|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab, Tiki và nhiều startup đề xuất chính sách: Hình thành khái niệm 'cò' khởi nghiệp, cho startup lên sàn chứng khoán dù không có lãi

14:23 | 02/05/2019
Chia sẻ
Người đại diện của Grab, Tiki và các startup đưa ra các đề xuất cho chính sách khởi nghiệp như phát triển mô hình thí điểm, điều kiện về niêm yết cổ phiếu, hay hình thành nên khái niệm "cò" khởi nghiệp.

Trong Hội thảo về Khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019 vào sáng 2/5, người đại diện của các công ty Grab, Tiki hay Logivan đã đóng góp những góp ý linênquan đến chính sách để tạo ra môi trường thông thoáng hơn cho sự phát triển của startup Việt. 

Grab, Tiki và nhiều startup đề xuất chính sách: Hình thành khái niệm cò khởi nghiệp, cho startup lên sàn chứng khoán dù không có lãi - Ảnh 1.

Hình ảnh tại phiên Thảo luận của Hội thảo về Khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện.

Mô hình thí điểm cho các mô hình kinh doanh mới

Ông Jerry Lim, Giám đốc điều hành (CEO) Grab Việt Nam cho rằng, nền kinh tế tư nhân cũng phải hợp tác với chính phủ để khơi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp  nâng cao nhận thức.

Grab muốn hợp tác với chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp, tận dụng kiến thức để phát triển. Hiện nay, Grab đã hợp tác với chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào cơ sở để mang lại giá trị cho người Việt Nam. Bên cạnh một số thành công, ông nêu nhiều thách thức mà Grab gặp phải.

Sự phản ứng từ các công ty truyền thống là thách thức thứ nhất. Ông Lim nhắc lại cuộc cách mạng hơi nước với sự phản đối và đập phá máy móc của người dân. Tương tự, trong cuộc cách mạng 4.0, các công ty truyền thống cho rằng công nghệ chiếm thị phần và phản đối các mô hình mới. Ông cho rằng các doanh nghiệp nên hợp tác thay vì chống đối nhau. Bên cạnh đó, ông kỳ vọng chính sách có thể tạo ra sân chơi bình đằng, chính phủ đóng vai trò điều tiết, giảm gánh nặng hành chính, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành.

Thứ hai, ông Jerry Lim nhấn mạnh đến việc khuyến khích các công ty công nghệ phát triển  thông qua mô hình thí điểm, kiểm chứng tác động của mô hình kinh doanh mới tới xã hội, rút kinh nghiệm để điều tiết thị trường.

Ông đề xuất chính phủ phối hợp các công ty, đưa ra bộ tiêu chí để có thể sàng lọc các doanh nghiệp đưa vào mô hình thí điểm, không nên đưa vào nhiều công ty có cùng mô hình kinh doanh mà cần sàng lọc. 

Grab, Tiki và nhiều startup đề xuất chính sách: Hình thành khái niệm cò khởi nghiệp, cho startup lên sàn chứng khoán dù không có lãi - Ảnh 2.

Ông Jerry Lim, đại diện Grab Việt Nam phát biểu. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện.

Đề xuất startup có thể lên sàn chứng khoán dù không có lợi nhuận

Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập của Tiki, đưa ra hai ý kiến về giải pháp lâu dài dành cho tất cả các công ty công nghệ Việt Nam. Ông Sơn cho rằng để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị lương thảo và đạn dược. Ngày càng có nhiều nhà sáng lập sắc sảo và nhiều startup gọi vốn thành công. Có nhiều doanh nghiệp gọi vốn con số triệu USD, tuy nhiên để gọi được khảon đầu tư trên 50 triệu USD là vấn đề khó. Ông đưa ra hai vấn đề cùng kiến nghị.

"Mọi nhà đầu tư đều đặt câu hỏi là làm sao để có lợi nhuận, thoái vốn thành công. Khi tôi trao đổi với nhiều nhà đầu tư, họ nói vấn đề càng khó hơn để thoái vốn thành công ở thị trường Việt Nam vốn không phải thị trường lớn. Có ba yếu tố đối với startup để nhà đầu tư thoái vốn thành công: starup phải có lãi, có thể được mua lại hay sáp nhập, có cơ hội chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO)

Hiện nay, các sàn chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đều cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần tăng trưởng.Trong khi đó, nhà đầu tư đánh giá Việt Nam có quy mô thị trường chưa đủ lớn và hấp dẫn, chưa đạt quy mô nghìn tỉ USD. Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam cần có chính sách để các công ty khởi nghiệp chưa có lợi nhuận, nhưng tăng trưởng vẫn có thể lên sàn chứng khoán.

Cũng vì Việt Nam chưa phải thị trường lớn, ông Sơn cho rằng các công ty trong nước nên đi ra khỏi thị trường Việt Nam và hướng tới thị trường Đông Nam Á quy mô hơn 2.000 tỉ USD.

Mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà nhà nước phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Ông đề nghị nên có những điều kiện thông thoáng hơn.

Hình thành khái niệm 'cò' khởi nghiệp 

Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Bất động sản Việt Nam, ông Phạm Văn Tuấn, nhận định hiện nay quản lý công ty lĩnh vực bất động sản với 4.000 nhân sự, đề nghị nhà nước nên lưu ý khái niệm cò khởi nghiệp, nghĩa là môi giới khởi nghiệp, tương tự như cò bất động sản.

Theo ông Tuấn, "cò" khởi nghiệp là nhân tố cần thiết vì có nhiều người có ý tưởng lại thiếu kỹ năng bán hàng, vì thế cần người đứng ra làm trung gian hỗ trợ. Ông lưu ý rằng, để thành công như hôm nay, Singapore cũng từng có 70% dân số làm nghề môi giới.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, thuế doanh nghiệp nên khoán cho startup với các khoản thuế theo quí hoặc theo năm để doanh nghiệp không phải thuê một kế toán và trả lương. 

Loạt giải pháp về giáo dục để phát triển startup

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Logivan, bà Linh Phạm, chỉ ra các lí do khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào start up Việt Nam. Thứ nhất, các start up ở Việt Nam gặp rào cản liên quan đến ngôn ngữ. Vì vậy, bà cho rằng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quan trọng để startup vươn ra thế giới.

Đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo thành bộ môn tại trường đại học là đề xuất của nữ giám đốc Logivan.

Thứ ba, chị Linh muốn các ngân hàng có chính sách tín dụng cho các nhà sáng lập để có thể hoạt động đến khi nhận vốn từ các nhà đầu tư thiên thần.

Phân công một Bộ chuyên về start up, giải quyết các vấn đề cho khởi nghiệp là đề xuất thứ tư của chị Linh. Theo chị, các Bộ ngành liên quan sẽ phản hồi lại cho Bộ chuyên về startup các thông tin thắc mắc từ startup trong vòng 14 ngày. 

Tuệ An