Toan tính của ông trùm thời trang xa xỉ khi yêu cầu các đối tác cư xử tốt với động vật
Hôm 13/5, Kering SA, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ như Gucci, Balenciaga, Brioni, Bottega Veneta và Saint Laurent, thông báo họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản về đối xử với động vật liên quan tới sản phẩm của họ như túi xách da và áo vest len cashmere.
Kering SA là tập đoàn của Bernard Arnault, người giàu thứ hai nước Pháp với khối tài sản hơn 75 tỉ USD vào thời điểm hiện tại. Ông trùm thời trang xa xỉ này đang sở hữu khoảng 70 thương hiệu cao cấp.
Thúc đẩy hành vi đối xử nhân văn với động vật trên toàn cầu
Vào năm 2025, Kering SA sẽ áp dụng tiêu chuẩn Liên minh châu Âu về đối xử nhân đạo với động vật trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những tiêu chuẩn nhân văn nhất với động vật trên thế giới, bao gồm việc tiếp cận với nước sạch và không gian để di chuyển tự do.
Đối với những nhà cung cấp đã đạt những yêu cầu của Kering SA, tập đoàn khuyến khích họ nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn đối với động vật, như cho phép trâu, bò, ngựa gặm cỏ tự do và đà điều có không gian đủ rộng để chạy.
Một phiên bản túi xách da của thương hiệu Gucci. Ảnh: vogue.co.uk
"Nhiều quốc gia không yêu cầu những tiêu chuẩn như thế trong hoạt động mua và bán. Ở phần lớn lãnh thổ toàn cầu, người dân vẫn chưa chưa có suy nghĩ rằng động vật cũng là những thực thể sống có cảm giác và tri giác", Marie-Claire Daveu, một nhà quản lý cấp cao phụ trách phát triển bền vững của Kering SA, phát biểu.
Động thái của Kering SA diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng và giới đầu tư ngày càng tỏ ra quan tâm hơn tới tác động môi trường từ những thương hiệu thời trang ở mọi mức giá – từ những thương hiệu bình dân như Hennes & Mauritz tới những thương hiệu xa xỉ như LVMH và Kering SA.
Lượng khí phát thải carbon từ ngành thời trang khiến những người quan tâm tới khí hậu cảm thấy bất an, trong khi các tổ chức bảo vệ quyền động vật phàn nàn về điều kiện sống tồi tệ của những động vật được nuôi nhốt để cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm thời trang như da cá sấu, lông cừu.
Phối hợp với các nhà cung cấp thịt
Bà Daveu nói kế hoạch nâng tiêu chuẩn sống của động vật của Kering SA sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của họ với những doanh nghiệp cung cấp thịt, vì phần lớn nguyên liệu mà tập đoàn mua là phụ phẩm của hoạt động nuôi gia súc để lấy thịt.
"Điều kiện tiên quyết để thực hiện kế hoạch là chúng tôi phải có khả năng truy xuất nguồn gốc của từng tấm da và sợi lông", bà giải thích.
Tập đoàn Kering SA muốn thúc đẩy phong trào đối xử nhân văn với động vật trên toàn thế giới. Ảnh: qcsupply.com
Ban lãnh đạo Kering SA cho rằng, giai đoạn đầu tiên của tiêu chuẩn đối xử nhân đạo với động vật là ban hành các yêu cầu về đối xử với trâu, bò, ngựa, cừu, dê trong suốt cuộc đời, cũng như hướng dẫn các lò mổ giết chúng một cách nhân đạo.
"Những tiêu chuẩn mới về đối xử với động vật mà giới chức ban hành trong 3 năm qua rất hữu ích đối với những nhà bảo vệ quyền động vật, nông dân, người chăn thả gia súc, các nhà khoa học và tổ chức phi chính phủ. Chúng phản ánh những nghiên cứu khoa học mới nhất cũng như pháp lý, các tiêu chuẩn so sánh, quản lý và hướng dẫn từ nhiều lĩnh vực", tuyên bố của Kering SA nhấn mạnh.