Kế hoạch có lãi của WeWork có cơ sở để trở thành hiện thực
Đầu tháng 7, chủ tịch WeWork, ông Marcelo Claure đã tuyên bố công ty sẽ có lãi trong năm 2021. Đây là một thông tin tương đối bất ngờ sau những cú sốc liên tục xảy ra với công ty văn phòng chia sẻ.
Tuy nhiên khi nhìn lại, đây không phải là một tuyên bố vô căn cứ. Kể từ khi CEO Neumann rời công ty và thay thế bằng những đại diện của SoftBank, WeWork đã có những tín hiệu tích cực nhất định.
WeWork nhanh chóng thoái vốn khỏi các công ty, dự án hiệu quả kém. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thanh lọc nhân sự để phục vụ mảng kinh doanh cốt lõi. Vài tháng qua, WeWork đã nói lời chia tay tới 8.000 nhân viên, một con số cực lớn.
Dịch COVID-19 tưởng chừng sẽ khiến những doanh nghiệp kiểu WeWork khó khăn nhưng trong những khó khăn ấy lại ánh lên hi vọng. Với việc các nước trên thế giới đang dần nới lỏng chính sách phong tỏa/bán phong tỏa, nhiều người lao động đã được phép đi làm trở lại.
Tuy nhiên, nhiều công ty hiện vẫn sử dụng chính sách cho phép nhân viên làm việc từ xa (như Twitter là một ví dụ). Do đó, các văn phòng chia sẻ là một lựa chọn ổn đối với những người không muốn tới công ty làm việc.
Mô hình kinh doanh của WeWork khá rủi ro, bởi họ sẽ phải kí hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn, và cho khách hàng thuê lại với mức giá bán lẻ. Tuy nhiên, nếu kiểm soát rủi ro tốt và có đủ nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn (giai đoạn nhiều quốc gia ra lệnh phong tỏa và giãn cách), công ty vẫn có thể sống ổn nhờ mô hình kinh doanh của mình.
Trên thị trường, WeWork vẫn là cái tên lớn nhất so với các đối thủ, ít nhất về danh tiếng. Các đối thủ đáng chú ý trong ngành khác của WeWork phải kể đến Space hay Knotel, tuy nhiên qui mô của những đối thủ này vẫn chưa thể sánh ngang WeWork.
Knotel, mới đây đã lên kế hoạch gọi vốn 100 triệu USD để đua với WeWork. Ở lần gần nhất nhận đầu tư, Knotel được định giá 1,6 tỉ USD. Trả lời phỏng vấn Forbes, CEO Amol Sarva tuyên bố công ty đang ở rất gần việc có lãi, bất chấp tình hình doanh thu sụt giảm trong quí II.
Dẫu vậy, dù có gọi vốn thành công thì cả về mặt định giá lẫn độ phủ, Knotel vẫn kém WeWork (từng được định giá 47 tỉ USD, sau khi IPO bất thành vẫn được định giá 10 tỉ USD).
Theo lẽ thường, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các thương hiệu có độ phủ lớn thay vì các văn phòng chia sẻ qui mô nhỏ, bởi cùng với thẻ thành viên, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Rõ ràng dịch COVID-19 không những không giết chết WeWork mà còn đặt công ty vào một vị thế tương đối thuận lợi. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều khi làm việc qua Zoom chính là việc nhiều người ngại bật camera khi làm việc tại nhà là khung cảnh đằng sau thường thiếu chuyên nghiệp. Chính vì thế, văn phòng chia sẻ là một lựa chọn rất ổn.
Việc IPO bất thành vào năm ngoái của WeWork phần lớn đến từ nguyên nhân công ty định giá quá cao so với giá trị thực tế. Niềm tin của các nhà đầu tư giảm sút nghiêm trọng sau khi chứng kiến tình hình quản trị tệ hại của cựu CEO Adam Neumann. Tuy nhiên nếu bỏ qua phần định giá, WeWork vẫn sở hữu một mô hình kinh doanh ổn.
Hậu COVID-19, những công ty kinh doanh văn phòng chia sẻ sẽ có cơ hội để phát triển nhanh nếu có đủ tiềm lực vượt qua thời gian khó khăn này. Dường như WeWork đang chứng minh mình là một trong số đó. Với độ phủ toàn cầu, WeWork đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa tuyên bố "có lãi" của chủ tịch Marcelo Claure.