|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kể chuyện, tạo sự khác biệt, đề ra KPI về ứng xử: Những cách để thương hiệu thời trang Việt gây ấn tượng với khách hàng

07:28 | 26/05/2019
Chia sẻ
Không biết cách kể chuyện, không tạo ra sự khác biệt, không có tiêu chuẩn ứng xử với khách hàng là những yếu tố khiến nhiều thương hiệu thời trang Việt không thể để lại ấn tượng với người tiêu dùng.

Số lượng thương hiệu nước ngoài tăng dần là một trong những xu hướng chủ đạo của thị trường thời trang Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều startup thời trang cũng lần lượt ra đời. Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, còn các thương hiệu Việt phải nỗ lực hơn trong hoạt động xây dựng hình ảnh, gây ấn tượng với khách hàng.

Người bán hàng thời trang phải học cách kể chuyện

Trần Hà My, một chuyện gia về chiến lược tiếp thị ngành thời trang, nhận định điểm yếu của phần lớn thương hiệu thời trang Việt là không đầu tư và không biết cách kể câu chuyện. Theo My, mỗi một thương hiệu cần có một tính cách riêng, giống như một con người. Doanh nghiệp phải tìm cách quảng bá tính cách riêng của thương hiệu tới người tiêu dùng.

Kể chuyện, tạo sự khác biệt, đề ra KPI về ứng xử: Những cách để thương hiệu thời trang Việt gây ấn tượng với khách hàng - Ảnh 1.

Chị Trần Hà My, chuyên gia tiếp thị trong mảng thời trang. Ảnh: HTV9

"Bạn và tôi đều bán bộ đầm, nhưng tại sao khách hàng mua đầm của tôi mà không chú ý tới đầm của bạn? Vì đầm của tôi có câu chuyện, mang lại một giá trị cho khách hàng", My lập luận.

Khá nhiều thương hiệu thời trang Việt có sản phẩm sáng tạo và ấn tượng, nhưng vì không biết (hoặc coi nhẹ) cách kể chuyện bằng hình ảnh nên không thể xâm nhập vào tâm trí của khách hàng tiềm năng, My khẳng định.

Sản phẩm đẹp không bao giờ là lợi thế

Nguyễn Thị Thùy Trang – người sáng lập thương hiệu Emwear – nhận định dòng tiền nhanh chính là lợi thế của ngành thời trang. Do đó, người khởi nghiệp cần chú trọng khâu sản xuất đầu tiên. Đảm bảo yếu tố này, họ mới làm tốt khâu marketing, giá bán, khách hàng. Ngoài ra, họ cần nắm bắt thị trường, xu hướng mới trên thế giới để định hướng chiến lược trong từng giai đoạn bán hàng nhằm giảm thiểu hàng tồn kho. Đối với thương hiệu mới ra đời, những vị khách đầu tiên vừa giúp người bán quay vòng vốn, vừa đóng góp ý kiến hoàn thiện sản phẩm.

Tâm lý phụ nữ Việt thích mới lạ thay vì gắn bó với nhãn hàng nhất định. Trang cho rằng, cách duy nhất giúp cửa hàng thời trang có thêm khách mới và khiến khách cũ quay lại là liên tục ra sản phẩm mới. Bên cạnh đó, sản phẩm đẹp kèm theo dịch vụ tốt vẫn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.

"Với lĩnh vực thời trang, sản phẩm đẹp chưa chắc tiêu thụ tốt vì thị trường ngoài kia có vô vàn mẫu mã. Nét khác biệt mới là thứ giúp thương hiệu thu hút và định vị sớm trong lòng khách hàng", Trang bày tỏ quan điểm.

Kể chuyện, tạo sự khác biệt, đề ra KPI về ứng xử: Những cách để thương hiệu thời trang Việt gây ấn tượng với khách hàng - Ảnh 2.

Người sáng lập thương hiệu thời trang Emwear, chị Nguyễn Thị Thùy Trang. Ảnh: NVCC

Để sớm định vị thương hiệu trên thị trường, theo Trang, người khởi nghiệp cần nắm rõ sự khác biệt nổi trội của sản phẩm, đồng thời nhấn nhá điểm mạnh thông qua hình ảnh.

