|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không tạo ra khác biệt về dịch vụ, các ứng dụng gọi xe chỉ có thể cạnh tranh về giá

09:49 | 11/01/2019
Chia sẻ
Nhận định về những chuyến xe “0 đồng” và cuộc đua đốt tiền giữa các ứng dụng đặt xe, CEO An Vui cho rằng, cạnh tranh về giá là cách duy nhất khi các công ty không thể giải quyết bài toán về sự khác biệt trong sản phẩm.
 

Những cuốc xe ‘0 đồng’ và cuộc cạnh tranh bằng giá rẻ

Vào cuối 2018, trong khi cuộc tranh luận về việc công ty vận hành ứng dụng gọi xe là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ, Be Group (công ty chủ quản của ứng dụng gọi xe Be) ra đời và nhận họ là doanh nghiệp vận tải.

Be gia nhập thị trường, tham gia cuộc đua "đốt tiền" cùng Grab và Go-Viet, với hàng loạt mã khuyến mãi, cuốc xe vài nghìn đồng, chương trình miễn phí đồng phục, thưởng ngọc, thưởng tiền cho tài xế.

Giống như các đối thủ, be tung ra các chương trình khuyến mãi cho cả người dùng và tài xế.

Nhận định về cuộc chiến đốt tiền tay ba, ông Phan Bá Mạnh - CEO Công ty công nghệ vận tải An Vui và quan tâm tới lĩnh vực vận tải - cho rằng các ứng dụng đặt xe vẫn chưa kiểm soát được chất lượng dịch vụ. Tài xế của Grab có thể hợp tác với Go-Viet, đồng thời có thể là đối tác của be.

Ông Mạnh cho rằng đây là cuộc chơi mà tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có một hồi kết về chuyện đốt tiền.

“Trong cạnh tranh, chúng ta có hai chiến lược. Một là khác biệt hoá sản phẩm/dịch vụ, hai là khác biệt về giá. Khi không giải quyết được khác biệt về sản phẩm thì chỉ có cách cạnh tranh về giá”, ông giải thích.

khong tao ra khac biet ve dich vu cac ung dung goi xe chi co the canh tranh ve gia
Ông Phan Bá Mạnh, giám đốc công ty An Vui. Ảnh: NVCC

Hiện nay, với lợi thế đi trước, Grab đang chuyển từ mở rộng sang siết chặt chất lượng tài xế. Những người không trụ lại ở Grab sẽ nhảy sang các đối thủ.

“Ở Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ, công ty đốt nhiều tiền nhất đang hưởng lợi ích lớn nhất. Các doanh nghiệp vào sau đang trông chờ vào những thứ đối thủ đi trước bỏ lại", ông Mạnh lập luận.

Dù Be gia nhập thị trường hay không, cuộc chơi này ở giai đoạn hiện nay khó có biến động lớn, vì phương pháp cạnh tranh vẫn bằng tiền. Chỉ khi phương pháp cạnh tranh thay đổi, tình hình cạnh tranh trên thị trường mới biến động lớn”.

Vẫn còn phân khúc “nóng” cho taxi truyền thống và doanh nghiệp đến sau

Khi Grab đang là doanh nghiệp dẫn đầu và thay đổi nhanh bằng các dịch vụ gia tăng, các công ty Việt mới chỉ bắt đầu công cuộc chinh phục tài xế và hành khách.

Giám đốc công ty An Vui cho rằng trong khi Grab đang phát triển ở tỉnh thành lớn, những doanh nghiệp Việt vốn có lợi thế về am hiểu thị trường nội địa có thể tấn công vào thị trường tỉnh lẻ.

"Còn một ngách khác cho cuộc đua thị phần. Vào những giờ cao điểm, gọi xe của Grab, Go-Viet hay bất cứ dịch vụ nào là việc rất khó khăn. Việc tăng giá hay cam kết giữ nguyên giá vào giờ cao điểm không có nhiều ý nghĩa khi vấn đề mấu chốt là cung không đủ cầu. Thực tế này chứng tỏ thị phần ở các giờ cao điểm còn dư chỗ cho các đơn vị tham gia", ông Mạnh phân tích.

Các hãng taxi truyền thống sở hữu xe và các tài xế chuyên chạy, nên họ có thể điều xe một cách tập trung. Hơn nữa, bằng sức mạnh của “bó đũa” với sự ra đời của G7 Taxi và Liên minh taxi Việt, ngành taxi truyền thống hoàn toàn có cơ hội để giành lại một phần thị phần vào những giờ cao điểm từ tay “gã khổng lồ”.

Xem thêm

Tuệ An