|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường thời trang trực tuyến Đông Nam Á hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử

10:06 | 14/07/2022
Chia sẻ
Bất chấp đại dịch COVID-19, ngành thời trang trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong hai năm qua, giúp các công ty đạt doanh số khủng.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp thời trang của khu vực Đông Nam Á vẫn sẵn sàng cho một sự trở lại đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, chính xác thì ngành công nghiệp thời trang ở Đông Nam Á đã tồn tại như thế nào trong bối cảnh rất nhiều lĩnh vực khác đã thu hẹp và vẫn đang vật lộn để phục hồi?

Câu trả lời là sự thay đổi nhanh chóng của thời trang hướng tới trải nghiệm kỹ thuật số hoàn chỉnh, điều này đã thể hiện rõ ràng ở khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử đã phát triển trở thành động lực chính thúc đẩy doanh thu cho các thương hiệu thời trang ở cả thị trường đại chúng và hàng xa xỉ.

Với quy mô thị trường lớn hơn, đạt khoảng 18 tỷ USD vào năm 2021, lĩnh vực này sẽ còn tăng trưởng hơn nữa nhờ vào các khoản đầu tư mới và tiến bộ trong công nghệ, tính bền vững và logistics.

Các sản phẩm thời trang xa xỉ như Chanel hiện đã có mặt trên nhiều sàn TMĐT. (Ảnh: YCP Solidiance).

Bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển

Với việc các cửa hàng truyền thống buộc phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch trong suốt hai năm qua, các thương hiệu bán lẻ đã chuyển hướng sang thương mại điện tử và gặt hái thành công lớn với doanh số bán hàng tăng nhanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada và Shopee.

Một nghiên cứu của Bloomberg cho thấy 86% đối tượng được khảo sát từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã tham gia vào các hoạt động bán hàng trực tuyến này, với 43% trong số họ thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến lần đầu tiên trong suốt hai năm đại dịch COVID-19.

Các thương hiệu xa xỉ cũng đang kiếm tiền nhờ sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử. Tờ Marketing in Asia trích dẫn một nghiên cứu của iPrice Group rằng, việc tìm kiếm trực tuyến các thương hiệu trời trang cao cấp như Louis Vuitton tăng đáng kinh ngạc, lên mức 555% trong thời gian đại dịch.

Những lượt tìm kiếm này cũng được chuyển thành lợi nhuận. Ví dụ, nhà bán lẻ điện tử Zalora của Singapore, có chi nhánh trên khắp khu vực Đông Nam Á, đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể trong doanh số bán túi xách, giày và ví xa xỉ trong năm qua.

Việc chuyển đổi sang ưu tiên kỹ thuật số đã cho phép nhiều thương hiệu chuyển hướng ngân sách theo hướng tăng cường cho các hoạt động trực tuyến của họ và giữ cho người tiêu dùng hài lòng thông qua phân phối nhanh và nội dung hấp dẫn.

Livestream, hợp tác với người có ảnh hưởng (influencer) và giảm giá là tất cả những biện pháp kích thích nhu cầu mua hàng khi nói đến thương mại điện tử. Do đó, các thương hiệu phải đẩy mạnh và đưa ra một cái gì đó mới mẻ và hấp dẫn để theo kịp ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là với sự trỗi dậy của thời trang siêu nhanh (ultra-fast fashion).

Một tương lai thân thiện với kỹ thuật số

Người tiêu dùng hiện nay không chỉ tập trung vào thương mại điện tử, mà họ còn tìm kiếm thời trang “có ý nghĩa”. Báo cáo Xu hướng của Zalora, được phát hành vào cuối năm 2020, nhấn mạnh rằng 90% khách hàng của họ hiện đang tìm kiếm sự bền vững trong các thương hiệu thời trang, với 60% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những mặt hàng này.

Kỳ vọng mới này của người tiêu dùng đã đặt sự chú ý vào những cách đổi mới để trở nên thân thiện hơn với Trái đất trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp thời trang.

Một ví dụ cụ thể cho điều này là việc sử dụng vải dệt bền vững để tạo ra hàng may mặc. Tạp chí CSR đã báo cáo một nghiên cứu mới của Quỹ Laudes về việc khám phá ra cách để dệt sợi tự nhiên từ rơm rạ, thân cây chuối và các loại thức ăn thừa trong ngành nông nghiệp từ các quốc gia Đông Nam Á. Nếu được triển khai và nghiên cứu một cách chính xác, loại vải dệt mới này có thể giúp giảm sự phụ thuộc tổng thể của ngành vào nhiên liệu hóa thạch.

Sự phát triển bền vững về thời trang của Đông Nam Á cũng có thể được thúc đẩy nhờ công nghệ, chẳng hạn như nỗ lực của hãng thời trang thương mại điện tử Thái Lan Pomelo. Thương hiệu này đang thử nghiệm công nghệ máy học AI và điện toán đám mây để tạo ra một hệ thống logistics tích hợp và bền vững hơn, theo báo cáo của Techwire Asia.

Những nỗ lực này được thiết lập để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, chẳng hạn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thậm chí giúp khu vực ASEAN đạt được mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp muốn trở thành đối tác tiềm năng phải tập trung vào công nghệ kỹ thuật số và các giải pháp cho tính bền vững để tham gia vào quá trình phát triển chung của ngành thời trang kỹ thuật số.

Doanh Chính

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.