|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những 'cú tát' của thị trường đối với cô tổng đài viên trở thành giám đốc dịch vụ điện hoa

09:32 | 18/05/2019
Chia sẻ
Từng là tổng đài viên của ngành bưu điện, chị Ngô Thị Hồng An phát hiện cơ hội kinh doanh điện hoa từ những cú điện thoại của khách hàng. Nhưng hành trình kinh doanh của chị diễn ra không êm ả.

Ngô Thị Hồng An là người sáng lập kiêm giám đốc Công ty TNHH Điện hoa Toàn cầu Việt Pháp (VPFlower). Trước đây, chị làm việc cho Bưu điện Hà Nội với vị trí tổng đài viên. Năm 1998, vào dịp trước Giáng sinh, một Việt kiều gọi điện cho An, nhờ chị tìm dịch vụ đóng vai ông già Noel vì đã hứa với một đứa trẻ. Liều lĩnh nhận lời, chị cùng gia đình thức thâu đêm để may bộ trang phục ông già Noel. Nhận thấy dịch vụ đóng giả ông già Noel hấp dẫn, chị quyết định kinh doanh lĩnh vực này. Vài năm sau, thấy "ông già Noel" xuất hiện nhan nhản trên các phố, chị chuyển hướng kinh doanh.

Những cú tát của thị trường đối với cô tổng đài viên trở thành giám đốc dịch vụ điện hoa - Ảnh 1.

Ngô Thị Hồng An, giám đốc Công ty TNHH Điện hoa Toàn cầu Việt Pháp. Ảnh: hoa.vn

Khởi nghiệp lần thứ hai với dịch vụ điện hoa

Cơ duyên mới đến vào năm 2000, khi tổng đài 1080 ngừng cung cấp dịch vụ điện hoa. Thích hoa và cũng từng học cắm hoa nghệ thuật, An nhớ lại rằng khi chị còn làm việc cho Bưu điện Hà Nội, nhiều người từng gọi tới tổng đài để đặt hoa nhưng chị phải từ chối. Nhận thấy tiềm năng thị trường lớn, chị thành lập công ty dịch vụ điện hoa tư nhân đầu tiên ở thủ đô vào năm 2001.

Niềm hân hoan trong ngày khai trương nhanh chóng tiêu tan, nhường chỗ cho tâm trạng bất an vì chất lượng hoa không đạt tiêu chuẩn. Đã trót "phóng lao", chị An phải "theo lao" bằng cách tự tìm mối cung cấp, đối tác vận chuyển. Chị di chuyển liên tục giữa hai miền Nam và Bắc trong gần nửa năm để xây dựng mạng lưới điện hoa trên cả nước.

Dịch vụ điện hoa liên tỉnh giúp sự nghiệp kinh doanh của chị An đi lên. VPFlower trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn, trúng thầu nhiều sự kiện. Mỗi ngày công ty xử lý hàng trăm đơn hàng.

Phát triển thuận lợi trong nước, nữ doanh nhân nảy ra ý tưởng mở rộng dịch vụ ra thị trường ngoài nước. Để có thể làm vậy, chị phải là thành viên của Hiệp hội Hoa thế giới. Sau khi gửi đơn đăng ký thành viên của Hiệp hội Hoa thế giới mà không nhận được hồi âm, chị dành thời gian tìm hiểu về họ, rồi chuẩn hóa những điều kiện khắt khe của họ về chất lượng hoa, cách bài trí cửa hàng, tay nghề.

Đầu năm 2004, Hiệp hội Hoa thế giới đồng ý kết nạp VPFlower. Công ty là thành viên chính thức thứ 280 của họ, và cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội là thành viên của họ.

Thị trường chuyển biến xấu, trở thành 'đại dương đỏ'

Nhưng rồi thời kỳ thuận lợi chẳng kéo dài mãi. Vài năm sau hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ điện hoa ra đời. Rồi tác động của khủng hoảng kinh tế vào năm 2012 khiến doanh nghiệp giảm chi phí cho các dịch vụ thuê ngoài, bao gồm cả điện hoa. Vì số lượng đối thủ tăng vọt, sự cạnh tranh về giá trở nên gay gắt. Thay vì ưu tiên hoa đẹp, có giá trị nghệ thuật như trước kia, khách hàng tập trung vào giá rẻ và số lượng lớn. 

Những cú tát của thị trường đối với cô tổng đài viên trở thành giám đốc dịch vụ điện hoa - Ảnh 2.

Thị trường điện hoa trở nên sôi động từ gần 10 năm trước, khiến chị An phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ. Ảnh: hoa.vn

Cú xoay chuyển chóng mặt của thị trường khiến triển vọng của VPFlower trở nên ảm đạm, doanh số giảm sâu và mức lỗ tăng theo thời gian. Không chỉ giảm số lượng nhân viên, Hồng An còn phải bán ô tô để trang trải hoạt động kinh doanh.

Chấp nhận xu thế của thị trường là hành động cần thiết trong kinh doanh. Lúc ấy, khách hàng muốn số lượng lớn và giá thấp. 

"Nếu muốn tiếp tục tồn tại, VPFlower phải chuyển hướng theo nhu cầu của thị trường. Nhưng với tôi, hoa phải đẹp, có yếu tố nghệ thuật và ẩn chứa giá trị tinh thần. Tôi nên bỏ quan điểm cũ để tiếp tục kinh doanh hay đổi nghề lần nữa?", chị An tâm sự.

Nhạc Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.