|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kết hợp hoa với đồ thủ công mỹ nghệ lỗi: Chiến lược kinh doanh giúp bà chủ điện hoa tạo sự khác biệt và bứt phá

17:21 | 03/06/2019
Chia sẻ
Biến những sản phẩm thủ công nghệ mỹ nghệ lỗi thành vật liệu để tạo nên những tác phẩm hoa giàu tính nghệ thuật là chiến lược kinh doanh giúp công ty điện hoa thoát khỏi cơn bĩ cực và tăng doanh thu ngoạn mục.

Đầu năm 2004, Công ty TNHH Điện hoa Toàn cầu Việt Pháp (VPFlower) của chị Ngô Thị Hồng An gia nhập Hiệp hội Hoa thế giới, trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội là thành viên của họ. Nhưng vài năm sau hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ điện hoa ra đời, rồi tác động của khủng hoảng kinh tế vào năm 2012 khiến doanh nghiệp giảm chi phí cho các dịch vụ thuê ngoài, bao gồm cả điện hoa. Vì số lượng đối thủ tăng vọt, sự cạnh tranh về giá trở nên gay gắt. Thay vì chuộng hoa đẹp, có giá trị nghệ thuật như trước kia, khách hàng ưu tiên giá rẻ và số lượng lớn.

Cú xoay chuyển chóng mặt của thị trường khiến triển vọng của VPFlower trở nên ảm đạm, doanh số giảm sâu và mức lỗ tăng theo thời gian. Không chỉ giảm số lượng nhân viên, chị An còn phải bán ô tô để trang trải hoạt động kinh doanh.

"Nếu muốn tiếp tục tồn tại, VPFlower phải chuyển hướng theo nhu cầu của thị trường. Nhưng với tôi, hoa phải đẹp, có yếu tố nghệ thuật và ẩn chứa giá trị tinh thần. Tôi nên bỏ quan điểm cũ để tiếp tục kinh doanh hay đổi nghề lần nữa?", chị An tâm sự.

Lời góp ý về chiến lược kinh doanh của các doanh nhân

Ông Đào Duy Anh, giám đốc công ty quảng cáo Duy An, cho rằng, với mạng lưới phân phối rộng khắp của VPFlower, công ty có thể chấp nhận giảm giá để giữ khách hàng cũ, đồng thời thu hút thêm khách hàng mới.

Chủ tịch HĐQT công ty Anapath, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên, tư vấn rằng VPFlower nên kinh doanh hoa theo mùa. Với những loài hoa sắp hết mùa mà chưa bán được, công ty nên biến chúng thành hoa khô.

"Nếu công ty không có máy móc, thiết bị để biến hoa tươi thành hoa khô, chúng ta có thể thuê một doanh nghiệp khác làm", chị Nguyên nói.

Kết hợp hoa với đồ thủ công mỹ nghệ lỗi: Chiến lược kinh doanh giúp bà chủ điện hoa tạo sự khác biệt và bứt phá - Ảnh 1.

Mỗi bó hoa của VPFlower là một tác phẩm giàu tính nghệ thuật nhờ sự kết hợp giữa hoa và đồ thủ công mỹ nghệ. Ảnh: VPFlower.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hoàng Vũ, giám đốc công ty Eco Green, đồng ý với ý tưởng của chị Nguyên. Theo chị, đó là chiến lược kinh doanh để vừa tăng doanh thu, vừa giảm lượng hoa tồn kho.

Ông Lý Đình Quốc Vũ, giám đốc công ty Ứng dụng khoa học Phương Đông, cho rằng VPFlower có thể tạo sự khác biệt bằng cách ấn định thời điểm giao hoa.

"Thay vì gửi hoa theo thời gian ngẫu nhiên, công ty có thể báo cho khách hàng thời điểm họ sẽ nhận được hoa. Đó là cách tạo ra sự khác biệt, đồng thời gây ấn tượng với khách hàng. Nếu công ty có nhiều sự khác biệt, chúng ta sẽ tránh được cuộc chiến về giá với những đối thủ có sản phẩm rẻ hơn", ông Huy nói.

Bùi Thị Chinh, giám đốc công ty Nanochem, nhận định VPFlower nên chia khách hàng mục tiêu thành nhiều nhóm rồi vạch chiến lược kinh doanh tương ứng với từng nhóm.

"Công ty vẫn nên hướng tới những khách hàng chuộng chất lượng và cái đẹp, chứ không nên chạy theo thị hiếu của số đông. Nếu doanh nhân chỉ biết chạy theo thị trường, chúng ta sẽ không thể tạo ra sự khác biệt", chị Chinh phát biểu.