"Hình ảnh không cần quá xuất sắc, bắt mắt, nhưng phải diễn tả đúng trang phục, đánh vào tâm lý khách hàng khi tìm đến thương hiệu. Bức ảnh giúp người dùng giải đáp câu hỏi: Tôi cần gì ở sản phẩm? Khi mặc sản phẩm, ngoại hình của tôi sẽ thế nào?", Trang giải thích.

Không dựa vào giá rẻ nếu muốn đi đường dài

Tình trạng bắt chước cũng là một vấn đề đặc trưng ở thị trường Việt Nam, khiến hoạt động truyền thông càng trở nên quan trọng. Vũ Thị Kim Yến, người sáng lập thương hiệu thời trang Cocosin, thừa nhận rằng ở Việt Nam, nếu một thương hiệu có sản phẩm độc đáo và đẹp, ngay lập tức những sản phẩm tương tự của thương hiệu khác sẽ xuất hiện.

"Nếu bạn nhập hàng từ nước ngoài, đừng bao giờ hy vọng đó sẽ là hàng độc quyền, vì người khác cũng có thể nhập những mẫu quần, áo tương tự. Tôi nhận ra rằng tôi không thể nhập hàng nếu muốn đi đường dài. Tôi phải tự thiết kế, tự sản xuất", Yến thổ lộ.

Ở Việt Nam, nhiều người bắt chước kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của thương hiệu khác nhưng dùng nguyên liệu rẻ hơn để bán với giá rẻ hơn. Vì thế, nhận hàng ngoại về bán không thể là cách để thương hiệu thời trang Việt phát triển bền vững.

"Muốn có khách hàng trung thành, doanh nhân phải xác định sứ mệnh, giá trị của thương hiệu và câu chuyện mà họ muốn kể với khách hàng", chị Yến nói.

Kể chuyện, tạo sự khác biệt, đề ra KPI về ứng xử: Những cách để thương hiệu thời trang Việt gây ấn tượng với khách hàng - Ảnh 3.

Vũ Thị Kim Yến, người sáng lập thương hiệu thời trang Cocosin. Ảnh: HTV9

Nữ sáng lập Cocosin khẳng định chiến lược giá (dù rẻ hay đắt) không bao giờ là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh lâu dài. Để khách hàng tin tưởng và gắn bó, họ phải truyền thông để khách hàng hiểu giá trị của thương hiệu.

Hà My cho rằng, khi doanh nghiệp chưa có ngân sách lớn để tiếp thị, họ nên cố gắng phục vụ tốt từng khách hàng để họ giới thiệu sản phẩm tới người khác. Khi nhóm khách hàng nhỏ công nhận chất lượng của sản phẩm, doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư cho hoạt động quảng cáo rộng rãi.

"Nếu doanh nghiệp thu hút khách hàng bằng giá rẻ, họ sẽ chỉ nghĩ tới giá khi đến với doanh nghiệp. Như thế, doanh nghiệp sẽ phải hy sinh lợi nhuận trong thời gian dài. Chúng ta có thể dùng cách khác để giảm giá cho khách nhưng vẫn tăng giá trị sản phẩm, như hậu mãi, tặng kèm sản phẩm. Chi phí để tăng giá trị cho sản phẩm không lớn, nhưng nó nâng thương hiệu lên tầm cao mới", My nói.

Nhiều doanh nhân khẳng định họ không bao giờ giảm giá, khuyến mãi để giữ chân khách hàng, mà tập trung vào hậu mãi và chăm sóc khách hàng.

Đề ra KPI về cách cư xử cho cả bộ máy

Bộ máy kinh doanh – cụ thể là những người bán hàng và chăm sóc khách hàng – phải thể hiện sự đồng bộ về văn hóa kinh doanh ở cả kênh trực tiếp lẫn online. Chẳng hạn, với bộ máy kinh doanh của Cocosin, chị Yến đề ra KPI về cư xử với mọi nhân viên – bao gồm cả người bảo vệ cửa hàng.

"Mỗi người trong doanh nghiệp đều có cá tính, tư duy và cách hành xử khác nhau. Nếu không đề ra tiêu chuẩn chung và KPI để mọi người tuân thủ, doanh nghiệp sẽ không thể tạo ra văn hóa phục vụ khác biệt, gây ấn tượng với khách hàng", Yến khẳng định.

Nhạc Dương