thu thuần 57,6 tỉ đồng, cao hơn so với các đối thủ như Dreamplex (5 cơ sở, doanh thu thuần 44 tỉ đồng); Toong (6 cơ sở, 39,9 tỉ đồng) và Cogo (37,7 tỉ đồng).
Dẫu vậy, do vào thị trường Việt Nam khá muộn so với các đối thủ cạnh tranh, việc tạo ra doanh thu cao không đảm bảo cho việc WeWork tạo ra lợi nhuận (trên thực tế We Company, công ty mẹ của WeWork cũng vẫn đang lỗ).
So với các đối thủ, lợi nhuận gộp (phần lợi nhuận sau khi trừ chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán sản phẩm, hoặc chi phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ) của WeWork đang âm khá sâu sau năm đầu tiên chính thức vận hành.
Kể từ khi SoftBank thâu tóm We Company và đưa người của họ lên nắm giữ các vị trí điều hành, WeWork đã liên tục thoái vốn khỏi các dự án không hiệu quả, hoặc không trực tiếp sinh ra lợi nhuận.
Chủ tịch WeWork hiện tại là ông Marcelo Claure tuyên bố công ty sẽ có lãi vào năm 2021. Và để làm được điều này, công ty có kế hoạch chi tiết về việc sẽ rút lui ở một số dự án. Việc nhượng lại thị trường Trung Quốc có lẽ cũng nằm trong chiến lược.
Tại Việt Nam, các văn phòng của WeWork đã chịu phần nào tổn thất khi không được phép hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội, trực tiếp tác động đến doanh thu.
Đầu năm nay, ông Turochas Christeve Fuad, giám đốc phụ trách thị trường Đông Nam Á của WeWork đã rời công ty để theo đuổi con đường riêng. Theo công bố đăng kí kinh doanh của WeWork Việt Nam, ông Fuad cũng rời ban điều hành doanh nghiệp vào tháng 8.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/