Trần Thanh Vũ, giám đốc công ty cổ phần Du lịch Quốc tế Vina Group, nhận định rằng bên cạnh việc giảm những chi phí không cần thiết, chị An nên đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá hoa. 

"Nếu giá hoa đầu vào giảm, công ty có thể hạ giá dịch vụ điện hoa đối với khách hàng, tạo ra một lợi thế cạnh tranh lâu dài", anh Vũ phân tích.

Anh Võ Ngọc Minh, giám đốc công ty Kiểm toán KMF, nói rằng VPFlower vẫn phải gắn bó với phân khúc cao cấp, với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp trong nước. Vì VPFlower có lợi thế là doanh nghiệp tiên phong trong mảng điện hoa, công ty nên tận dụng sức mạnh truyền thông để quảng báo thương hiệu. Ngoài ra, để tăng mức độ gắn bó của khách hàng, công ty nên tận dụng công nghệ thông tin để triển khai các chương trình như tích điểm, giảm giá cho khách hàng thân thiết.

"Nếu muốn cạnh tranh phân khúc giá rẻ, công ty nên tạo ra một dòng sản phẩm khác, chứ không nên hạ giá dòng sản phẩm cao cấp", anh Minh bình luận.

Kết hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ lỗi với hoa

Trong lúc khó khăn chồng chất, khách hàng ưu tiên hoa rẻ để giảm chi phí, Ngô Thị Hồng An vẫn quyết tâm theo đuổi sản phẩm đẹp và giá cao. Chị nhận thấy vẫn còn nhiều khách hàng chuộng những sản phẩm chất lượng, đề cao sự tỉ mỉ và sáng tạo và sẵn sàng trả giá cao để có những sản phẩm hoa có giá trị nghệ thuật.

Kết hợp hoa với đồ thủ công mỹ nghệ lỗi: Chiến lược kinh doanh giúp bà chủ điện hoa tạo sự khác biệt và bứt phá - Ảnh 2.

Chị Ngô Thị Hồng An giúp các làng nghề bán sản phẩm lỗi bằng cách kết hợp chúng với hoa để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: VPFlower

Rà soát lại những lần thành công, chị nhớ lại lần thắng thầu trước nhiều đối thủ lớn nhờ kết hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ với hoa. Một ý tưởng lóe lên trong tâm trí. Ngay sau đó, chị tới các làng nghề sơn mài, gốm, mây tre đan ở Hà Nội để tìm các sản phẩm lỗi. 

"Sản phẩm hỏng của các xưởng thủ công mỹ nghệ lại là vật liệu độc đáo đối với tôi. Công ty vừa có thể tiêu thụ sản phẩm lỗi cho các làng nghề, lại vừa có những thứ độc đáo để kết hợp với hoa, tạo nên những sản phẩm giàu tính nghệ thuật", chị An kể.

Thay vì chạy theo thị trường, VPFlower ngược dòng, chăm chút kỹ từng sản phẩm, nghĩ ra những cách bài trí khác biệt, cập nhật những xu hướng mới nhất của thế giới để thổi hồn vào từng cành hoa.

"Số lượng của chúng tôi tăng dần, doanh số tăng trưởng tốt và chúng tôi đã khôi phục vị thế trước đây", chị An thổ lộ.

Giờ đây, sau gần 20 năm kinh doanh hoa, chị An chinh phục một tham vọng mới. Chị muốn đưa những tác phẩm hoa độc đáo vào mọi nhà, giúp mọi người thư giãn sau một ngày lao động. 

"Ở các nước phát triển, thưởng thức hoa đẹp trong nhà là thói quen phổ biến. Song ở Việt Nam, rất ít người có thể ngắm những sản phẩm hoa kỳ công trong nhà, bởi chi phí khá cao", chị nhận xét.

Mục tiêu của bà chủ VPFlower là đưa hoa vào mọi ngôi nhà với chi phí hợp lý nhất để mọi người có thể ngắm hoa. Tuy nhiên, ước mơ của chị An sẽ gặp nhiều trở ngại - từ việc thay đổi thói quen của người dân (thư giãn với hoa tươi) tới việc tìm những đối tác cung cấp hoa với giá phải chăng.

"Với bài toán mới, tôi lại đặt ra câu hỏi: Tôi sẽ làm gì tiếp theo?", nữ doanh nhân tâm sự.

Nhạc Dương