|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chợ quần áo cũ đe dọa ‘thời trang ăn liền’

08:34 | 22/03/2019
Chia sẻ
Theo một báo cáo mới công bố, những nhà bán lẻ “thời trang ăn liền” như Zara và H&M đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới, đó là chợ quần áo cũ trị giá 24 tỉ USD.

"Thời trang ăn liền" là thuật ngữ chỉ dòng quần áo bình dân mà các hãng bán lẻ sản xuất hàng loạt với giá tầm trung, dựa trên các thiết kế từ sàn diễn thời trang và bán hàng càng nhanh càng tốt, nhằm đáp ứng xu hướng thời trang mới nhất. Điều này đồng nghĩa với sản xuất nhanh, giao hàng nhanh và tốc độ mua nhanh.

Mô hình này phát triển cuối những năm 1990, đi đầu là nhà bán lẻ Zara, theo sau là các nhà bán lẻ nổi tiếng khác, gồm H&M. Hai cái tên này thống thị giới "thời trang ăn liền", với Inditex (chủ Zara) đạt khoản lời 3,44 tỉ euro (333,9 tỉ USD) vào năm 2018.

Chợ quần áo cũ đe dọa ‘thời trang ăn liền’ - Ảnh 1.

Quần áo cũ bán ở cửa hàng ThreUP. Ảnh: ThredUP

Nhưng cùng với sự cạnh tranh từ người mua sắm trực tuyến, nhu cầu thụ hưởng quần áo mới của người tiêu dùng đang dần phai nhạt. Theo số liệu trong một báo cáo của cửa hàng trực tuyến ThreUP và công ty phân tích bán lẻ GlobalData công bố hôm 19/3, người mua sắm đang đầu tư nhiều hơn vào chợ quần áo cũ. Thị trường thời trang secondhand" này trị giá 24 tỉ đô-la ở Mỹ trong năm 2018, so với dòng "thời trang ăn liền" trị giá 35 tỉ USD.

Nhưng từ năm 2028, thị trường quần áo cũ sẽ tăng vọt "thủng nóc", sẽ đạt giá trị 64 tỉ USD ở Mỹ, trong khi dòng "thời trang ăn liền" sẽ chỉ đạt 44 tỉ USD.

Cả H&M và Zara đều không đạt kỳ vọng về nguồn thu trong năm 2019. Hồi tháng 1, H&M cho biết lợi nhuận của công ty bị giảm 10 trong quí tư, và họ đổ lỗi cho đầu tư vào kinh doanh trực tuyến, cùng với sự cạnh tranh từ Zara, Primark và ASOS.

Tuần trước, Inditex cũng báo báo cáo tăng trưởng doanh số 7% trong 5 tuần đầu tiên của năm tài chính mới, nhưng các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ. Lúc đó, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley lưu ý: "Đây là chưa đạt một nửa tốc độ tăng trưởng mà Inditex từng báo cáo chỉ vài năm trước, và chúng tôi tin rằng đó là bằng chứng hồ sơ tăng trưởng của tập đoàn này đang bị chậm lại đáng kể".

Theo CNBC, mua quần áo "secondhand" không còn có nghĩa lục lọi chúng trong các tiệm bán quần áo cũ, vì các cửa hiệu ThreUP ở Mỹ và Thrift+ ở Anh tạo điều kiện dễ dàng cho người mua-bán đồ cũ qua mạng.

Neil Saunders, giám đốc công ty phân tích bán lẻ GlobalData, nêu trong báo cáo: "So với thị trường quần áo nói chung, sức tăng trưởng của việc bán lại này là một hiện tượng. Vì đây là thị trường duy nhất đáp ứng sở thích của người tiêu dùng về sự đa dạng, giá trị và tính bền vững, chúng tôi hy vọng sự tăng trưởng cao này sẽ tiếp tục".

Theo báo cáo, từ năm 2028, khoảng 13 % số quần áo trong tủ của phu nữ sẽ là "đồ cũ, đồ secondhand", tăng so với 6 % trong năm 2018. Các sản phẩm đồ cũ giá trung bình của các dây chuyền cửa hàng bán lẻ như GAP và J. Crew sẽ chiếm 14 % trong tủ quần áo (giảm so với 20 % trong năm 2018) trong khi tỉ lệ mua quần áo mới ở các trung tâm mua sắm cũng sẽ giảm từ 14 % trong năm 2018 xuống còn 9 % trong năm 2028.

Người Mỹ cũng không chỉ mua quần áo "secondhand": vẫn còn một thị trường lớn cho hàng hóa hạng sang cũ. Khởi nghiệp trực tuyến RealReal bán quần áo và phụ kiện sang trọng đã qua sử dụng và đã huy động được số vốn 288 triệu đô –la. Người sáng lập và Giám đốc điều hành Julie Wainwright cho biết bà muốn thay đổi nhận thức về các doanh nghiệp ký gửi và công ty của bà hiện cũng có 9 cửa hàng chính thống tại Mỹ.

Hàng hóa của các thương hiệu hạng sang Burberry, Alexander McQueen và Versace có thể tìm cách thu hút khách mua sản phẩm cao cấp cũ ở thị trường cao cấp. Ở thị trường cấp thấp hơn, hàng hóa từ Toms, Herschel và Keds là ba đơn vị hàng đầu về giá trị hàng hóa đã qua sử dụng.

Bích Ngọc